TBN - Italy, vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Thảo luận trong 'Thể thao' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 2 Tháng 7 2012.

  1. (Lượt xem: 1,081)

    Tây Ban Nha lăng-xê kiểu phòng ngự mới nhờ tài cầm bóng siêu việt, nhưng Italy tấn công rất sắc sảo. Cả hai hứa hẹn cống hiến một trận chung kết Euro 2012 đỉnh cao lúc 1h 45 ngày 2/7.
    Tây Ban Nha trông vào tiqui-tacca biến thể
    Khi lần lượt vô địch Euro 2008 rồi World Cup 2010, Tây Ban Nha được ca tụng như hiện thân cho thứ bóng đá đẹp, lãng mạn tưởng đã tuyệt chủng trong thời đại tôn vinh tứ sự thực dụng. Tương tự Barca ở cấp CLB và dựa trên bộ khung nhân sự của CLB này, Tây Ban Nha lần lượt san bằng mọi trở ngại bằng tiqui-tacca - lối chơi đã được nâng tầm thành nghệ thuật.
    Nhưng quy luật vận động của thời cuộc và đòi hỏi từ hoàn cảnh thực tế khiến Tây Ban Nha không thể giữ mãi cách chơi đó. Giống Barca, Tây Ban Nha cũng dần dà bị các đối thủ bắt bài, trong khi chấn thương lấy mất của họ chân sút tốt nhất David Villa, những tiền đạo khác như Torres, Negredo (phong độ không thuyết phục), Llorente (không tương thích) đều gặp vấn đề. Del Bosque không có lựa chọn nào ngoài làm mới Tây Ban Nha theo một hướng đi khác dựa trên phẩm chất tốt nhất của đội ngũ ông có trong tay - kỹ năng giữ bóng siêu việt.
    Sơ đồ 4-6-0 là sản phẩm của sự thay đổi đó và cho đến giờ, Del Bosque vẫn đang chứng tỏ đó là lựa chọn đúng đắn Tây Ban Nha giờ đá theo phương châm đặc biệt - phát huy tối đa khả năng giữ bóng và không cho đối phương có bóng để tấn công. Với cả sáu người đá ở phía trên đều là những tiền vệ có kỹ thuật cá nhân cực tốt, họ kiểm soát hoàn toàn tuyến giữa, giữ bóng chắc, giảm áp lực cho hàng thủ. Khi để mất bóng, các tiền vệ Tây Ban Nha thường cố gắng vây ráp, bắt người và thu hồi bóng ngay trên phần sân đối phương và từ đó giảm thiểu nguy cơ dính đòn phản công.
    [IMG]
    Kỹ năng giữ bóng siêu việt ở tuyến giữa là cơ sở cho mọi ý đồ chiến thuật của Tây Ban Nha. Ảnh: AFP.
    Các trận tứ kết với Pháp và bán kết với Bồ Đào Nha là những ví dụ tiêu biểu cho tính hiệu quả từ khái niệm phòng ngự mới mẻ mà Tây Ban Nha trình làng. Hàng thủ của họ cũng thích nghi nhanh chóng với cách chơi mới và trưởng thành vượt bậc, trở thành điểm tựa chắc chắn để góp phần giúp tăng tính hiệu quả của tiqui-tacca biến thể. Alba - Ramos - Pique - Arbeloa luôn thực hiện các pha cắt bóng, tranh chấp, bọc lót với sự tỉnh táo và chính xác cao độ. Trong khung gỗ, Casillas ngày càng vững vàng, kinh nghiệm và hợp lý, chính xác với mọi quyết định.
    Tây Ban Nha có thể không còn lợi hại như trước đây trong các tình huống tấn công trực diện, nhưng vẫn đủ sức giải quyết đối thủ. Trước Pháp, họ định đoạt số phận trận đấu ngay từ phút 19 với tình huống dâng cao của một hậu vệ và tiền vệ trung tâm - Alba chuyền bóng cho Xabi Alonso đánh đầu. Trong thời gian còn lại, Tây Ban Nha giữ bóng chắc, không cho Pháp cơ hội tấn công, rồi chốt hạ bằng một quả phạt đền ở phút bù giờ hiệp hai. Trước Bồ Đào Nha, khi không thể ghi bàn, Tây Ban Nha phòng ngự chắc, đưa trận đấu đến loạt đá luân lưu, nơi họ giải quyết đối thủ bằng bản lĩnh, thần kinh thép và cả một chút may mắn.
    Italy thủ giỏi, công hay
    Thứ tiqui-tacca biến thể của Tây Ban Nha đang cho kết quả mỹ mãn, bằng chứng là việc họ chỉ mới để thủng lưới một bàn trong suốt hành trình tại Ba Lan - Ukraine và giữ sạch lưới ở cả bốn trận gần nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa là tuyển Italy, đối thủ của họ ở chung kết, không có hy vọng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đội duy nhất từ đầu Euro 2012 chọc thủng lưới Tây Ban Nha lại chính là Italy. Và bàn thắng trong trận hòa 1-1 ở lượt đầu vòng bảng đó là cơ sở để thầy trò Prandelli cũng như các tifosi của họ lạc quan khi tái ngộ nhà ĐKVĐ ở Kiev.
