NỤ CƯỜI

Thảo luận trong 'Kỹ năng sống' bắt đầu bởi tuech, 4 Tháng 8 2012.

  1. (Lượt xem: 1,538)

    NỤ CƯỜI



    Cười là đặc tính của loài người.
    - Rabelais.

    Biết cười và chọc cười là hai đặc tính của loài người.
    - H. Bergson.

    Khả năng cười tươi là sự chứng minh cho một tâm hồn tuyệt hảo. Nên dè dặt với những kẻ tránh cười, với những kẻ thiếu cởi mở.
    - J. Cocteau.

    Ngày nào không cười, ngày ấy đã bị phung phí.
    - Chamfort.

    Những kẻ nghèo khó thỉnh thoảng được cười tươi, quí như mùa đông thỉnh thoảng có mặt trời soi chiếu.
    - A. Dumas.

    Thấy miệng cười mà mắt không cười thì chớ tin.
    - A. d'Houdetot.

    Bạn cười, thiên hạ cùng cười vui với bạn, bạn khóc thì chỉ khóc một mình.
    - Yiddish (Tục ngữ Anh, Ấn).

    Hài hước là sự sung sướng của kinh nghiệm.
    - Ch. Charlot.



    Cười có nhiều thái độ. Điều muốn nói ở đây là nụ cười quan tâm, phải có tấm lòng ôn hòa độ lượng thì nụ cười mới duyên dáng được.

    Người ta thường nói: "Người có nụ cười tươi, chẳng khác nào có đóa hoa gắn trên môi". Biết cách cười cũng là một nghệ thuật.

    Hồi đầu thế kỷ này, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh có viết bài "Gì Cũng Cười", trong đó ông có phế phán những cái cười vô ý thức. Bài viết đó có phần khắt khe: "An Nam ta có một thói lạ, gì cũng cười... Hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang". Xét cho cùng, đất nước ta kinh qua không biết bao nhiêu nỗi đau đớn, mà vẫn còn tồn tại đến hôm nay, đó cũng là nhờ ở "đất lề quê thói". Và nụ cười có sức truyền cảm bí mật, có sức đoàn kết ngấm ngầm, có một nỗi thiết tha và độ lượng, khó nói đến cùng.
    Trong bài thơ "Ngồi tù Quảng Đông" có câu: "Mở miệng cười tan cuộc oán thù".

    Cụ Phan Bội Châu đã tỏ ra là bậc đại nhân quân tử. Một tâm hồn độ lượng, khiến nụ cười phải rộn rã như tiếng pháo đầu xuân đuổi xua những hắc ám và u khí.

    Nụ cười và tiếng nói đều hiện trên môi, nhưng cử động của đôi môi rất khác nhau cho mỗi trường hợp. Nụ cười lắm khi không có tiếng, nhưng đối tượng thấy mát rượi hay ấm áp còn tùy vào hoàn cảnh lúc đó.

    Nụ cười có khi biến đổi một cảnh ngộ hiểm nghèo thành bình yên. Trong một chuyến tàu đêm từ Phú Quốc về Rạch Giá, hôm ấy nhằm lúc biển động rất mạnh. Sóng và gió mỗi lúc mỗi mạnh, thỉnh thoảng có vài đợt sóng phủ qua boong tàu, tàu chao đảo, hành khách nhốn nháo, viên tài công không hiểu sao cũng mất bình tĩnh, biển tối đen. Đèn chiếu trên tàu không hiểu sao cũng tắt ngấm, chỉ còn một chút ánh sáng yếu ớt của chiếc hải bàn phát ra.
    Bỗng một nữ hành khách nói:
    - Bác tài cứ bình tĩnh! Mỗi lần trời bão là mấy chú hải âu thích lắm, vì nó có dịp đọ sức với gió. Tôi xin ra ngoài trấn an mấy người kia.
    Lúc đó anh thợ máy làm sáng lại mấy ngọn đèn. Thiếu nữ đi một hồi trở lại nói:
    - Bác tài giỏi quá, tàu mình sắp đến Hòn Tre rồi.

    Sóng gió ầm ầm như vậy, ai nấy đều xanh mặt, nhiều người đọc kinh cầu, riêng nữ khách ấy vẫn giữ trên môi một nụ cười an lạc, khiến bác tài thêm phấn khởi tự tin. Vào tới bờ trời vừa sáng.
    Viên tài công nói với nữ hành khách gan dạ đó:
    - Bão này rất lớn, các em báo không chính xác nên mới "dương" vậy đó. Cám ơn cô đã giúp sức cho chúng tôi. Anh ta cao hứng đọc hai câu thơ cũng khá hợp:

    Dù đời ta còn đôi cánh lá,
    Xin vì người trổ hết mùa bông!



