Tại sao đàn ông sợ vợ? Sợ vợ đánh à? Vô lý, đánh chồng là chuyện hy hữu. Hay chồng bất tài, sống bám nên phải sợ? Cũng sai. Trong các ông “râu quặp” khối ông làm ra tiền, thậm chí thật nhiều tiền. Trong cuộc sống có những hiện tượng rất vô lý, nhưng vì nó vẫn diễn ra hằng ngày nên người ta dần chấp nhận nó một cách tự nhiên. Đàn ông sợ vợ nằm trong trường hợp này. Sau đây là bài viết của chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa về hiện tượng đàn ông sợ vợ: Đã có bao giờ bạn thử đặt câu hỏi: Tại sao đàn ông sợ vợ? Tôi đã đụng phải chuyện này vì một hôm đang ngồi uống bia, có người chợt hỏi: - Ông là nhà tâm lý, tôi hỏi ông một điều: Tại sao đàn ông sợ vợ? Bất ngờ, tôi ngồi ngẩn ra. Ừ nhỉ! Tại sao? Sợ vợ đánh à? Vô lý! Đôi khi cũng nghe nói ở nơi này, nơi nọ, có đàn ông bị vợ đánh, nhưng đó là chuyện hy hữu. Hay chồng bất tài, sống bám vào vợ nên phải sợ? Cũng không đúng! Trong số những ông “râu quặp” khối ông làm ra tiền, thậm chí còn thật nhiều tiền. Hay vợ đã trẻ lại đẹp, nhỡ có thế nào, tối lại không cho động vào người? Cũng không đúng! Vì nhiều bà vợ có trẻ, có đẹp gì đâu mà chồng cũng sợ. Hay có tật thì phải sợ? Nhưng đến cả những đàn ông hiền lành, cả đời chẳng đi ngang về tắt bao giờ cũng sợ một phép. Nhiều người đàn ông thành đạt vẫn sợ vợ. Vậy người ta sợ vợ vì lẽ gì? Lại một hôm uống bia, tôi nêu thắc mắc này ra giữa đám khách mày râu đang bừng bừng khí thế mà cũng chẳng ai trả lời được. Có anh còn tặc lưỡi: - Ngay ở thế kỷ 21 này cũng vẫn có những điều mà khoa học không giải thích được. Giống như người ta sợ ma thôi. Có ai thấy ma đâu, sao vẫn sợ?. Có anh ra vẻ thạo đời: - Các ông đã nhìn thấy con ếch ăn con cua chưa? Một khi con cua nó giương càng lên thì đến con người to lớn thế này trông cũng khiếp. Thế mà tại sao con ếch chỉ lấy một chân đập đập lên mai cua vài cái là con cua nào cũng cứ dúm cả 'bát túc' lại, sợ đến nỗi đờ ra, chỉ nhắm mắt chờ chết? Đàn ông sợ vợ cũng thế thôi. Không giải thích được đâu!. Tất cả cười vui vẻ định cho qua thì một anh vốn là nhà nghiên cứu văn học lên tiếng: - Nếu chỉ có hai vợ chồng đóng cửa sợ nhau thì tại sao thiên hạ lại biết để giễu anh là đồ sợ vợ? Ắt hẳn lúc đó không chỉ có hai vợ chồng mà phải có ít nhất một người thứ ba chứng kiến. Chính kẻ thứ ba này đem chuyện đi đàm tiếu thì anh mới bị mang tiếng là râu quặp chứ?. Anh khác phụ họa: - Tôi biết một anh vào loại lý sự có hạng ở cơ quan, được nhiều người kính nể. Vợ nói cái gì không đúng là anh ta bẻ lại ngay. Nhưng anh này có một đặc điểm, có lẽ cũng là đặc điểm chung của cánh mày râu, là ngại tranh cãi với vợ trước mặt khách. Thắng ai chứ thắng vợ cũng chẳng vẻ vang gì! Mà tranh cãi như thế, trước hết là bất lịch sự với khách, hai là có những chuyện thuộc nội bộ gia đình không muốn vạch áo cho người xem lưng. Ba là khách không thể cứ ngồi im nghe vợ chồng người ta cãi nhau mà buộc phải lựa lời phân xử đúng sai. Thế là vô tình biến khách thành trọng tài. Ai ngờ cô vợ nắm được “gót A-sin” của chồng, cứ nhè lúc có khách là tấn công. Chồng nghe vợ nói ngang phè phè, tức lắm nhưng đành ngồi im cười nhạt hoặc lảng sang chuyện khác, đợi lúc khách về mới gọi vợ ra hỏi tội. Nhưng đến lúc này, cô vợ đã nhanh chân chuồn sang nhà hàng xóm... chơi. Một anh nữa bổ sung: - Đó là chưa kể những bà vợ chơi cái võ to mồm, cứ vợ chồng không bằng lòng nhau cái gì là toang toang cho cả xóm nghe thấy. Thế là anh chồng ngượng, đành chịu lép vế cho thiên hạ khỏi cười. Đến nỗi có ông hàng xóm bản tính hiền lành cũng phải lẩm bẩm: "Phải tay tôi thì tôi táng cho mấy cái!”