    Khác với World Cup 2010, giải đấu lớn gần nhất mà họ vào chung kết, hàng thủ không còn tuyến quan trọng nhất trong cách chơi của tuyển Italy tại Euro 2012. Tuyến giữa và hàng công là những điểm sáng nhất, với Pirlo kinh nghiệm, bản lĩnh trong vai trò đạo diễn, người giữ nhịp, De Rossi máu lửa trong mọi pha bóng, Marchisio công thủ toàn diện, Montolivio sáng tạo trong vài trò cầu nối, Cassano lắt léo, tinh ranh và Baltelli sung mãn, giỏi chớp thời cơ.
    Với những con người đó, bất kể chơi 3-5-2 hay 4-3-1-2, Italy vẫn hiện lên với sự chắc chắn trong phòng ngự, hiệu quả trong tấn công. Trong trận gặp Tây Ban Nha ở vòng bảng, khi còn đá 3-5-2, Italy chơi bóng với sự quyết tâm, tự tin, gắn kết cao độ, biến đội bóng thành một khối rắn chắc, ngăn chặn hiệu quả sự biến hóa của đối phương, tìm ra khe hở để tạo rất nhiều cơ hội từ các đợt phản công. Bàn thắng mở tỷ số của họ đến từ một tình huống như thế, khi Pirlo chọc khe đẳng cấp để Di Natale kết thúc quyết đoán.
    [IMG]
    Với những cầu thủ cơ động mạnh mẽ như De Rossi, Italy có thể vừa phòng ngự chắc chắn, vừa lợi hại ở các tình huống tấn công tốc độ. Ảnh: AFP.
    Dẫu có chút chệch choạc trong trận hòa Croatia và phải nhờ Tây Ban Nha gia ân để lách qua khe cửa hẹp ở lượt cuối, Italy càng đá càng tiến bộ và thăng hoa khi vào giai đoạn knock-out. Với Barzagli trở lại sau chấn thương, De Rossi được lại tuyến giữa, Prandelli có trong tay những quân bài cần thiết để trở lại sơ đồ 4-3-1-2 và áp dụng thứ bóng đá tấn công mà ông đeo đuổi. Trong trận tứ kết gặp Anh, Italy chơi tấn công từ đầu chí cuối và nếu không vì sự vô duyên của các chân sút, họ lẽ ra đã giải quyết đối thủ trong 120 phút, thay vì phải chờ tới loạt đá luân lưu.
    Vào bán kết, khi đối mặt với một tuyển Đức chơi tấn công mạnh mẽ và thể hiện phong độ hủy diệt loại Hy Lạp ở tứ kết, Italy vẫn chọn tấn công làm kim chỉ nam và đã thành công mỹ mãn. Với hàng thủ dâng cao, tuyến giữa sáng tạo và cơ động, cộng thêm Balotelli rủ bỏ sự vô duyên bám riết từ đầu giải, Italy dẫn 2-0 ngay từ hiệp một với cú đúp của chân sút chủ lực gốc Ghana. Sang hiệp hai, khi Đức tấn công dồn dập để tìm bàn gỡ, Italy cho thấy sự linh hoạt đáng nể khi trở lại với vỏ bọc xù xì - phòng ngự phản công.
    Với khả năng phòng ngự từ xa được gia cố bằng Thiago Motta, trong khi hàng thủ chơi chắc chắn kỷ luật, Italy đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực tìm kiếm bàn thắng của Đức. Không những thế, nhờ sự hiện diện của hai cầu thủ chơi phản công rất hay là Diamanti và Di Natale, sự tinh tế của Pirlo, đội quân thiên thanh còn tạo ra hàng loạt pha đánh úp sắc lẹm. Họ lẽ ra không phải thắc thỏm về cuối trận và lĩnh một bàn thua từ quả phạt đền ở phút bù giờ, nếu Marchisio hoặc Di Natale tận dụng tốt hơn cơ hội trong các tình huống hồi mã thương.
    Truyền thông và cả cả tuyển thủ Tây Ban Nha đều xác định vô hiệu hóa Pirlo là yếu tố quan trọng nhất nếu nhà ĐKVĐ muốn khắc chế lối chơi của Italy. Nhưng không phải lúc nào nói được cũng đồng nghĩa với làm được. Các đối thủ của Juventus cũng nhìn thấy sự nguy hiểm của Pirlo và nói điều tương tự, nhưng phần đông bất lực trong việc ngăn chặn tiền vệ kỳ cựu này tỏa sáng.
    Ngay cả khi phong tỏa được Pirlo như Đức đã làm nhờ sự xuất sắc của Khedira trong phần lớn thời gian trận bán kết, Italy vẫn thắng, bởi họ còn những cá nhân khác biết cách và đủ sức tỏa sáng để tạo khác biệt. Trước Đức, Cassano, Montolivio và Balotelli đã lên tiếng khi sự chú ý hướng cả về Pirlo. De Rossi và Marchisio, như họ đã chứng tỏ từ trận tứ kết với Anh, cũng rất lợi hại khi lên tham gia tấn công và chỉ thiếu một chút chính xác để đưa bóng vào lưới.
    [IMG]
    Hiểm họa cho Tây Ban Nha, như trận ra quân vòng bảng cho thấy, có thể đến từ nhiều hướng, nhiều cá nhân của Italy. Ảnh: AFP.
    Liệu những cái tên đó có trở thành thứ móng vuốt sắc lẹm, cào rách “vỏ quýt dày” phòng ngự của Tây Ban Nha để đem vinh quang về cho Italy? Câu trả lời sẽ có sau ít nhất 90 phút hai đội tranh tài trên sân Olympic, Kiev.
    Theo VNExpress
    huongbien198 thích bài này.
  2. Facebook comment - TBN - Italy, vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Chia sẻ trang này