Tân trang đồ điện tử: Nghề hốt bạc

Thảo luận trong 'Kinh tế' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 26 Tháng 10 2012.

  1. (Lượt xem: 1,060)

    Độc hại nhưng kiếm tiền cũng khá, đó là nghề tân trang hàng điện tử ở Hà thành. Giữa thời buổi công nghệ thông tin, đâu đâu cũng thấy tin học thì việc xoay sang "mông má" máy vi tính quả là thức thời.

    Vào TP. Hồ Chí Minh từ đầu những năm 1990 khi tuổi mới ngoài đôi mươi để học sửa chữa xe máy, nhưng con đường lập nghiệp của Th. (xin được phép giấu tên) ở Đuôi Cá, Hoàng Mai, Hà Nội lại "phát" từ nghề tân trang đồ điện tử, nhất là tivi và đầu đĩa. Lúc đó, nghề này ở Sài Gòn đã bị coi là lỗi thời thì ngoài Hà Nội vẫn còn rất mới mẻ. Với con mắt kinh doanh tinh tường nên sau khi ra Hà Nội, thay vì mở cửa hàng sửa chữa xe máy (nghề đã học), Th. mở dịch vụ tân trang (mà dân trong nghề hay gọi là "mông má") đồ điện tử ở khu vực chợ Giời (phố Huế), nơi được coi là trung tâm của hàng "second -hand".
    Vào thời điểm đấy, những chuyến tàu viễn dương cập cảng Hải Phòng đa số là "hàng bãi" nhập từ Nhật về. Những chiếc tivi, đầu đĩa chất lượng tốt, chỉ bị xây xước tý chút ngoài vỏ chính được đưa về Hà Nội ùn ùn để tân trang lại rồi phân phối đi khắp thị trường miền Bắc. Như "cá gặp nước", xưởng tân trang của Th. đã phất nhanh chóng và mở rộng mạng lưới khắp thị trường Hà Nội.
    Vào những ngày cao điểm, hàng trăm chiếc tivi đã được đưa vào đây để "làm đẹp" với giá rẻ cũng vài chục nghìn đồng/cái. Đó là thời điểm 1995-1996, mức thu nhập ấy thật là "khủng". Khi đã giã từ nghề này, Th. tiết lộ, có một số công ty tên tuổi chuyên lắp ráp tivi trong nước cũng là bạn hàng thường xuyên của anh.
    Sau khi đã có một vốn liếng kha khá, Th. nhanh chóng từ bỏ nghề mang tính thời vụ này và trở thành ông chủ nổi tiếng của một loạt những gara ôtô và bảo dưỡng xe máy trên địa bàn Hà Nội. Còn nghề tân trang đã được anh em họ hàng, vốn là thợ của Th. "tiếp quản" với hơn chục cửa hàng nhỏ, chủ yếu xung quanh khu vực phố Huế và Hai Bà Trưng.
    [IMG]
    Nhiều người "hái" bộn tiền từ việc tân trang đồ điện tử- ảnh minh họa

