Diện tích: 2.584,1 km² Dân số: 820,1 nghìn người (năm 2006) Tỉnh lỵ: Thị xã Bạc Liêu Các huyện: Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Phước Long, Đông Hải, Hòa Bình. Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chăm. Điều kiện tự nhiên Bạc Liêu là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc giáp Sóc Trăng và Cần Thơ, Hậu Giang, phía đông nam giáp biển Đông, phía tây giáp Cà Mau và Kiên Giang. Là vùng đất trẻ được khai mở vào cuối thế kỷ 17 và được phù sa bồi đắp. Bạc Liêu có nhiều cánh đồng lúa bao la. Do hành trình của dòng hải lưu Bắc Nam, phù sa dồn lại tạo thành những giồng đất cát, nơi đây cây ăn trái mọc sum sê. Khí hậu Bạc Liêu có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch Thị xã Bạc Liêu được xây dựng bên rạch Bạc Liêu, cách biển 10km, là trung tâm lúa gạo và đầu mối giao lưu trong và ngoài tỉnh. Đất đai Bạc Liêu màu mỡ, dân cư đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa mầu, cây ăn trái, đánh bắt hải sản và nghề làm muối. Thời nhà Nguyễn, thế kỷ 18, Bạc Liêu thuộc phủ Bãi Xâu, tỉnh An Giang. Bạc Liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam kỳ khác. Tiểu khu Bạc Liêu được hình thành từ cuối năm 1882 do thống đốc Le Myre de Villers ký nghị định lấy một phần đất của 2 tiểu khu Sóc Trăng và Rạch Giá. Ngày 20/12/1989, Toàn quyền Poul Doumer đổi tiểu khu thành tỉnh Bạc Liêu. Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp. Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ Nam kỳ lục tỉnh, mà đến nay vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự theo lối kiến trúc phương Tây đã tạo cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng rất thú vị. Du khách đến Bạc Liêu sẽ hiểu thêm về giai thoại công tử Bạc Liêu lừng danh một thuở giàu có và chịu chơi. Đến Bạc Liêu du khách ghé thăm sân chim Bạc Liêu, những vườn nhãn dài hàng mấy chục kilomet mà hương vị của nó ít nơi nào sánh được, tháp cổ Việt Hưng, chùa Xiêm Cán, hoặc đi thăm những rừng đước, rừng tràm, căn cứ tự nhiên trong kháng chiến chống xâm lược. Dân tộc, tôn giáo Phần lớn dân cư Bạc Liêu là người Việt (Kinh), người Khmer chiếm 4,7% tập trung ở đông bắc Bạc Liêu và huyện Giá Rai; người Hoa chiếm 3,3%. Là vùng đất trù phú thịnh vượng, người dân Bạc Liêu hiền hoà, hiếu khách, có phong cách sống phóng khoáng đặc trưng của vùng Nam Bộ. Giao thông Bạc Liêu cách thành phố Hồ Chí Minh 280km, Cà Mau 67km, Sóc Trăng 50km và Cần Thơ 113km. Giao thông đường bộ rất thuận lợi. Có quốc lộ 1A chạy ngang qua tỉnh. Điểm du lịch ở Bạc Liêu Quần thể kiến trúc nhà tây Vị trí: Thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu Đặc điểm: Hiện nay, Bạc Liêu còn khoảng gần 30 dinh thự, biệt thự lớn nhỏ nằm tập trung ở hai bên bờ sông. Nó đã trở thành một di sản có giá trị tinh thần, một niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Không giống với một số tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu hiện nay còn khá nhiều dinh thự, biệt thự xây theo kiến trúc phương Tây ở thị xã Bạc Liêu. Chỉ có những tòa nhà của công tử Bạc Liêu dọc bờ sông bị hư hại trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Còn lại là công viên hàng me với những dinh thự, công sở trang nghiêm: tòa Hành chánh, tòa án, dinh bố (nhà thự quan chủ tỉnh), nhà huyện Sỏn, nhà hội đồng Trạch… Các vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch… đều được chở từ Pháp qua. Các ngôi nhà tây có kiến trúc của những năm đầu thế kỷ 20; mỗi nhà đều có không gian thoáng đãng xung quanh, phần đằng trước đối xứng nhau, mái lợp ngói. Mái ngói hình bát giác, các xà nối ngang như ở chùa. Nhìn chung các ngôi nhà có nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng. Bên trong nhà thường là những hành lang, vòm trần cao vút. Vì vậy, quần thể kiến trúc nhà tây ở Bạc Liêu mang một sắc thái riêng khác hẳn những nhà biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt… Chùa Quan Đế Vị trí: Chùa Quan Đế nằm ven sông Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch, Tx. