Sống ung dung tự tại( P1)

Thảo luận trong 'Kỹ năng sống' bắt đầu bởi minhtuanbl, 22 Tháng 6 2012.

  1. (Lượt xem: 1,830)

    Ta biết rằng, cuộc đời mỗi con người đều do nghiệp quy định có tính gần như cố định ngay khi người đó sinh ra đời. Do đó, mỗi người chúng ta đang sống bằng phước của quá khứ. Nếu phước quá khứ của ta dồi dào, dư giả, ta sẽ có một cuộc sống đầy đủ( về vật chất), nếu chúng ta thiếu phước, ta sẽ sống cuộc đời thiếu thốn, gò bó.

    Đó là nói về khía cạnh vật chất và cũng xảy ra tương tự ở khía cạnh tâm linh. Như vậy, nếu trong đời này con người chỉ sống dựa trên phước của quá khứ, mà không chăm chỉ làm việc tạo phước mới cho các đời sau thì các kiếp sau sẽ sống trong nghèo nàn, chật vật. Một người có trí tuệ sẽ không chấp vào phước quá khứ của mình, mà sẽ sống tinh cần, nỗ lực để tăng trưởng công đức và tâm đạo cho mình về sau.

    Nghiệp quả quy định cuộc đời của mỗi người gần như cố định, trong đó, cuộc đời của chúng ta được phác họa bởi những nét đại cương, và một số bước ngoặt cụ thể nào đó có tính chất xác định và gần như bất biến trong cuộc đời. Do đó, sự thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo hèn, khỏe mạnh hay bệnh tật, cuộc đời bình yên hay trôi nổi, những thăng trầm, thay đổi… đã được nghiệp quả dựng sẵn theo một kịch bản nào đó. Vấn đề tiếp theo, con người sống trong cuộc đời sẽ phải trải qua những hoàn cảnh được quy định 100%, và thực hiện hai việc: một là trả những nghiệp cũ, hai là tiếp tục tạo duyên mới, những phước hay nghiệp mới cho những kiếp về sau.

    Như vậy, với sự nỗ lực của con người trong cuộc đời, nếu kiếp này có sự phấn đấu mãnh liệt, cố gắng và quyết tâm, thì sự thay đổi của họ trong cuộc đời này là không nhiều. Có khoảng 4/5 những việc họ làm sẽ để dành cho các kiếp tới, chỉ còn 1/5 làm chuyển hóa vào trong cuộc sống hiện tại mà thôi.

    Do đó, người có trí tuệ, khi quán xét toàn bộ cuộc đời của mình tình từ thời điểm sinh ra đến thời điểm hiện tại mà mình đang sống, sẽ dựng lên được một mảng của bức tranh cuộc đời. Qua mảng này, người đó thấy được phong cách, tính thẩm mỹ, bố cục, nghệ thuật phối màu… mà từ đó có thể tự ước chừng được một phần phong cách nghệ thuật của cả bức tranh.

    Chúng ta biết rằng, để thành công trong cuộc đời thì bao gồm hai yếu tố: Đó là phước trong quá khứ cộng với nỗ lực trong hiện tại. Trong đó, phước quá khứ là nền tảng căn bản và chủ yếu, còn nỗ lực trong hiện tại thì là phần ngọn của sự phấn đấu, trong đó chia ra một phần làm nên thành công trong hiện tại còn phần kia dành để tạo ra nghiệp quả cho các kiếp tương lai.

    Như thế, nếu một người Thiếu Phước sẽ không thể thành công được. Ta nhớ rằng, một người nào đó, nếu có Trí tuệ mà thiếu phước vẫn thất bại như thường. Do nhầm tưởng điều này, có rất nhiều người hay đồng nhất với ý niệm là: có trí tuệ, kiến thức, trình độ sẽ thành công. Chính vì thế, không ít cuộc đời những người có trí tuệ vẫn thường hay gặp thất bại, trắc trở. Nhớ rằng, trí tuệ, kiến thức chỉ vạch ra được phương pháp và con đường mà thôi, còn thành công hay không là do phước quyết định.

