Công tử Bạc Liêu và giai thoại về những chuyện tình trong đời

Thảo luận trong 'Bạc Liêu - Đất và người' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 23 Tháng 6 2013.

  1. (Lượt xem: 2,688)

    Bên cạnh những giai thoại về sự ăn chơi vô độ của công tử Bạc Liêu, người ta còn kể lại vô vàn cuộc tình chính thức và không chính thức liên quan đến người đàn ông nổi tiếng một thời này.

    "Công tử Bạc Liêu" là cụm từ xuất hiện ở Miền Nam Việt Nam vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Cụm từ này để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
    Nổi bật nhất trong số các công tử Bạc Liêu này là Trần Trinh Huy (1900-1974), còn gọi là Ba Huy, Hội đồng Ba hay Hắc công tử. Ông là một tay chơi nổi tiếng số 1 ở Sài Gòn và miền Nam vào những năm 1930, 1940. Khả năng tài chính và độ phóng túng của công tử này không ai có thể tranh chấp nên người ta thường gán riêng danh xưng "Công tử Bạc Liêu" cho mình ông.

    Trần Trinh Huy được mô tả có thân hình cao lớn, đầy sinh lực, nước da ngăm đen, lông mày rậm. Tính tình ông khoáng đạt, coi tiền như rác, thích xê dịch, lối sống cực kỳ sang trọng. Hễ cứ ra đường là ông đóng bộ đồ vest đắt tiền nhất thời đó.

    Bên cạnh những giai thoại về sự ăn chơi vô độ của công tử Bạc Liêu, người ta còn kể lại vô vàn cuộc tình chính thức và không chính thức liên quan đến người đàn ông nổi tiếng một thời này. Trong đó, Ba Huy được xem là người đàn ông có bốn người vợ chính thức và số nhân tình cũng như con rơi của ông không thể đếm xuể.

    [IMG]
    Chân dung công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Ảnh: Internet).

    1. Người có con đầu tiên với Ba Huy là một cô gái người Pháp có tên Marie. Năm 1936, lúc này Ba Huy đã trở về nước sau 3 năm du học bên Pháp. Marie đã dắt theo con trai, đặt chân đến Bạc Liêu để tìm Trần Trinh Huy. Đây chính là người con gái trong mối tình thắm thiết của công tử Bạc Liêu thuở còn ở bên Pháp.

    Gặp nhau ngay trước cổng Nhà Lớn tại Bạc Liêu, 6 năm sau khi Ba Huy rời Pháp trở về nước, Ba Huy và Marie không khỏi xúc động, ôm hôn nhau thắm thiết ngay trước sự chứng kiến của rất đông người. Sau vài phút hàn huyên với nhân tình, Marie đã dắt tay đứa bé đến trước mặt Ba Huy giới thiệu: "Đây chính là Richard con của anh". Càng thêm xúc động, Ba Huy cúi xuống ôm chầm đứa bé vào lòng.

    Khi ấy Richard đã 6 tuổi, mang hai dòng máu Việt - Pháp nên trông cao lớn hơn hẳn những đứa trẻ cùng tuổi. Ngày Ba Huy về nước, nó mới còn là đứa bé phải bế trên tay.

    Sau khi những giây phút gặp gỡ mừng mừng tủi tủi ấy qua đi, Ba Huy đưa hai mẹ con Marie về nhà giới thiệu và thưa chuyện ngọn ngành với ba mẹ mình là ông bà Hội đồng Trạch. Đây cũng là lần đầu tiên ông bà nghe chính con trai mình thú nhận về chuyện có vợ Tây, cho dù trước đó đã nghe không ít lời bàn ra tán vào.

    [IMG]
    "Trong thời gian ở Pháp, Ba Huy đã có mối tình sâu đậm với một cô gái Tây (bên phải)" (Ảnh: Internet).

    Thực ra trong 3 năm du học ở Pháp, không kể gái "bán hoa" thì số nhân tình của Công Tử Bạc Liêu chí ít cũng phải 5 mối. Trong đó, người tình mà ông yêu say đắm và gắn bó lâu dài nhất chính là Marie - một cô gái làm nghề thu ngân xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình nề nếp.

    Ba Huy gặp Marie tại một quán cà phê nổi tiếng nằm bên bờ sông Siene. Ngay lần đầu gặp, ông đã bị ánh mắt sâu thẳm, mái tóc vàng kim quyến rũ của cô gái Pháp hớp hồn. Ông bỏ không ít tiền của để chinh phục cho bằng được nàng. Và không giống như các cô gái vui chơi qua đường khác, Ba Huy thật lòng yêu thương Marie nên đã chủ động có con với cô, dự định đặt tên là Richard.

    Khi Richard được khoảng 6 tháng tuổi thì Ba Huy phải trở về nước. Như để bù đắp tình cảm cho hai mẹ con Marie, trước khi lên đường, ông đã đánh điện về nước bảo gia đình gửi một lượng tiền lớn sang chu cấp cho mẹ con Marie sinh sống. Ông nói dối gia đình đó là tiền chi phí kết thúc khóa học. Số tiền đó thời bấy tương đương hàng chục cân vàng.

