Chúng ta nói rằng tình yêu cũng góp một phần vào sự đau khổ, chịu đựng. Rằng khi bạn yêu ai thì tình yêu đó rồi cũng sẽ đem đến cho bạn nỗi đau khổ. Bây giờ chúng ta tìm hiểu xem có thể nào thoát khỏi mọi nỗi đau khổ chăng. Khi vùng ý thức của con người không tự vướng mắc với cảm giác đau khổ, thì sự giải thoát, sự dung thông ấy sẽ chuyển hóa ý thức và sự chuyển hóa đó sẽ tỏa rộng ra, cảm ứng với nỗi đau khổ của toàn thể nhân loại. Đó là tình thương, là lòng trắc ẩn. Nếu trong lòng cảm thấy đang đau buồn, đang phải chịu đựng nỗi thống khổ, thì bạn không thể yêu được. Đó là sự thật, là quy luật. Khi bạn yêu người nào đó mà họ lại làm việc gì khiến cho bạn không đồng ý, mà bạn lại còn cảm thấy đau buồn, cảm thấy phải chịu đựng, thì điều đó nói lên là bạn chưa yêu. Xin hãy nhìn sự thực này. Làm sao bạn có thể chịu đựng nỗi đau buồn khi vợ bạn bỏ rơi bạn để chạy theo người khác? Quả thật là chúng ta sẽ rất đau buồn vì chuyện đó. Chúng ta nổi giận, lên cơn ghen, tràn ngập sự uất hận, ghét bỏ; ấy thế mà đồng thời, chúng ta lại nói rằng "Tôi yêu vợ tôi"! Yêu như thế thì không phải là yêu. Cho nên, có thể nào không phải chịu đựng đau khổ mà đồng thời vẫn có được tình yêu nồng nàn nở rộ mênh mông không nhỉ? Vậy thì bản chất và cốt tủy của đau khổ là gì -- đây là nói về cái cốt tủy của nó, không phải là những hình thức khác nhau của nó? Cốt tủy của sự đau khổ là gì? Không phải đấy chính là sự biểu lộ rõ rệt nhất, vào thời điểm sự kiện xẩy ra, của một con người tự cho mình là trung tâm điểm, một cái rốn của vũ trụ sao? Đó chính là bản chất của cái tôi -- cốt tủy của bản ngã, của con người, của sự giới hạn, của sự thu hẹp, của sự ngăn cách, được gọi là cái "tôi". Khi có đột biến trong tâm, đòi hỏi một sự thức tỉnh của trí tuệ, thì ngay đó cái "tôi" này, cái nhân tố tạo nên nỗi thống khổ này, trỗi dậy để ngăn cản. Vậy nếu không có cái "tôi", cái bản ngã, thì liệu rằng còn có nỗi đau buồn, thống khổ chăng? Hay là khi đó con người ta sẽ tha hồ mà làm những chuyện giúp đời, làm đủ mọi chuyện không vị kỷ mà không còn cảm thấy đau khổ nữa. Đau khổ là sự biểu lộ về cái "tôi", về bản thân, vị kỷ; nó bao gồm cả sự than thân trách phận, cả nỗi buồn của sự cô quạnh, cố tìm cách thoát ra khỏi tình huống khổ tâm, cố tìm cách nối lại mối liên lạc với người đã bỏ đi -- và tất cả những điều khác bao hàm trong cái ý nghĩ về "tôi" đó. Buồn bã, than thân trách phận là hành động rất vị kỷ, chủ yếu là quan tâm về cái "tôi",-- về những hình ảnh, ý niệm, kiến thức, những hồi ức, nhớ nhung về quá khứ. Vậy thì, có sự liên hệ nào giữa sự đau buồn, bản chất của cái "tôi", của thói vị kỷ, với tình yêu không? Có sự liên hệ nào giữa tình yêu và sự đau khổ không? Cái "tôi" được hình thành qua tư tưởng, suy nghĩ; nhưng có phải nhờ suy nghĩ mà tình yêu hình thành không? Tình yêu có được hình thành qua sự suy nghĩ không? -- ký ức về những nỗi đau, những niềm vui, về sự theo đuổi khoái lạc, tình dục linh tinh, sự vui thích được chiếm hữu người khác và người khác lại thích bị chiếm hữu; tất cả những điều đó đều là cấu trúc của tư tưởng. Cái "tôi" với danh xưng, với hình dáng, với ký ức của nó được hình thành qua tư tưởng -- hiển nhiên là như vậy. Nhưng nếu tình yêu không được hình thành bằng tư tưởng, bằng sự suy nghĩ, như vậy thì sự đau khổ không liên hệ gì với tình yêu. Do đó, hành động thoát thai từ tình yêu thì khác hẳn với hành động thoát thai từ sự đau khổ. . . . Ta thấy rằng hành động thoát thai từ sự đau khổ chính là hành động thoát thai từ cái "tôi", từ bản ngã, vị kỷ, và vì thế luôn luôn có mâu thuẫn, xung đột. Ta có thể thấy cái trình tự hợp lý của toàn bộ điều đó. Chỉ khi nào nhìn rõ như vậy, chúng ta mới có thể có được tình thương yêu tinh khiết, không có bóng mờ của đau buồn, khổ ải. Đắn đo suy nghĩ không phải là tình yêu. Đắn đo suy nghĩ không phải là lòng trắc ẩn, bi mẫn. Lòng trắc ẩn, bi mẫn là trí tuệ, là trực giác, -- vốn không phải là kết quả của sự suy nghĩ, đắn đo. Krishnamurti -- The Wholeness of Life Danny Việt dịch