Sài Gòn đêm trở lạnh

Thảo luận trong 'Tản mạn tình yêu và cuộc sống' bắt đầu bởi tuech, 26 Tháng 7 2012.

  1. (Lượt xem: 1,262)

    Sài Gòn đêm trở lạnh

    Chỉ là một buổi trưa vô tình đọc lại bài viết này [IMG] Sài Gòn thì chưa lạnh, nhưng tôi chắc rằng lòng người Sài Gòn thì lúc nào cũng ấm.
    Cái lạnh bất thường của Sài Gòn những ngày cuối năm làm người dân ở đất phương Nam quanh năm nắng chói chang cảm thấy thích thú. Nhưng đó chỉ là đối với những người có chăn êm, nệm ấm. Còn những người nghèo, những người vô gia cư thì khác…
    Với họ, đó là những đêm trắng co ro trong giá lạnh bên vỉa hè, gầm cầu… mong chờ mặt trời ló dạng xua đi cái rét đêm dài.
    Cầu là nhà, vỉa hè là tổ ấm

    Khi đường phố Sài Gòn trở nên quá tải sau giờ tan ca chiều cũng là lúc ông Huỳnh Văn Phước lê những bước chân mệt nhọc sau một ngày đi bán vé số về dưới gầm cầu Ông Lãnh ngồi nghỉ mệt. Quê ông ở tận Cà Mau. Mỗi lần hỏi đến chuyện con cái, gia đình, ông đều lảng tránh bằng cách lấy tay vẽ lên đất những hình dạng không có thực…
    Năm nay bước qua tuổi 63 nhưng trông ông già yếu hơn tuổi của mình nhiều lắm. Tiếng ông thều thào: “Chú lên đây đã 4-5 năm nay rồi. Suốt mấy năm nay gầm cầu là nhà của chú. Ăn cũng ở gầm cầu, ngủ cũng gầm cầu mà đón tết cũng ở gầm cầu! Chú bị bệnh thận, ngày phải tốn vài chục ngàn tiền thuốc, nếu thuê nhà nữa lấy gì để sống? Mà chắc cũng chẳng sống được bao nhiêu nữa đâu, yếu lắm rồi…”.
    Ngồi đếm đi đếm lại mớ tiền lẻ nhàu nát, ông nhẩm tính: “Còn trăm ngàn bạc, ăn đĩa cơm hết mười ngàn, còn lại mua vài chục tờ vé số đi bán tiếp. Trời lạnh lắm, nằm cũng không ngủ được, thôi thì ráng đi kiếm thêm chút tiền để mai mua thuốc uống”. Đó là khoản vốn liếng mà ông còn lại để mưu sinh sau nhiều lần đi bán số ban đêm bị giật. Gia tài của ông chỉ vỏn vẹn cái túi rách với vài bộ áo quần quá khổ lượm được. Trời về đêm sương giăng mù mịt, gió dưới sông thốc lên mang theo cái rét có mùi làm ông già rùng mình.
    Mò mẫm trong những giỏ rác, ông lấy ra một cái áo mưa rách choàng lên người cho đỡ rét rồi liêu xiêu bước vào màn đêm. Dưới cầu đã lạnh, trên cầu lại càng lạnh hơn. Ông cố co mình nép bên thành cầu tránh gió nhưng tay không quên vẫy vẫy xấp vé số cho người qua lại nhìn thấy. Vé số hết, ông chìa cái nón ra vỉa hè rồi nhắm mắt như để quên đi cái đói, cái rét.
    Tiếng ông lẫn trong tiếng xe cộ: “Đêm nào cũng thế, hết vé số thì chú chìa cái nón ra ngồi chờ. Ai thương tình thì cho, chứ chú không dám xin. Nhục lắm, nhưng không làm thế thì mai lấy tiền đâu mà mua thuốc để uống? Chú sợ phải chết dưới cái gầm cầu này…”.
    Cách đó không xa, ngay ngã tư đường Nguyễn Công Trứ – Ký Con (Q.1)- nơi mà người ta vẫn xem là “phố Wall của Sài Gòn”, ông Đoàn Văn Minh cứ xoay đi xoay lại chiếc xích lô của mình để tránh gió.
    [IMG]Đã hơn 30 năm nay, chiếc xích lô và cái vỉa hè nơi đây là mái ấm của ông. Cái áo ông mặc chỉ còn lại hai chiếc nút để lộ nguyên bộ xương sườn và làn da sạm nắng đang nổi gai vì rét. Kéo cái mền mỏng dính co mình trên chiếc xích lô, ông tâm sự: “Nhà tui ở Củ Chi, cũng trong TP này thôi nhưng phải vài ba tháng mới về nhà một lần. Vợ bệnh lên bệnh xuống, con còn nhỏ, cái ăn cái học của cả gia đình đều trông cậy vào chiếc xích lô này đây. Ngày nào hên lắm cũng chỉ kiếm được 70.000 đồng. Trừ đi tiền tui ăn uống, tắm rửa và nuôi vợ con thì còn đâu nữa mà thuê nhà hả chú? Ăn thì nhiều chứ ngủ có bao nhiêu…?”.
    Ngồi kề ông Minh là ông Nguyễn Văn Tâm đang hít hà chờ đợi bên tấm bạt và mớ đồ nghề giác hơi. Ông nói rằng do trời lạnh nên mấy hôm nay khách vắng hẳn, từ chiều đến giờ vẫn chưa có ai mở hàng. Buồn và rét nên không ngủ được, ông Tâm và ông Minh cứ ngồi rì rầm tâm sự nhỏ to cùng nhau.
    Ông Minh tâm sự: “Ra tết lại phải lo tiền đóng học phí cho con bé nữa, không biết phen này có lo nổi cho nó lấy được cái bằng cao đẳng hay không?”. Ông Tâm quay sang phía bạn: “Nếu rét còn kéo dài thì chắc năm nay không có tiền ăn tết quá anh Minh ơi!”.
    Trời về khuya càng rét đậm, ông Minh bị trúng gió nằm co mình lịm đi trong chiếc xích lô. Ông Tâm vội vàng kéo người bạn già xuống cạo gió. Đường phố vắng tanh, chỉ có hai người bạn già che chở cho nhau trong những đêm dài không nhà…
    Hơi ấm đêm đông