    Trong sự xã giao một cách tự nhiên, thì nụ cười cũng phải tự nhiên để khỏi mất tính ban đầu của nó. Người ta nói: "Chỉ có con người mới có nụ cười".
    Trên vấn đề thân thiện, nụ cười rất có ý nghĩa theo từng thời kỳ (hay giai đoạn): nụ cười cảm thông, nụ cười khích lệ, nụ cười tán đồng... và cũng nên tránh những nụ cười có ý nghĩa tương phản: cười mỉa mai, cười châm biếm, cười mát, cười gượng...
    Dễ hiểu, người đang đối diện với ta không phải là kẻ đối đầu, không phải là kẻ thù. Giả như bạn là người đi xin việc làm, đang nghe ông giám đốc nói chuyện, nếu thỉnh thoảng thì cứ nở một nụ cười tự nhiên, còn không cười được cũng phải cố gắng giữ nét mặt hòa hoãn, tránh cái cười gượng, cười nịnh.

    Đối diện với người bạn gái, nếu cô bạn quá nghiêm trang, thì bạn không nên "nghiêm trang hơn", vì như vậy dễ trở thành một không khí cục bộ nặng nề, bạn phải tinh ý, tìm một vài câu nói hay cử chỉ vui nhộn, khôi hài tất cả đều cởi mở để không khí đó còn được sống động.
    Nếu cô bạn quá náo nhiệt, sôi nổi, còn bạn thì trầm lặng, dĩ nhiên bạn không thích cái quá trớn ấy phải làm sao?
    Bạn khoan lên tiếng phản đối, cũng đừng nhíu mày nhăn mặt, cố gắng giữ một thái độ thản nhiên. Vì nếu người đối diện là một bạn mới, chắc chắn nàng không sôi nổi quá đáng. Nếu nàng là bạn cũ thì bạn đâu có lạ gì tánh nết của nàng?
    Cả hai trường hợp trên bạn có cùng một cách xử sự để lấy lại sự quân bình cho không khí lúc đó; nụ cười đằm thắm và ôn hòa!

    Không ngày nào ta không thấy nụ cười của người chung quanh, nhưng nụ cười hồn nhiên, nhẹ nhàng chỉ có được ở những con người nhân hậu vô tư, nên tránh những tiếng cười "hô hô", vì nó biểu lộ tánh tự mãn, đắc thắng. Nụ cười ấy dành riêng cho các vị tướng quân thời cổ, hoặc dành cho những buổi tiệc của đám cường hào, hải tặc...

    Bạn có thể khó tính, nhưng đừng tưởng kẻ khó tính không có nụ cười dễ dãi.
    Cần một nụ cười đó không khó đâu. Trước nhất bạn nên tạo một nụ cười trong gia đình. Mỗi buổi sáng trước khi bước xuống giường, bạn chịu khó suy nghĩ một câu nói đùa (dù lúc đó gia đình không có tiền ăn điểm tâm) cho người thân như vợ con, hoặc cha mẹ, hoặc anh chị em. Làm hiền làm lành với người thân đâu có gì xấu hổ? Tại bạn chưa quen đó thôi. Không riêng gì người phương Tây có câu chúc vào mỗi buổi sáng, mà từ ngàn xưa người Đông phương cũng có phong tục đó. Câu "Thần tĩnh mộ khan" (sớm thăm, tối viếng) không hẳn chỉ bổn phận con cái đối với cha mẹ, anh chị em trong gia đình cũng thăm hỏi được vậy. Đây, chúng ta tập lấy những nụ cười trong sáng, thư thái, hỷ xả.

    Nếu bạn hỏi: "Sao các nhà sư ít cười họ lại nhiều tín đồ". Đó là một trường hợp khác. Đạo hạnh của những vị ấy trang nghiêm. Họ không cười ra tiếng, nhưng họ cười qua ánh mắt, qua thần thái, qua tấm lòng hoan hỷ. Sự ung dung và độ lượng là nụ cười của họ.

    Vui tính là một cách cười. Khôi hài là cách làm cho người khác vui và cười. Trong tuồng cải lương hay hát bộ cũng có vai mấy anh hề. Vai trò của họ không liên hệ gì với tuồng, nhưng rất quan trọng đối với thính giả. Một nụ cười tươi nhiều khi đáng giá tỷ tiền. Đọc truyện cổ Trung Quốc, chúng ta không quên nụ cười của Bao Tự. Và những câu: "Nhất tiếu thiên kim", "Nhất tiếu khuynh thành"... Không phải nụ cười của người đẹp mới giá trị.

