Xăng dầu trong nước quyết neo giá

Thảo luận trong 'Kinh tế' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 27 Tháng 10 2012.

  1. (Lượt xem: 1,333)

    Giá xăng dầu trong nước sẽ không giảm, bất chấp giá thế giới rơi liên tiếp một tuần qua - Bộ Tài chính đã quyết định như vậy ngay từ đầu tuần. Với doanh nghiệp, một lít xăng lãi vài chục đến vài trăm đồng hiện nay chỉ là danh nghĩa.

    Chỉ là lãi danh nghĩa
    Hiếm khi nào, các quyết định mới về điều hành giá xăng dầu lại được Bộ Tài chính giữ kín trước các phương tiện thông tin đại chúng như vậy.
    Thứ hai đầu tuần này, 22/10, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp đầu mối yêu cầu tiếp tục giữ giá bán lẻ ổn định. Đây là phương án điều hành dựa trên diễn biến giá thế giới 30 ngày qua và có sự thống nhất với Bộ Công Thương.
    Cơ quan này cũng thông báo, áp dụng công thức tính giá cơ sở của Nghị định 84 nhưng loại trừ khoản 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và bù thêm từ Quỹ bình ổn 500 đồng/lít thì giá bán lẻ xăng dầu đã có lãi chút ít.
    Cụ thể, so với giá cơ sở, giá bán lẻ tính tới ngày 21/10 của dầu madut cho thấy đã dương 664 đồng/kg, là mặt hàng lãi nhất. Mặt hàng lãi thứ hai là dầu diezen, dương 220 đồng/lít, kế tiếp là xăng A92 dương 92 đồng/lít. Lãi thấp nhất là dầu hỏa, giá bán lẻ chỉ dương 75 đồng/lít so với giá cơ sở.
    Đồng thời với lệnh giữ giá trên, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp giảm mức xả bù từ Quỹ bình ổn đối với dầu madut - mặt hàng đang có thuận lợi nhất - từ 500 đồng/kg hiện hành xuống còn 200 đồng/kg. Ba mặt hàng xăng dầu còn lại vẫn tiếp tục được bù 500 đồng/lít từ Quỹ bình ổn. Thời gian áp dụng từ 16h ngày 22/10/2012.
    [IMG]
    Có thể thấy, ngay trong cách tính trên, số lãi của các mặt hàng xăng dầu về bản chất là nhờ vào các công cụ điều tiết của Bộ Tài chính chứ không phải là kết quả kinh doanh thực sự.
    Nếu không bù từ Quỹ, dầu madut chỉ còn lãi 164 đồng/kg. Dầu diezen sẽ chuyển sang lỗ 280 đồng/lít, dầu hỏa sẽ lỗ tới 425 đồng/lít và xăng A92 lỗ 408 đồng/lít.
    Còn nếu áp dụng đúng công thức tính giá cơ sở của Nghị định 84, nghĩa là có khoản lợi nhuận định mức trong kết cấu tính giá, thì con số lỗ của doanh nghiệp xăng dầu còn lớn hơn nhiều.
    Gần 2 tháng qua, Bộ Tài chính liên tiếp ra 3 công văn yêu cầu giữ giá xăng dầu Lần cho phép tăng giá cuối cùng là ngày 28/8, với mức kiềm chế tăng chỉ bằng 50% mức lỗ.
    Như tinh thần công văn hôm 9/10, cơ quan này còn khẳng định: "Nếu không bù từ Quỹ bình ổn, giá xăng dầu chỉ có tăng chứ không giảm!"
    Giảm giá là phương án cuối
    Tuy nhiên, ngay sau lệnh điều hành trên, thị trường xăng dầu trên thế giới đảo chiều đi xuống - một tín hiệu tích cực cho kỳ vọng hạ nhiệt giá trong nước.
    Tại Singapore, giá xăng dầu thành rơi liên tiếp trong suốt một tuần qua, biên độ chênh lệch có ngày tới 2-3 USD/thùng. Dấu mốc cho sự đi xuống này là kể từ ngày 17/10, khi đó, xăng vẫn duy trì trên ngưỡng 120 USD/thùng và dầu vẫn trên mức 130 USD/thùng.
    Đến ngày 22/10, đúng thời điểm có động thái mới của Bộ Tài chính, giá xăng A92 thành phẩm chỉ còn 116,48 USD/thùng, hạ tới 8,36 USD/thùng so với 1 tuần trước đó.
