Sẽ là một thiếu sót rất lớn cho du khách nếu đến với Bạc Liêu mà quên một lần xuôi đê biển Nhà Mát – Gành Hào để ghé thăm Lăng Ông Nam Hải… Toa lạc tại ấp 1, thị trấn Gành Hào (gần ngã tư đường vào thị trấn Gành Hào và đường ra đê biển), Lăng Ông nằm uy nghi giữa một vùng trời biển, là điểm hẹn tâm linh, nơi gửi gắm niềm tin của bà con ngư dân trong những chuyến khơi xa. Ngôi miếu này được di dời từ ngoài vàm sông Gành Hào vào (vàm sông này ngày nay đã bị sóng đánh lở không còn vết tích). Tại Lăng Ông hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều xương cá Ông. Tuy chưa có kết quả khoa học nào thẩm định được độ tuổi của những chiếc xương này, nhưng theo những người cao niên ở địa phương thì ít nhất cũng khoảng 100 năm tuổi. Lăng Ông Nam Hải vào mùa lễ hội. Ảnh: P.T.C Tương truyền rằng, cá Ông là một linh vật hết sức linh thiêng, là “tấm áo choàng” của Phật Bà Nam Hải, vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, nếu chẳng may tàu thuyền gặp nạn thì cá Ông sẽ xuất hiện để hộ tống thuyền bè gặp nạn vào chỗ cạn, an toàn. Và ngược lại, khi cá Ông gặp nạn hoặc “lụy”, xác dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng. Những ghe tàu, hoặc ngư dân nào phát hiện Ông lụy đầu tiên sẽ được “đội” tang Ông. Năm 2010, ngư dân thị trấn Gành Hào đã phát hiện và đưa vào bờ một “Ông Nhám” dài 9,7m, nặng khoảng 13 tấn, đã được Viện Hải dương học Nha Trang ướp hóa chất bảo quản, xử lý xác lấy da nhồi bông. Và hiện xác cá Ông được đặt trang trọng tại Lăng Ông Nam Hải phục vụ du khách hành hương, chiêm bái. Vào các ngày 9, 10, 11 tháng 3 âm lịch hàng năm đều diễn ra lễ hội Nghinh Ông. Hãy đến với Lăng Ông Nam Hải vào dịp này để có thể hòa mình vào dòng người hối hả trên những chiếc ghe cào giong thẳng ra cửa biển để rước Ông. Sau đó thưởng thức những món ăn đặc sản, nhâm nhi vài ly rượu đế và nghe sáu câu vọng cổ hay một điệu hò kéo lưới ngọt ngào để thêm gắn bó với con người xứ biển chân chất, giàu lòng hiếu khách. (Baobaclieu