    Trước sự thể đã rồi, dù không thực sự muốn tiếp nhận nhưng ông bà Hội đồng Trạch đành miễn cưỡng chấp nhận bởi dẫu sao Richard cũng là cháu đích tôn của ông bà. Tuy nhiên, vì sợ chuyện này gây rắc rối với nhà thông gia (Ba Huy đã chính thức cưới một người vợ ở Bạc Liêu vào năm 1934), ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình nên ông bà quyết định để 2 mẹ con Marie ở Bạc Liêu một thời gian, sau đó cho họ một số tiền lớn để về Pháp sinh sống.

    2. Ba Huy được ông bà Hội đồng Trạch cưới người vợ chính thức đầu tiên là bà Ngô Thị Đen vào năm 1934. Đây cũng là người duy nhất có lễ hỏi lễ cưới đàng hoàng. Bà Đen là con của một ông bá hộ giàu có nổi tiếng trong vùng. Hai vợ chồng sinh được một cô con gái duy nhất là Trần Thị Lưỡng.

    [IMG]
    Chân dung công tử Bạc Liêu và vợ Ngô Thị Đen (Ảnh: Internet).

    Người ta kể rằng cuộc sống của bà Đen bên cạnh ông Ba Huy âm thầm, lặng lẽ như một cái bóng. Biết chồng mình có tính lăng nhăng nên người đàn bà này dồn hết thời gian, tâm trí chăm chút, đầu tư học hành đàng hoàng cho đứa con gái yêu quý.

    Tuy nhiên, có lẽ chịu đựng mãi cảnh đi sớm về khuya của chồng với người phụ nữ khác cũng khiến bà vợ của công tử Bạc Liêu chán nản. Khoảng năm 1955, bà quyết định cùng con gái sang Pháp sinh sống. Cho đến lúc qua đời tại Thụy Sỹ vào năm 1972, bà chỉ về quê một vài lần.

    3. Ngoài người vợ chính thức do cha mẹ cưới hỏi trên, công tử Bạc Liêu còn có nhiều người vợ do ông tự chọn lấy, không cần cưới hỏi. Khoảng từ năm 1945, Ba Huy chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Ông đã cưới một người con gái đẹp khác ở Sài Gòn. Tên tuổi bà đến nay cũng không còn lưu lại. Chỉ biết rằng họ có với nhau hai người con, một trai, một gái đặt tên là Hiếu và Thảo.

    Tiếp theo đó, công tử Bạc Liêu có tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Hai, người con gái gốc Mỹ Tho. Sống với Ba Huy, bà Hai sinh được hai người con trai tên là Trần Trinh Nhơn và Trần Trinh Đức.

    4. Không kể nhân tình thì những người làm vợ chính thức của Công Tử Bạc Liêu vẫn chưa dừng lại ở con số trên. Người vợ cuối cùng của ông được cưới hỏi đàng hoàng tên là Nguyễn Thị Ba, sinh ra trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề gánh nước thuê ở cạnh công viên Tao Đàn - Sài Gòn.

    Khoảng đầu thập niên 60, lúc này công tử Bạc Liêu đã ngoài 60 tuổi. Ông chuyển về căn biệt thự ở đường Taberd (Nguyễn Du, Sài Gòn ngày nay) sinh sống. Mỗi sáng, đứng trên lầu nhìn xuống, ông thấy một cô gái chừng 17 - 18 tuổi gánh nước đi qua. Khuôn mặt xinh xắn, mái tóc đen mượt, khuôn ngực đầy đặn của cô gái trẻ đã hớp hồn ông.

    [IMG]
    Ông Trần Trinh Đức, một trong những người con của công tử Bạc Liêu (Ảnh: Người Lao Động).

    Ba Huy lân la hỏi thăm thì đựơc biết cô gái đó là Nguyễn Thị Ba, con ông già làm nghề sửa xe đạp trước cổng công viên Tao Đàn. Ba Huy đến nhà ông già thẳng thắn đặt vấn đề muốn lấy cô Ba về làm vợ, đổi lại ông sẽ cho hai cha con căn hộ sung túc ở mặt đường để buôn bán và chu cấp tiền sinh sống hàng tháng. Hai cha con bàn đi tính lại và đồng ý. Đó chính là người vợ cuối cùng của Ba Huy, kém ông khoảng chừng 50 tuổi.

    Độ một tháng sau ngày đó, đám cưới của họ chính thức diễn ra tại một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn. Giữ đúng lời hứa, ông tặng cho bố vợ ngôi nhà ở trung tâm Sài Gòn trị giá cả ngàn lượng vàng.

    Bà Ba sống chung thủy với ông Ba Huy cho đến ngày ông qua đời. Họ sinh được 4 người con (có giai thoại kể bà Ba sinh cho công tử Bạc Liêu 2 người con).

    Ba Huy còn rất nhiều con rơi với vô vàn nhân tình khác. Tuy những người đó không phải vợ chính thức, được cưới hỏi đàng hoàng song con cái họ đều được công tử Bạc Liêu thừa nhận. Ông mất năm 1973 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
    Tổng hợp
    Theo Trí Thức Trẻ
  2. Facebook comment - Công tử Bạc Liêu và giai thoại về những chuyện tình trong đời

Chia sẻ trang này