Trong báo cáo mới cập nhật, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định các nước đang phát triển sẽ nhận được tổng cộng 406 tỷ USD kiều hối năm 2012, tăng 6,5% so với năm ngoái. Dẫn đầu danh sách này là Ấn Độ với 70 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc (66 tỷ USD), Philippines và Mexico (24 tỷ USD) và Nigeria (21 tỷ USD). Việt Nam nhận 9 tỷ USD, xếp thứ 7 sau Hy Lạp (18 tỷ USD), Pakistan và Bangladesh (14 tỷ USD). Năm 2011, kiều hối về Việt Nam ước đạt 9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 8 tỷ USD năm 2010. Việt Nam cũng thuộc top 16 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới trong năm ngoái. Kiều hối về Việt Nam năm 2012 ước đạt 9 tỷ USD. Ảnh: Anh Quân WB dự đoán lượng kiều hối chảy vào các nước đang phát triển sẽ tăng 7,9% năm 2013, 10,1% năm 2014 và 10,7% năm 2015 để chạm mốc 534 tỷ USD. Kiều hối trên toàn thế giới ước tính đạt 534 tỷ USD năm nay và tăng lên 685 tỷ USD năm 2015. Nếu tính theo phần trăm GDP, các nước nhận kiều hối nhiều nhất năm 2011 là Tajikistan (47%), Liberia (31%) và Cộng hòa Kyrgyz Republic (29%). Hans Timmer - Giám đốc nhóm Triển vọng phát triển của ADB cho biết: "Dù lao động nhập cư chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp, kiều hối họ gửi về vẫn rất ấn tượng. Việc này không chỉ giúp được các hộ gia đình nghèo, mà còn là nguồn ngoại tệ quan trọng với các nước đang phát triển". Những quốc gia có nhiều lao động tại các nước xuất khẩu dầu mỏ tiếp tục nhận nhiều kiều hối, so với lao động làm việc tại các khu vực phát triển như Tây Âu. Vì vậy, các nước ở Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ, Đông Á và Thái Bình Dương, với nhiều lao động làm việc tại vùng vịnh, cũng có tốc độ tăng trưởng kiều hối tốt hơn. Với khu vực Nam Á, kiều hối năm 2012 dự kiến đạt 109 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2011. Đông Á và Thái Bình Dương sẽ thu hút 114 tỷ USD, tăng 7,2%. Trung Đông và Nam Mỹ sẽ nhận 47 tỷ USD, tăng 8,4%. Trái lại, kiều hối về châu Âu, Trung Á và châu Phi cận Sahara được dự đoán đứng yên, chủ yếu do kinh tế tại các nước châu Âu co lại. Kiều hối vào châu Âu và Trung Á sẽ vào khoảng 41 tỷ USD, và châu Phi cận Sahara là 31 tỷ USD. Thùy Linh Nguồn: VNExpress