Những nhà đầu tư ngoại vẫn đặt cược vào địa ốc Việt Nam

Thảo luận trong 'Kinh tế' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 28 Tháng 11 2012.

  1. (Lượt xem: 1,301)

    Giữa lúc thị trường trầm lắng, ngày 21/11, Becamex Tokyu là liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu (Nhật) và Công ty Becamex IDC Corp (Bình Dương) đã động thổ tiểu dự án C18 gồm 413 căn hộ chung cư với tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Nhà đầu tư Nhật cho hay họ đang thăm dò phản ứng của thị trường trước khi triển khai dự án quy mô lớn gồm hơn 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại.
    Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu, Toshiyuki Hoshino cho biết: "Nhiều nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi thị trường địa ốc nhưng chúng tôi cam kết phát triển khu đô thị lâu dài". Ông Hoshino tin rằng Việt Nam có tốc độ tăng dân số nhanh, quá trình đô thị hóa mạnh nên cánh cửa hồi phục của bất động sản rất lớn.
    Không kém doanh nghiệp Nhật, nhà đầu tư Singapore còn bám trụ thị trường Việt Nam chặt hơn. Cuối tháng 7/2012, Singapore có hơn 550 dự án, tổng vốn lũy kế hơn 6,8 tỷ USD đầu tư tại TP HCM. Nếu chỉ tính riêng lĩnh vực bất động sản, Công ty Keppel Land (Singapore) đã có 18 dự án được cấp phép tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Tập đoàn này đã hợp tác với Công ty Tiến Phước, Công ty Hưng Phú và cả UBND TP HCM để triển khai các dự án nhà ở.
    [IMG]
    Một dự án do nhà đầu tư Singapore đầu tư xây dựng tại quận 2, TP HCM. Ảnh: Vũ Lê
    Ông Linson Lim - Chủ tịch Công ty Keppel Land cho biết: "Tôi tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam và sẽ tiếp tục ra mắt sản phẩm mới, điểm rơi là năm 2013-2015".
    Chuyên gia Singapore phân tích, thời gian qua, trước các thách thức kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ đã làm nguội thị trường bất động sản. Giai đoạn này doanh nghiệp địa ốc nhỏ có thể phải đối mặt với các vấn đề tín dụng. Tuy nhiên, những nhà phát triển bất động sản có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm dày dặn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
    "Dù khủng hoảng nhưng các nền tảng cơ bản của thị trường Việt Nam không thay đổi. Tôi tin nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm đến hoặc mở rộng sự hiện diện của họ tại thị trường này", ông Lim dự báo.
    Không chỉ có Nhật, Singapore, nhà đầu tư Malaysia cũng bám trụ thị trường Việt Nam. Ngày 10/10, Công ty Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng là liên doanh giữa Gamuda Land (Malaysia) và Sacomreal (Việt Nam) đã khởi công khu phức hợp Celadon City. Có tỷ lệ vốn góp cao hơn Sacomreal trong dự án này, Gamuda Land mạnh tay dồn lực triển khai dự án giữa lúc địa ốc đóng băng.
    Tổng Giám đốc của Celadon City, Chow Chee Fan cho hay, trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, Gamuda Land đã lường trước được tình huống khó khăn hiện nay. Ông cho rằng khó khăn chính là cơ hội cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh và tầm nhìn phát triển lâu dài. "Chúng tôi tin vào sự khởi sắc của bất động sản Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là nhu cầu được ở trong một khu đô thị phức hợp với nhiều tiện ích”, ông Fan nhận xét.
    [IMG]
    Một dự án khu đô thị do nhà đầu tư Đài Loan phát triển tại khu Nam TP HCM. Ảnh: Vũ Lê
    Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ sở khi bám trụ bất động sản Việt Nam và đặt cược vào sự hồi phục của thị trường này".
    Thứ nhất, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, chính trị ổn định, vị trí cửa ngõ để phát triển nhiều ngành. Với nền kinh tế trẻ, cởi mở và có tính thích nghi nhanh, khả năng tạo ra tiền trong tương lai rất lớn. Một phần dòng tiền này chắc chắn sẽ chảy vào thị trường nhà ở.
    Thứ hai, các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP HCM vẫn còn khả năng cải thiện sức chứa trong tương lai. Đơn cử TP HCM rộng 2.000 km2, dân số 10 triệu người. Nếu so với Singapore rộng 400 km2 đã lên đến 6-7 triệu dân thì TP HCM còn có thể tăng thêm sức chứa lên 15-17 triệu dân nếu có giải pháp quy hoạch không gian tốt.
    "Với sức chứa này, tiềm năng của thị trường nhà ở, tiêu dùng và dịch vụ sẽ rất lớn. Tôi không ngạc nhiên khi nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn lạc quan", ông Nghĩa giải thích.
    Thứ ba, khối ngoại có tầm nhìn dài hạn với các ưu thế: tài chính mạnh, năng lực quản lý tốt, ứng dụng công nghệ cao và kinh nghiệm sâu rộng về thị trường bất động sản. Việt Nam chưa phát triển ở trình độ cao nhưng cũng không quá thấp, là thị trường lớn hấp thụ các ưu thế này của khối ngoại.
    Cơ sở thứ tư được ông Nghĩa cho là quan trọng nhất. Đó là địa ốc Việt Nam có đặc thù là khi thị trường xấu tài sản bị đánh giá thấp nhưng tốc độ chuyển hóa tài sản khi thị trường khởi sắc lại cao hơn gấp nhiều lần so với tốc độ sụt giảm. Lỗ một đồng thời khủng hoảng nhưng khi bối cảnh tươi sáng hơn có thể lời 5-7 đồng. Đây là sức hấp dẫn rất lớn đối với tất cả các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.
    "Dĩ nhiên lúc này các doanh nghiệp phải chấp nhận nếm mật nằm gai. Nhưng nếu vượt qua khó khăn, cơ hội của bất động sản Việt Nam trong dài hạn là rất lớn", ông Nghĩa nói.
    Vũ Lê
    Nguồn: VNExpress
  2. Facebook comment - Những nhà đầu tư ngoại vẫn đặt cược vào địa ốc Việt Nam

Chia sẻ trang này