    Có 2 cái chấp phổ biến và dễ thấy của con người đó là: Chấp của cải vật chất và chấp kiến thức, trí tuệ. Một trong những diễn biến tâm lý đó là việc chấp vào những thứ trên, dễ làm nảy sinh tính kiêu mạn, cho mình là hơn người. Kiêu mạn này có thể xuất hiện thô hay tế( khó nhận ra được). Do kiêu mạn, nên phước bị hao tổn và kéo theo là những điều rủi ro, thất bại. Đây chính là nguyên nhân của rất nhiều người có trình độ luôn bị ám ảnh, vì cuộc đời họ gặp rất nhiều bấp bênh.

    Người có kiến thức, trí tuệ có thể lên được cả một kế hoạch rất khoa học, chính xác nhưng khi thực hiện vẫn cứ thất bại như thường. Nguyên nhân là họ có trí mà lại thiếu phước. Do đó, họ thường than vãn là thiếu may mắn. Cái may mắn ở đây chính là cái phước quá khứ mà họ đã không có để tạo nên thành công.

    Do đó con người khi có vật chất hay hiểu biết, không nên quá tự hào( từ tự hào sẽ dần xuất hiện lòng kiêu mạn vi tế). Ngược lại, nên ra sức khiêm hạ, cố gắng nhiều hơn.

    Khổ đau, dằn vặt do chính ý niệm hơn thua, so sánh, và tham đắm của con người tạo ra. Ngay cả khi có ngoại cảnh( có Pháp) làm dấy khởi những tâm thức đó, thì thực ra những Pháp này chỉ là nhân duyên, còn bản chất là do tâm thức của con người: đã có ganh ghét, đố kị, kiêu mạn, tham lam là lập tức phiền não xuất hiện.

    Ý niệm khổ đau do bản ngã, luôn mong muốn mình hơn người, luôn so sánh. Để thấy mình hơn người, con người hay trụ vào một tính chất ưu thế nào đó của mình. Ngay lúc này, con người đã trụ, đã bám vứu, đã vướng mắc. Và sự ưu phiền, đau khổ vẫn xảy ra.

    Có bản ngã là có đau khổ, có phiền não, ràng buộc. Cứ có tính chấp và sở hữu là khổ( muốn sở hữu là thuộc tính của lòng tham). Chấp vào sở đắc cũng khổ( chấp thân, chấp vật chất, chấp kiến thức, chấp tâm). Chỉ khi nào hết bản ngã, tức vô ngã mới hết khổ.

    Khi có chấp tức là có chỗ để trụ. Có chỗ trụ tức là còn vướng bận, ràng buộc. Người tu là phải thoát ra chỗ ràng buộc, vướng mắc này, tức là tâm không trụ vào đâu( Kinh Kim Cang).

    Chấp thân và chấp tâm

    Bản ngã được hình thành khi con người sinh ra, theo duyên nghiệp quá khứ mà khởi tạo, chỉ là những dòng vọng tưởng chạy lăng xăng, đến rồi lại đi không dứt trong mọi giây phút của cuộc đời. Khi duyên nghiệp còn, bản ngã còn. Khi hết duyên nghiệp, bản ngã hết. Giống như chiếc lá, tồn tại như thế, do tứ đại hợp thành, lúc đầu là một búp non, sau lớn dần lên quang hợp ánh sáng, lấy nước và dinh dưỡng từ thân cây trở nên tươi xanh, khỏe khoắn. Rồi chiếc lá cũng héo tàn, vàng úa và rơi rụng. Trở về với đất, chiếc lá lại tan ra. Thế nên, bản thân chiếc lá chỉ là một thực thể tạm bợ, vốn nó không phải tự có, chỉ là vay mượn tạm thời mà hợp thành. Có cái gì là chính nó và là của nó đâu.

    Cả thân xác và tâm thức của con người cũng thế. Thân do tứ đại hợp thành, mỗi kiếp theo duyên, theo nghiệp khác nhau mà hình thành. Tâm thức chỉ là những dòng vọng tưởng tạo nên bản ngã – cái bản ngã giả tạm mà ta tưởng là của ta, tưởng có thật. Thế nên, người trí nhận chân xác được bản chất của sự vật: Đó là thân vô thường, tâm hư giả, không thật. Đó là trí tuệ, đó là sự thật, đó là bản chất.