    Để mở một cửa hàng tân trang đồ điện tử cũng khá đơn giản với thiết bị quan trọng nhất cũng chỉ là một chiếc máy phun sơn hơn chục triệu đồng. Còn thợ, chỉ cần học vài buổi là có thể thực hiện được mấy công đoạn là đánh bóng và phun sơn.
    Th. nói: "Nghề này, có mối quan hệ tốt thì kiếm tiền cũng không khó. Tuy chưa đến nỗi "sinh nghề tử nghiệp", nhưng có lẽ đây là một trong những nghề độc hại nhất. Hàng ngày, người làm trực tiếp luôn phải sống trong một bầu không khí đầy bụi sơn". Ngay như Th., dù đã bỏ nghề gần chục năm nhưng khi nhắc lại vẫn có lúc cảm thấy sợ vì ăn cơm cũng thấy mùi sơn.
    Sơn (một trong những người thợ đầu tiên của Th.), chủ cơ sở tân trang trên đường Hai Bà Trưng cho biết: Làm nghề này bây giờ khó lắm vì "mật ít, ruồi nhiều". Tivi, đầu đĩa của các hãng bây giờ tràn ngập thị trường, giá cả cũng phải chăng nên "đất sống" cho hàng bãi còn rất ít. Để tồn tại được, họ phải chuyển sang "mông má" cho vi tính.
    Đúng là giữa thời buổi công nghệ thông tin, đâu đâu cũng thấy tin học thì việc xoay sang "mông má" máy vi tính quả là thức thời. Cửa hàng của Sơn bây giờ chỉ còn lác đác vài cái ti vi hay dàn loa để tân trang, còn lại hầu hết là màn hình vi tính. Tôi để ý thấy những chiếc màn hình compact, IBM lúc mới đến trông nhem nhuốc, trầy xước khắp nơi, vậy mà chỉ mất khoảng nửa tiếng đã trở nên long lanh như mới. Thậm chí có cái vỏ màn hình lúc đầu màu ghi, vậy mà chỉ cần qua một vài thao tác như đánh giấy ráp, phun sơn lại đã thành màu trắng sữa rất bắt mắt.
    Theo lời Sơn thì để làm một cái màn hình, giá chỉ 100-120 nghìn đồng, công chẳng đáng bao nhiêu vì chi phí bây giờ rất cao, chỉ có những chủ cửa hàng buôn bán mặt hàng này là lãi lớn. Một cái máy cũ, sau khi được làm đẹp, giá có thể tăng lên hàng triệu đồng và khách hàng là người bị thiệt thòi. Đây cũng chính là thủ đoạn nhập nhèm của một số cửa hàng kiếm lời bằng cách "luộc lại" những chiếc máy cũ để đem bán.
    Đủ "chiêu" kiếm tiền
    Không chỉ kiêm làm thợ "mông má" hàng điện tử, có thời gian (năm 2010) Sơn còn chuyên gom hàng điện tử phế thải để "đãi vàng". Với thói quen tự mày mò tìm thông tin trên mạng, Sơn biết được việc sản xuất các sản phẩm công nghệ điện tử luôn cần đến một tỉ lệ vàng nhất định. Anh cho rằng, đó chính là sự "vi diệu" của vàng.
    Nhận ra trong "rác" có "vàng", Sơn đã lần mò tìm mua những cuốn sách dạy cách tách vàng từ những chiếc máy tính, điện thoại di động hỏng. "Trong quá trình nhận sửa chữa đồ điện tử cho khách, tôi đã nhiều lần nảy ra ý định tìm cách tách vàng từ các linh kiện. Tôi phải cất công tìm hiểu rất nhiều cách "đãi" vàng từ đồ phế thải điện tử. Ban đầu, tôi chỉ thuần tuý là đốt cháy nhiều linh kiện điện tử để quan sát xem sau khi cháy đống linh kiện "biến hình" ra sao. Nhưng nhiệt độ đốt cháy trong điều kiện thông thường chủ yếu chỉ làm cháy phần nhựa trong các linh kiện điện tử thôi, còn các kim loại thì vẫn trơ trơ. Sơn lại mày mò cách làm mới…", Sơn nói.
    Theo lời Sơn kể, giá thu mua khá rẻ chỉ khoảng 120-150 nghìn đồng/kg bo mạch. Hàng ngày, anh mất nhiều giờ đồng hồ với các bo mạch cũ. Đầu tiên là phân loại và tháo dỡ bằng tay từng bộ phận. Sau đó, dùng hóa chất ngâm bảng mạch điện tử để xem những gì sẽ tan chảy trong hoá chất. Với hy vọng sẽ "chắt" được vàng từ đống rác điện tử, nhưng kết cục Sơn cũng phải chùn lòng vì chưa nghĩ ra cách làm hữu hiệu.
    Sau một thời gian "say" với những "bí kíp" tách vàng từ "rác" điện tử, Sơn lại quay về với thú "mông má" hàng điện tử. Đặc biệt, khi các sản phẩm công nghệ cao trở thành món hàng hot của người tiêu dùng thì các chiêu thức luộc, đánh tráo linh kiện điện thoại hàng hiệu đang là lĩnh vực Sơn quan tâm. Sơn kể rằng, nhiều cửa hàng, mối lái buôn bán, sửa chữa điện thoại thường có phương châm "mua của người chán, bán cho người cần". Vì thế, Sơn cũng xoay sang mua bán hàng công nghệ, từ điện thoại các loại như Iphone, Blackbery, HTC, Sam sung,... đến laptop, ổ cứng HDD…
    Với Sơn, "thượng vàng hạ cám" gì cũng thử và đó là những "chiêu" hái bộn tiền…
    Hàng “luộc” đã không còn dễ kiếm tiền như trước
    Khi gặp "gà", Sơn cũng "luộc hàng" kiếm chút lời. Tuy nhiên, theo Sơn hàng "luộc" không còn nhiều như trước, phần lớn là dựng lại hàng cho mới hơn, bán được giá hơn. Chính vì vậy, dù những hàng điện thoại, laptop cũ bị hư hỏng phần cứng như bàn phím, màn hình, mainboard... vẫn được Sơn thu mua. Nếu chỉ hư hỏng nhỏ có thể thay thế, bán như hàng còn "zin". Nhưng với những hàng bị tổn hại nặng, Sơn mua "xác" để làm phụ tùng thay thế cho các món hàng khác tương đương.
    (Theo Người đưa tin)

    Báo VietNamNet
  2. Facebook comment - Tân trang đồ điện tử: Nghề hốt bạc

Chia sẻ trang này