'Xăng sinh học phải rẻ hơn mới hút người mua'

Thảo luận trong 'Kinh tế' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 27 Tháng 11 2012.

  1. (Lượt xem: 1,311)

    Theo lộ trình, từ ngày 1/12/2014, xăng sử dụng cho phương tiện đường bộ trên 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ ngày 1/12/2015, loại nhiên liệu sinh học này sẽ sử dụng trên toàn quốc. Lộ trình tương tự cho xăng E10 lần lượt là 1/12/2016 và 1/12/2017.
    Lãnh đạo Petec, một đơn vị phân phối và bán xăng sinh học, cho hay ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Chính phủ, song doanh nghiệp rơi vào thế khó vì người dân chưa thực sự hiểu về E5. Hiệu quả của xăng sinh học là tiết kiệm nhiên liệu, khi tự sản xuất và tiêu thụ nội địa sẽ bớt căng thẳng chuyện ngoại tệ để nhập khẩu. Số đông vẫn còn nhầm lẫn với methanol khi có hiện tượng cháy xe nên người dân mang tâm lý "tránh đi thì hơn". Theo ông, đây là một trong những lý do khiến các cửa hàng treo biển xăng sinh học khó bán, doanh nghiệp cũng không mặn mà.
    Không tiết lộ kế hoạch cụ thể, song lãnh đạo Petec cho hay, để thực hiện lộ trình cuối năm 2015 xăng E5 được áp dụng trên cả nước, doanh nghiệp ông sẽ lên kế hoạch tăng cường phân phối và tiêu thụ. "Vấn đề mấu chốt là phải tháo gỡ đầu ra, nếu đầu ra đã được mở thì sẽ không có gì khó khăn cả", ông nói.
    [IMG]
    Các phân xưởng công nghệ quan trọng chế biến ra sản phẩm xăng, dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Trí Tín
    Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH lọc- hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý và vận hành nhà máy Dung Quất, cho biết vài tháng nữa nhà máy Bio- Ethanol Dung Quất chính thức đưa vào vận hành, sản xuất xăng sinh học E5. "Chúng tôi sẽ thí điểm đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học bắt đầu từ khu vực xung quanh nhà máy, dần dần mở rộng thị trường ở Quảng Ngãi. Sau thời gian một năm đầu, sẽ tiếp tục mở rộng thị trường ra khu vực miền Trung- Tây Nguyên" ông nói. Theo ông Giang, với công suất 100 triệu lít mỗi năm, Bio-Ethanol Dung Quất dư sức cung ứng nguồn xăng E5 ổn định ở các tỉnh khu vực này trong hai năm đầu tiên.
    Nhà máy Bio- Ethanol sẽ chủ động sớm hơn lộ trình tiêu thụ xăng E5 của Chính phủ, nhưng cũng phải theo "từng bước một" để người tiêu dùng thích nghi dần với loại nhiên liệu mới mẻ này. Khi nguồn xăng E5 của nhà máy từ Dung Quất vươn ra tiêu thụ thí điểm vững chắc ở hai đầu đất nước là TP HCM và Hà Nội vào đầu 2015, sẽ "bắt kịp" với lộ trình sử dụng đại trà trên cả nước theo Quyết định của Thủ tướng ban hành vừa qua.
    Công ty Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cũng đã lên kế hoạch thực hiện lộ trình của Chính phủ. Doanh nghiệp đã có sẵn bồn chứa, nhân công và thùng chở để đến năm 2014 có thể thí điểm trên phạm vi rộng hơn bởi vậy "không có gì lo ngại cả". "Đến năm 2015, dự kiến khoảng 1.000 đại lý từ Khánh Hòa đến Cà Mau của Saigon Petro sẽ bán xăng sinh học", ông Đặng Vinh Sang Tổng giám đốc Saigon Petro cho biết.
    Khẳng định sẽ thực hiện đúng lộ trình của Chính phủ, song nhiều doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế để kích cầu và giúp người dân tin tưởng vào xăng sinh học. Hiện mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5 gồm PV Oil, Petec và Saigon Petro. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), thành viên giữ vai trò nòng cốt trong kế hoạch phát triển năng lượng sinh học của Tập đoàn dầu khí đang xây dựng 3 nhà máy sản xuất Ethanol tổng công suất 300.000 m3 mỗi năm. Dự kiến đến năm 2014, cả 3 nhà máy đi vào hoạt động đáp ứng pha được 6 triệu m3 xăng E5, tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2014. Sau hai năm bán xăng sinh học, PV Oil cho biết doanh số bán ra rất thấp so với các loại xăng truyền thống.
    Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) hiện xăng sinh học E5 được bán giá thấp hơn xăng A92 khoảng 100 đồng mỗi lít. Doanh nghiệp của ông mới thí điểm khoảng 4 cửa hàng bán xăng E5. Trước đây, mỗi ngày có thể bán được 10.000 lít xăng thì nay lượng bán được chỉ khoảng 2.000 lít.
    [IMG]
    Xăng sinh học E5 được bán rẻ hơn 100 đồng mỗi lít so với A92. Ảnh: Trần Tiến
    Theo ông Sang, khi bán được nhiều xăng sinh học, doanh nghiệp sẽ không lỗ. Bởi doanh nghiệp sẽ được miễn phí môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt trên mỗi lượng Ethanol. Ngoài ra, theo ông, người nông dân khi trồng mì tươi (nguyên liệu sản xuất ethanol) cũng bán được 1.200 đồng mỗi kg trên giá vốn 800 đồng. "Nguồn cung sẽ không có gì lo ngại, nhưng quan trọng nhất là phải kích cầu. Bộ Công Thương đề xuất tháng 7/2013 sẽ áp dụng xăng E5 tại một số tỉnh nhưng nay theo lộ trình của Chính phủ đã lùi lại tới năm 2014. Nếu không kích cầu và thực hiện nghiêm túc, khả năng lộ trình này sẽ khó thực hiện", ông nói.
    Một lãnh đạo xăng dầu lớn chia sẻ, giá xăng sinh học phải rẻ hơn nữa mới có thể đi vào đời sống. Bởi theo ông, đứng ở góc độ người tiêu dùng, họ có quyền cân nhắc giữa việc sử dụng xăng sinh học với A92 khi so sánh với lợi ích kinh tế và tuổi thọ của động cơ. "Đơn cử, đi ôtô, đổ đầy xe hết 50 lít, người mua tiết kiệm được 5.000 đồng, trong khi đó, xăng A92 đã đi vào tiềm thức của họ về hệ số an toàn thì người tiêu dùng sẽ cân nhắc", ông nói. Để giá xăng sinh học giảm thì cần có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước
    Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc PVOil cho hay, việc đưa ra giá bán xăng sinh học hiện nay là do doanh nghiệp chủ động và chưa được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. "Rõ ràng giá bán xăng sinh học chỉ rẻ hơn 100 đồng chưa đủ sức kích cầu", ông Trình nhận định.
    Hoàng Lan - Trí Tín
    Nguồn: VNExpress
  2. Facebook comment - 'Xăng sinh học phải rẻ hơn mới hút người mua'

Chia sẻ trang này