    Nhận được bản chất giả tạm của thân tâm, người trí không chấp vào thân thể và tâm thức của mình. Nhận ra được cuộc đời là vô thường, sinh diệt đổi thay, người trí trở nên bình thản. Biết được sự vô thường, người trí muốn diệt trừ bản ngã vì từ bản ngã này đã nảy sinh sự tham đắm, phiền não, ràng buộc, đau khổ.

    Cả việc chấp thân xác và tâm thức đều là chấp rằng có bản ngã. Thế nên, người trí chỉ biết như thật những gì mình có: biết mình có thân, biết trạng thái của thân, biết rõ trạng thái của tâm mình. Những kiến thức, trí tuệ mà người trí có được cũng là sản phẩm của tâm thức. Do đó, người trí cũng không chấp vào những điều này, tức là không có tâm sở. Rồi đến thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ đều được người trí mong muốn loại trừ. ( Kiến thủ là chấp kiến thức này là của mình, mình sáng tạo được, mình nghĩ ra).

    Luôn nghĩ rằng ý nghĩ của mình, tư tưởng của mình chưa hoàn toàn đúng và có thể sai, có thể chấp nhận và dung hòa ý kiến của người khác. Có trường hợp, chấp nhận từ bỏ ý kiến của mình và thuận theo lợi ích chung.

    Người trí biết rằng, khi thân thể tan hoại, tất cả kiến thức, trí tuệ nói chung đều biến mất. Những kiến thức này, chỉ là sản phẩm của suy niệm bản ngã trong hiện tại, không phải của ta. Sang một kiếp sống mới, tùy theo duyên nghiệp mới lại xuất hiện những dòng vọng tưởng mới. Khi này, theo bản ngã mới, người trí có trí tuệ hay ngu si là một sự thật rất tự nhiên.

    Đó là chưa kể, những kiến thức có được đều có phần tác động của tha lực( Chư Phật, Bồ tát, Chư thiên tử), để đôi khi tự nhiên ta có thể nảy sinh nhiều ý niệm thông minh, sáng suốt.

    Như đã nói ở trên, người trí chỉ biết chứ không thêm thắt, không can dự, không phủ nhận về thân và tâm. Nếu có biết có, nếu không, biết không. Chỉ biết mà không gán thêm những tính chất nào khác. Người trí cũng không phủ nhận, nếu phủ nhận là chấp không.

    Một cái chấp cao hơn, vi tế hơn đó là chấp sở đắc. Đó là khi chứng được các tầng mức tâm linh nhiều hành giả hay chấp vào đó, coi là sở đắc của mình. Điều này khiến hành giả đứng lại chỗ đó, thậm chí thoái chuyển. Với những vị khi mạng chung, nếu sinh về các cõi trời dễ bị các chấp như: sắc ái, vô sắc ái. Điều này cũng phải loại trừ.

    Chỉ khi nào đã đạt đến vô ngã, khi ấy hết chấp hoàn toàn, không còn Ngã và Pháp, chỉ có cái thấy vằng vặc, sáng tỏ, thông suốt. Ở cảnh giới này, hành giả không còn là mình nữa mà là hòa chung đồng nhất thể với vũ trụ vạn hữu. Cái biết cực kỳ diệu dụng, chân thật và trong sáng.

    Như trên đã nói, con người không chấp vào thân và tâm, không sở đắc, nhưng vẫn thấy vẫn biết rõ ràng và sáng suốt. Tức là con người luôn sống với tình người, với lòng cảm thông, tình thương yêu và hiểu biết. Con người vừa phải tu rèn cho mỏng bản ngã, tăng trưởng đạo đức để mang lại lợi ích, an vui cho những người khác. Ngay cả việc tăng trưởng đạo đức, con người cũng không chấp vào đó, chỉ thấy và biết chứ không lấy đó làm sở đắc của mình. Bởi vì, ngay khi con người cho rằng mình đang có đạo đức, thì chính đó lại là việc mất đạo đức.