    Ngay ngã tư đường Hùng Vương – Trần Nhân Tôn (Q.10), không chịu được cái rét bất thường giữa Sài Gòn, anh Phạm Minh Hùng và mấy người bạn chạy xe ôm gom mớ phế liệu nhóm lửa sưởi ấm.
    Anh Hùng nói về hoàn cảnh của mình: “Trước đây tui hành nghề chạy xe ba gác, nhưng từ khi có tin bị cấm tui đành chuyển qua nghề xe ôm. Mới chuyển nghề được bốn tháng, không quen mối lái nên cũng ế ẩm lắm. Đêm nào cũng thức trắng nhưng chỉ đủ lo hai bữa cơm qua ngày. Bữa rồi ông già bị bệnh phải bán nốt căn nhà là chốn nương thân của cả gia đình. Do nghèo nên không lo nổi cho con cái ăn học, đứa lớn thì cho về quê làm ruộng, còn đứa nhỏ ai thuê gì làm đó. Khách thì vắng, trời thì lạnh, đêm thật dài anh ạ…”. Ngọn lửa lạc lõng giữa đường phố Sài Gòn về khuya vẫn cháy, nhưng dường như vẫn không đủ sưởi ấm cho những lo toan của phận nghèo!
    Ngồi co mình ở một góc đường gần bến xe miền Đông là chị em Nguyễn Thị Hằng quê ở Hà Tĩnh. Vừa trải qua một chuyến đường dài từ Bạc Liêu lên,hai chị em đang chờ đợi chuyến xe sáng mai để về quê ăn tết. Hành trang của họ về quê là vài chục cái bánh tráng dừa đặc sản miền sông nước và một ít trái cây đã bầm tím.
    Hằng tâm sự: “Hai chị em vào làm công nhân chế biến hải sản ở tận Bạc Liêu, lương mỗi tháng chỉ được hơn triệu bạc. Lúc sáng hai chị em tính mua cái áo gió để khoác cho đỡ lạnh nhưng tính đi tính lại rồi thôi, vì ở quê em còn áo ấm mà, mua chi nữa cho thêm phí…”.
    Cố nén những giọt nước mắt, Hằng nói mà như mếu: “Càng lạnh càng cảm thấy nhớ nhà. Ở quê em giờ này chắc cũng lạnh lắm…”. Xa xa, mùi khoai lang nướng bốc lên giữa màn sương lạnh như làm nỗi nhớ nhà của họ càng dâng trào. Nghe tiếng nói chuyện, chị chủ nhà mở cửa đem cho hai chị em họ tấm mền che gió. Chiếc mền mỏng chắc không đủ ấm cho họ giữa đêm tha phương, nhưng cũng bớt phần nào sự đơn độc nơi đất khách.
    Đêm nay tôi lại chợt nhớ đến bà Sáu, người vẫn hằng đêm ngồi bán vé số ở cầu Ông Lãnh. Tưởng trời rét này bà sẽ ở nhà, ai ngờ bà vẫn ngồi đó như mọi hôm, chỉ khác là bà choàng thêm nhiều lớp áo.
    Đã hơn 80 tuổi, bà cụ như chiếc lá trước từng cơn gió lạnh. Quê bà ở tận Bến Tre, lý lịch của bà tôi chỉ biết vậy. Bởi khi hỏi đến chuyện con cái, bà chỉ thở dài không trả lời. Khi tôi hỏi bà tại sao lại chọn đúng vị trí giữa cầu để ngồi, bà nói thật thà: “Bà ngồi ở đây, nếu bên quận 4 họ đuổi thì bà xích qua bên mé quận 1, thế là không ai đuổi được bà…”.
    Ít ai biết được bà Sáu sống ở đâu, chỉ biết khoảng 18 giờ là bà đã có mặt ở cây cầu này ngồi cho đến tận đêm khuya. Đều đặn hằng đêm, khi bà Sáu vừa đến là có một ông cụ bị câm, sống bằng nghề lượm rác ở dưới chân cầu lên phụ bà dọn dẹp đồ đạc. Rồi khoảng 20 giờ, khi vừa tan ca học đêm lại có một cô bé chừng lớp 9 ghé ngang đưa cho bà bịch cháo.
    Đã nhiều lần tôi cố tiếp cận cô bé nhưng em không tiếp chuyện. Và đêm nay cũng thế, em vội vàng ghé trao cho bà Sáu bịch cháo còn bốc khói và thêm cái áo ấm rồi vội vàng bỏ đi như mọi hôm… Chính bà Sáu cũng chẳng biết cô bé là ai, chỉ kịp lí nhí hai tiếng: “Cảm ơn!”.
    Dõi theo bóng cô bé đang tuổi học trò chìm khuất trong dòng xe cộ ồn ào, tôi chợt hiểu rằng chỉ có tình người mới đủ sưởi ấm những thân phận không nhà giữa đêm đông…
    THẾ ANH / Báo Tuổi trẻ
  2. Facebook comment - Sài Gòn đêm trở lạnh

  3. tình người nồng ấm:-bd

Chia sẻ trang này