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đặc điểm: Chùa Quan Đế là một kiến trúc đình chùa mang đậm bản sắc dân tộc Hoa. Người Hoa ở Bạc Liêu coi Chùa Quan Đế như một biểu tượng văn hoá của dân tộc mình. Chùa được xây năm 1835, do ông chủ tô muối Châu Quai đứng ra vận động đóng góp. Bên trong chùa còn giữ được khá nhiều bức hoành lớn. Một số được các nghệ nhân người Hoa chạm khắc từ những năm 1865 - 1897. Ngoài ra chùa Quan Đế còn có một án thư quí giá. Chùa thờ Quan Vân Trường thời Tam Quốc. Trong điện thờ chùa Ông có bức tượng Quan Công mặc giáp trụ uy nghi, hai bên là Quan Bình và Châu Xương. Theo người Hoa ở Bạc Liêu, họ chọn thờ Quan Công bởi họ coi trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán, Chùa Ông là nơi họ đến cầu khẩn, thậm chí giao kèo với nhau trong mua bán. Ngoài ra trong chùa còn thờ Thiên Hậu, Thần Tài. Chùa Ông là một trong những điểm tham quan ở thị xã Bạc Liêu. Tháp cổ Vĩnh Hưng Vị trí: Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đặc điểm: Tháp là di tích kiến trúc cổ duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Ăng Ko của người Khmer còn được bảo tồn ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo quốc lộ 1A, từ Bạc Liêu hướng Cà Mau 5km, đến cầu Sập, rẽ theo lối đi chợ Vĩnh Hưng là đến tháp Vĩnh Hưng. Tháp Vĩnh Hưng phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền thời đó xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam kỳ. Sau đó tháp còn có nhiều tên gọi khác như; tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat... Trong thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tấm bia khắc chữ Phạn ghi rõ tháng 814 tương ứng với năm 892 (sau CN) ở chùa cạnh tháp. Tháp Vĩnh Hưng được dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m; cạnh kia dài 6,9m, cao 8,9m xây bằng gạch ghép khít lại (không nhìn thấy vữa kết dính). Tháp có cấu trúc khá đơn giản, có một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính. Trong tháp có: một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần; tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng; đầu tượng Phật bằng đồng... và một số vật thờ khác. Mỗi ngày nhà sư trong chùa tháp tụng kinh hai lần bằng tiếng Việt vào lúc 4 giờ sáng và 4 giờ chiều. Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức giỗ lớn tại tháp vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Đây là dịp có đông Phật tử trong và ngoài tỉnh đến cúng bái. Sân chim Bạc Liêu Vị trí: Sân chim Bạc Liêu thuộc xã Hiệp Thành, Tx. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đặc điểm: Sân chim Bạc Liêu là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sân chim luôn tạo ra những bất ngờ sửng sốt cho du khách đến tham quan. Mới bước vào sân chim, du khách nhìn thấy ngay cảnh náo nhiệt của một sân chim tự nhiên. Những trứng chim đó đây trên mặt đất như hòn cuội trắng. Các loại chim thường hay làm tổ để tránh bị các loài khác đến bắt chim con...Len lỏi trong sân chim, bất chợt du khách có thể nhìn thấy loài chim có sải cánh dài tới 2m, nặng tới 10kg... Các loài chim thường tụ tập nhiều vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Chúng làm tổ trên cây đến khoảng tháng 1 rồi bay đi nơi khác và quay trở về đây vào tháng 5 hoặc tháng 6. Chùa Xiêm Cán Vị trí: Chùa Xiêm Cán thuộc xã Hiệp Thành, Tx. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đặc điểm: Chùa Xiêm Cán là một ngôi chùa của người Khmer, có kiến trúc giống những ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Đối với chùa Khơ-me, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Bên trong chánh điện (hay còn gọi là sala) của chùa Xiêm Cán đã phản ánh tính thẩm mỹ rất cao của người Khơ-me với những hoa văn độc đáo. Ở vị trí trung tâm trên nóc sala trang trí hình ảnh đền Angkor Wat – nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khơ-me. Quan sát trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khơ-me, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Người Khơ-me tu theo thuyết của Phật Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính. Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện bày trí rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn. Đối diện chánh điện là cột trụ biểu, là hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã thiện. Ngày nay, người ta có thể cảm nhận được một sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khơ-me đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp, phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam Nguồn:Tổng cục du lịch Việt Nam http://baobaclieu.vn