    Sống ung dung trong cuộc đời

    Người trí do biết cuộc đời này vô thường, đau khổ, nên sống ung dung thanh thản giữa cuộc đời. Một mặt, ra sức tu rèn thân tâm, mặt khác sống vì lợi ích chúng sinh, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người. Cuộc sống tuy trong biển đời nhân thế, bị ràng buộc nhưng vẫn ung dung, tự tại, không nản lòng, giữ thân tâm bền vững giữa sóng gió chao đảo của cuộc đời.
    Ung dung trong ràng buộc đó là nghệ thuật sống hạnh phúc. Ung dung trong ràng buộc chính là biết mình đang bị ràng buộc. Vì nếu ung dung trong ràng buộc mà không biết mình bị ràng buộc thì tai hại biết bao. Ví như một đứa con nít ung dung chơi trong ngôi nhà mục nát, có biết đâu nó sắp bị đè bẹp một khi ngôi nhà sụp đổ!
    Biết mình bị ràng buộc và chấp nhận ràng buộc một cách can đảm để giác ngộ cho mình và người nên gọi là ung dung trong ràng buộc, vì nếu muốn thoát ra ràng buộc để được tự do đó là một ràng buộc lớn.
    Chấp nhận ràng buộc vì biết rằng tất cả đều ràng buộc, thoát ràng buộc này rơi vào ràng buộc khác, rốt cuộc không lẽ cứ chạy trốn hoài sao. Vậy tốt hơn ta cứ thích ứng với ràng buộc, thấy rõ nó và ung dung trong nó.
    Người trí thấy ràng buộc hay không ràng buộc đều do nơi một ảo tưởng nào đó của tâm mình. Tâm mình rỗng lặng thì tất cả ràng buộc cũng đều không. Người trí tập nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với tâm trầm lặng, hồn nhiên, cảm thông và trong sáng rồi cuộc đời sẽ mang lại tự do và hạnh phúc, chính những ràng buộc cũng là tự do và hạnh phúc.
    Hiểu biết được sự thật tức là có trí tuệ. Sự thật về khổ và vô thường trong cuộc đời sẽ giải phóng con người ra khỏi ràng buộc, mê mờ, tham đắm. Khổ là một sự thật, sự thật ấy do chính Đức Phật đã chứng ngộ rồi nói lại. Trong Kinh, khi thuyết về bốn sự thật của cuộc đời( Tứ diệu đế), Ngài nói: “Đây là khổ( Khổ đế); đây là nguyên nhân của khổ( Tập đế); đây là khổ đã được đoạn tận( Diệt đế); và đây là con đường đưa đến diệt khổ( Đạo đế)”. “Đây là khổ” – “Đây” là một chỉ định từ, diễn tả một sự thật đang hiện hữu đúng như thực trạng của nó.
    Sự thật đã đúng như thực trạng thì không thể có cái gì khác ngoài sự thật ấy được. “Đây là khổ”, tức đúng như thực trạng của nó là Khổ, thì không thể là không phải khổ, tức phi khổ. Như nói đây là ghế, thì không thể là bàn, là tủ, là kèo, cột; tức phi ghế được. Như vậy, khổ đã là một sự thật, thì dù có chấp nhận hay không chấp nhận; khổ vẫn là khổ, không thể nói khác hơn được.
    Thứ đến, Đức Phật nói “Đây là khổ”; đó là một nhận thức. Mà đã là nhận thức thì chúng ta chỉ nên phê phán nhận thức đó hoặc đúng hoặc sai; còn lạc quan hay bi quan thì thuộc về thái độ sống. Ngay cả thái độ sống của đạo Phật cũng chẳng can hệ gì đến lạc quan hay bi quan cả. Vì hướng sống của đạo Phật là trung đạo: trung đạo cả nhận thức lẫn thái độ sống; tức vượt ra ngoài khổ vui.
    chuong_vespa_bl and tuech like this.
  2. Facebook comment - Sống ung dung tự tại( P1)

Chia sẻ trang này