    Lại có một chuyện khó quên. Hồi ấy bạn tôi tham dự giải vô địch quyền tự do hạng nặng. Bạn tôi sở trường về môn Aikido. - Aikido mà đi đấu với Vovinam, Thái cực đạo, Thiếu lâm... cầm bằng "bầm dập như chơi".
    Buổi tối hôm ấy bạn tôi bị đối thủ đánh tơi bời. Đến hiệp thứ tư mắt bạn sưng lên. Hồi lúc bắt đầu lên đài, tôi cố chen ngồi phía trước mục đích là cho bạn thấy sự có mặt của mình để cổ động tinh thần, nhưng có lẽ bạn tôi ngay từ đầu không thấy tôi. Khi lần "cho nước" thứ tư, bạn tôi thảm hại quá, tôi đứng gần đó, bạn tôi thấy kịp, tôi cười thật "ngon lành" vừa gật đầu vừa đưa ngón cái lên.
    Hai đứa thân với nhau, nghề nghiệp cũng suýt soát, qua nụ cười "tin tưởng" ấy, bạn tôi như linh hoạt hẳn lên. "Một sức mạnh rất bí mật và một tuyệt chiêu bất ngờ", đối thủ của bạn tôi bị đo ván, sau chín tiếng đếm! Đó lời của bạn nói.
    Nụ cười trong lúc này chẳng khác gì liều thuốc kích thích.
    Đừng nói chi con người, kể cả loài vật cũng vậy.

    Nhà bác hai Ngữ thường gầy giống gà chọi, một dạo có một trứng gà sanh đôi. Cả hai cùng lớn theo thời gian, đặt tên chúng là Ô anh, Ô em. Bác Ngữ săn sóc chúng rất cẩn thận. Nếu so sức đấu thì Ô em đá chính xác và thế thần hơn Ô anh; Ô anh lấn xác và lấn sức hơn Ô em. So với gà trường, anh em Ô nhỏ xác hơn chúng. Tuy vậy hai anh em Ô chưa hề bại, mỗi con đã từng ăn hai ba độ đáng giá.

    Có một điều ít người chơi gà để ý, bác Ngữ ôm gà đi đá, không bao giờ ôm chặt một con. Vì vậy mà khi anh hoặc em vào vòng chiến, con còn lại đứng ngoài vòng nhảy nhót cổ động. Có người mở trường gà ở quận khác nghe tiếng liền mang gà đến thách bác hai đấu. Cuộc đấu này cáp độ rất lớn. Ô em ra trận, Ô em lớn chỉ bằng 8/10 so với đối thủ! Đến hiệp thứ sáu, Ô em chịu đòn như hết nổi, Ô anh ở ngoài muốn tung cánh nhảy vào. Bất ngờ nó gáy lên một tiếng thật oai vệ, Ô em như được hồi sinh! Ô em trổ đòn đá dồn dập vài tuyệt chiêu nữa. Đối phương nằm gục xuống! Trận đó Ô em thắng. Ô em về đến nhà thì chết.
    Sau năm ngày Ô anh buồn bã chết theo. Từ đó bác hai Ngữ không nuôi gà chọi nữa.

    Nụ cười đẹp là giúp người một niềm vui, giúp mình một thiện cảm ở người. Nụ cười vốn dĩ hồn nhiên và vô vụ lợi. Dẫu có người hiểu mình qua nụ cười, mời mình hợp tác làm ăn và dĩ nhiên nếu bạn thích thì cứ làm ăn chân chánh với họ. Có nhiều bản trẻ đẹp trai, học khá, lại có nụ cười rất có duyên. Với sức hấp dẫn bên ngoài ấy, nếu như không có chút đạo đức dễ biến mình là... kẻ bạc tình nước Sở!

    Dù sau ta cũng nên ghi nhớ mấy điều:

    - Nụ cười có thể biến đổi một cảnh ngộ hiểm nghèo thành bình yên.
    - Để tập có một nụ cười hồn hậu, cần làm việc với nó ngay ở những người thân.
    - Nụ cười một thoáng gây sự cảm mến lâu dài.
    - Chỉ có loài người mới có nụ cười. Đừng đánh mất nó!
    - Để phụ họa với nụ cười cho hữu hiệu, chúng ta nên có tinh thần hoạt kê.


    (Trích đăng sách: Thuật Ứng Xử Thu Phục Lòng Người, tác giả Chiêm Trúc)
    ngaodu thích bài này.
  2. Facebook comment - NỤ CƯỜI

Chia sẻ trang này