    Giá dầu diezen thành phẩm là 128 USD/thùng, giảm tới 3,67 USD/thùng; dầu hỏa khi đó có giá 129,14 USD/thùng, giảm 3,4 USD/thùng. Dầu madut cũng giảm tới 10,95 USD/tấn, chỉ còn mức giá 648,38 USD/tấn.
    Sự tụt dốc không phanh này diễn ra càng rõ nét hơn trong 3 ngày đầu tuần này. Trong vòng 2 ngày, tính đến 24/10, xăng A92 thành phẩm hạ tiếp tới 3,3 USD/thùng, chỉ còn 113,2 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Dầu diezen cũng chỉ còn 125,6 USD/thùng, hạ 2,4 USD so với thứ 2 đầu tuần. Dầu hỏa hiện giữ giá 126,26 USD/thùng, giảm 2,28 USD và dầu madut giảm 10,59 USD/tấn.
    Lý giải cho sự đi xuống này, Bloomberg cho hay do Mỹ đã tăng dự trữ dầu lên 5,9 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự đoán 1,9 triệu thùng trước đó. Tính tới ngày 25/10, giá dầu Brent đã giảm 7 phiên và dầu thô giảm 5 phiên liên tiếp. Trên sàn Nymex, giá dầu thô Mỹ giao tháng 12 chỉ còn 85,73 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 7.
    Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex bày tỏ, nhờ xu hướng giảm mạnh nên mức lãi theo cách tính mới của Bộ Tài chính, không tính lợi nhuận định mức và bù từ Quỹ, đã tăng lên.
    Ví dụ, tính tới ngày 24/10, giá xăng lãi 200 đồng/lít, dầu diezen lãi 300 đồng/lít, dầu hỏa lãi 100 đồng/lít. Riêng dầu madut lãi tới 400 đồng/kg.
    Tuy nhiên, ông Năm khẳng định: "Về bản chất, kinh doanh xăng dầu không thể lãi như vậy". Nếu tuân theo đúng Nghị định 84, giá bán lẻ vẫn thấp hơn giá cơ sở từ 500-700 đồng/lít.
    Theo ông, các chi phí trong kết cấu giá xăng dầu hiện nay đã lỗi thời, chưa được sửa đổi. Trong đó, khoản chi phí được nói đến nhiều nhất vẫn là chi phí kinh doanh, chiết khấu hoa hồng. Hai bộ Công Thương - Tài chính cũng đã dự kiến sẽ nâng từ mức 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít nhưng cho đến nay, sự điều chỉnh này vẫn nằm trên giấy.
    Được biết, báo cáo nhanh tới Bộ Tài chính gần đây, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Petrolimex cho thấy, kinh doanh xăng dầu nội địa vẫn lỗ nặng nhưng nhờ tái xuất xăng dầu có lãi nên kết quả tổng hợp dự kiến lợi nhuận trước thuế vẫn dương.
    Ông Năm cho biết, Nghị định 84 thực chất không có nhiều vấn đề phải sửa đổi như dư luận đang hiểu. Những điểm bất hợp lý trong cơ chế kinh doanh xăng dầu chủ yếu nằm ở các thông tư của các Bộ như việc trích - xã Quỹ bình ổn, chi phí hoa hồng. Vì vậy, không nhất thiết phải chờ sửa Nghị định 84, các Bộ có đủ thẩm quyền để điều chỉnh ngay các bất hợp lý trên.
    Riêng về khả năng điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước, ông Trần Ngọc Năm thừa nhận: "Hầu hết các doanh nghiệp sẽ chờ động thái điều hành từ Bộ Tài chính!".
    Cơ chế giá xăng dầu hiện nay đang có sự điều tiết từ Quỹ, thuế. Nếu giá thế giới hạ nhiệt tiếp thì động thái đầu tiên cần làm là ngừng xả Quỹ bình ổn trước. Sau đó, nếu Bộ Tài chính không tăng thuế thì các doanh nghiệp mới tính chuyện đăng ký giảm giá.
    Phạm Huyền

    Báo VietNamNet
  2. Facebook comment - Xăng dầu trong nước quyết neo giá

Chia sẻ trang này