. Nhưng rồi đến lượt ông ta cũng thế thôi! Đánh vợ hay ho gì? Có khi còn mang tiếng xấu hơn là sợ vợ. Nếu quả như thế thì đàn ông chưa chắc đã sợ vợ, chẳng qua là sợ thiên hạ chê cười mà phải chịu nước lép. Nhưng nếu bà vợ cứ nắm chỗ yếu đó mà lấn tới thì làm thế nào? Một ông xem chừng đã ngà ngà hơi men, dằn mạnh cốc bia xuống bàn: - Thế nào à? Tục ngữ có câu: “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Khối đôi bỏ nhau chẳng phải bi kịch gia đình gì mà chỉ vì thế thôi đấy! Đã tưởng cuộc hội thảo mi ni đến đây là kết thúc thì một ông tóc đã nhiều sợi bạc lên tiếng: - Có một điều các anh thử nghĩ xem, càng những anh có học, có nhân cách, có sĩ diện lại càng sợ vợ. Thử chơi vào những tay bợm rượu, cờ bạc, nghiện hút xem. Gần nhà tôi có một tay vô tích sự, suốt đời chỉ làm khổ vợ con, thế mà vợ hắn sợ một phép. Ngay cả trước mặt bạn bè của hắn, hắn bảo mua rượu mà không mua là ăn đòn ngay. Đến khi vợ xách chai đi rồi, hắn còn vênh váo: “Cái bọn này nói nhẹ không ưa, lại cứ ưa nặng”, rồi cả bọn cười sằng sặc. Thì ra, những anh chàng “râu quặp” thời nay chưa chắc đã hèn mà chỉ vì muốn giữ cho gia đình êm ấm. Từ xưa, các cụ đã có câu: “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Hồi ấy, các cụ bà chỉ làm việc nhà, có ai tham gia việc xã hội đâu. Thế mà đàn ông lại sang vì vợ. Phải chăng người ta chỉ sang khi được mọi người tôn trọng. Nhưng muốn cho mọi người tôn trọng thì trước hết phải được người bạn đời, là người gần gũi và hiểu mình nhất, tôn trọng đã. Nếu trước mặt khách mà vợ nói chồng chẳng ra gì thì làm sao người ngoài tôn trọng được? Lâu nay người ta cứ coi thường đàn ông sợ vợ nhưng thực ra, có thể đó là những ông rất giỏi giữ hạnh phúc gia đình. Một người bạn tôi là đại tá quân đội đang tại ngũ. Tôi đã có lần đến đơn vị anh bàn công việc, chứng kiến anh điều hành ba quân đâu ra đấy. Nhưng khi ở nhà, anh lại là một người khác hẳn. Anh tự tay lấy nước mời khách mà không gọi vợ bưng ra. Lát sau mới thấy vợ anh xuất hiện ra dáng “oai phong lẫm liệt”. Khách hỏi: “Anh chị ở chỗ này được mấy chục mét vuông?”. Chồng chưa kịp nói, vợ đã trả lời: “Anh ấy mà nghe em dạo đó đã mua được miếng đất bên cạnh rộng đến trăm mét mà giá lại rẻ. Không ai như ông này - chị nguýt chồng một cái - cứ lần khân, thế là họ bán mất”. Ngồi một lúc, khách lại hỏi: “Cháu lớn nhà anh chị đã đi làm chưa?”. Chị ta chỉ luôn vào chồng: “Cũng tại ông ấy cả. Cho nó đi du học nước ngoài thì bây giờ về thiếu gì chỗ làm. Cứ thích con học trong nước, nên giờ tốt nghiệp hai năm đã xin được việc đâu”. Tóm lại, chuyện gì ông chồng cũng kém cỏi, nếu nghe bà ta thì bây giờ đã khác xa rồi. Như thế thì chồng làm sao sang được. Chẳng lẽ ông ta lại đấu lý với vợ trước mặt khách nên đành cứ ngồi im như bụt mọc. Cái ấn tượng mà người phụ nữ ấy để lại trong lòng khách là hình ảnh một anh chồng lép vế, trong một gia đình vợ chồng luôn bất hòa. Gia đình ấy dù nhà cao cửa rộng, giàu có đến đâu cũng không phải một gia đình hạnh phúc. Suy cho cùng, đàn ông sợ vợ đâu phải là sợ mà muốn nhường nhịn vợ thôi. Nhưng có những người vợ lại tưởng “bắt nạt” được chồng là hay, cứ có khách đến nhà là đề cao mình lên, hạ thấp chồng xuống. Vậy mà họ vẫn muốn được chồng yêu, chồng chung thủy, kỷ niệm ngày cưới muốn được tặng hoa, muốn được chồng đưa đi chỗ này, chỗ nọ. Thế mới biết, muốn có hạnh phúc gia đình, vợ chồng phải tôn trọng nhau, đừng để người này phải sợ người kia. Và, khi người ta chê ai đó là “đồ sợ vợ”, chưa chắc anh ta đã xấu mà có thể người cần phải xem lại mình chính là bà vợ. Theo Phụ nữ