Trong văn bản giải trình phát đi ngày 26/11, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, tính tới 30/9, đã đầu tư 3.652 tỷ đồng vào 42 công ty xăng dầu TNHH một thành viên do Petrolimex sở hữu 100% vốn điều lệ. Đây là các công ty Nhà nước thành lập trong quá trình lịch sử hình thành tập đoàn. Theo quy định, từ trước ngày 1/7/2010 đây là vốn của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Kể từ ngày 1/7/2010 đến nay, thực hiện luật doanh nghiệp năm 2005, và nghị định chuyển đổi mô hình, Petrolimex chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con, vì vậy 42 công ty xăng dầu thành viên được chuyển thành các công ty TNHH một thành viên do Petrolimex sở hữu 100% vốn điều lệ. Toàn bộ số vốn của 42 công ty này là vốn của công ty mẹ đầu tư vào công ty con. 2 công ty do Petrolinex sở hữu 100% đang hoạt động tại Singapore và Lào, cũng được cấp 380 tỷ đồng dưới hình thức công ty mẹ đầu tư. Petrolimex đầu tư 7.665 tỷ đồng vào 73 công ty con. Ảnh: Hoàng Hà.Về việc đầu tư 3.633 tỷ đồng vào 25 công ty cổ phần và công ty TNHH một thành viên, Petrolimex cho biết, hầu hết đều là các doanh nghiệp cổ phần hóa. Petrolimex sở hữu một tỷ lệ vốn nhất định sau khi bán phần vốn Nhà nước cho các nhà đầu tư khác theo phương án cổ phần hóa. Ngoài ra, Petrolimex tham gia đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp mà lĩnh vực hoạt động có liên quan đến xăng dầu. Các khoản đầu tư vào công ty con được chuyển vốn từ Petrolimex giao cho các công ty thành viên quản lý, sử dụng và có trách nhiệm bảo toàn vốn của công ty mẹ. Xung quanh việc kiểm toán Nhà nước có ý kiến về việc Petrolimex mua thẻ hội viên chơi golf cho cán bộ lãnh đạo hơn 1 tỷ đồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Nguyễn Ngọc Năm cho hay, việc mua thẻ hội viên chơi golf hoạt động của một công ty cổ phần mà Petrolimex chỉ là một cổ đông. "Việc này, họ mua để phục vụ giao dịch chung của công ty, việc mua như thế nào do đại hội cổ đông công ty quyết định. Đây không phải mua cho lãnh đạo Petrolimex. Tập đoàn và công ty này là 2 pháp nhân độc lập", ông Năm khẳng định. "Bản chất đây là khoản đầu tư doanh nghiệp, Petrolimex không mua bán chứng khoán thông qua việc kinh doanh cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc thị trường OTC", Petrolimex khẳng định. Giải thích về khoản lợi nhuận trước thuế 1.030 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, Petrolimex cho biết lợi nhuận này chủ yếu tập trung ở các công ty cổ phần, liên kết và công ty ở nước ngoài hoạt động theo cơ chế thị trường, không liên quan đến gas, hóa dầu, bảo hiểm, ngân hàng, vận tải... Các công ty cổ phần, TNHH một thành viên, công ty liên kết là các pháp nhân độc lập, có vốn góp từ nhiều thành phần khác nhau, Petrolimex chỉ là 1 trong số các nhà đầu tư góp vốn. "Tuy nhiên, theo quy định tài chính hiện hành, Petrolimex phải thực hiện báo cáo hợp nhất các chỉ tiêu tài chính này vào công ty mẹ để thành báo cáo hợp nhất", Petrolimex giải thích. Theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn Xăng dầu, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Petrolimex năm 2012 là 2.556 tỷ đồng, trong đó riêng lợi nhuận khối xăng dầu là 1.191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình xăng dầu thế giới biến động, Nhà nước vẫn phải can thiệp để bình ổn nên 6 tháng đầu năm nay, Petrolimex cho biết vẫn bị lỗ ở mức thấp và lũy kế 9 tháng mới lãi 58 tỷ đồng. Chuyện đầu tư vào 73 công ty con và lỗ lãi của Petrolimex vừa qua thu hút sự quan tâm của dư luận. Mới đây, Petrolimex dự báo quý 4, Tập đoàn sẽ không có lãi, thậm chí là lỗ. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm tập đoàn vẫn lãi. Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho hay, thông tin quý 4 tập đoàn lỗ chỉ là dự đoán về kinh doanh xăng dầu. Còn các mặt hàng khác như gas, hóa dầu, bảo hiểm, vận tải.., Petrolimex khẳng định có lãi. "Dự đoán kết quả kinh doanh xăng dầu trong thực tế là rất khó bởi nó phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới và điều hành giá trong nước", ông Năm cho hay. Hoàng LanNguồn: VNExpress