Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn

Thảo luận trong 'Tin tức Bạc Liêu' bắt đầu bởi Phan Tú Toàn, 7 Tháng 10 2012.

  1. Phan Tú Toàn Phan Tú Toàn & Phan Thanh Cường

    (Lượt xem: 1,275)

    Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tiểu thương từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn so với các năm trước. Ngoài áp lực sức mua giảm, chi phí đầu vào tăng, các doanh nghiệp còn bị áp lực từ nguồn vốn vay với lãi suất cao. Song, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh.


    Thực hiện Quyết định số 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Sở Công thương đã hỗ trợ doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 42 tỷ đồng. Trong đó, mua băng chuyền IQF phục vụ chế biến thủy sản 39 tỷ đồng và mua xe vận tải 2,4 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân gần 30 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra hàng hóa chất lượng cao và giảm chi phí, tổn thất trong quá trình sản xuất.
    Thương mại phát triển

    Theo Sở Công thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường nội địa tháng 9/2012 đạt trên 1.960 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 9 tháng của năm 2012 khoảng 15.912 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch và tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù hoạt động thương mại có tăng, nhưng đó chỉ là sự tăng trưởng do tăng giá.
    Khảo sát ở các chợ trên địa bàn TP. Bạc Liêu cho thấy, hoạt động mua bán của tiểu thương gặp nhiều khó khăn. Sức mua giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp và cả nông dân. Chỉ riêng mặt hàng nông sản, giá cũng giảm từ 10 - 20% làm nhiều nông dân sản xuất không có lãi.
    Trước tình hình khó khăn trên, các doanh nghiệp, tiểu thương đã đưa ra nhiều giải pháp như tính lại bài toán sản xuất theo hướng giảm tối đa chi phí phát sinh; thực hiện việc điều chỉnh giá bán lẻ hàng hóa và các dịch vụ hợp lý, không “ăn theo” tăng giá; tăng cường công tác khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng… Ông Tiêu Đại Phước, nhân viên phụ trách quảng cáo, khuyến mãi Siêu thị Vinatex Bạc Liêu, cho biết: “Để thu hút người tiêu dùng, cùng với đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi hàng tuần, hàng tháng với nhiều loại hàng hóa chất lượng, Siêu thị Vinatex còn tổ chức bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn. Song song đó, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc khách hàng”. Không chỉ những doanh nghiệp lớn, mà các tiểu thương cũng áp dụng hình thức này. Nhờ vậy, lĩnh vực thương mại từ đầu năm đến nay tiếp tục ổn định và phát triển khá.
    Xuất khẩu gặp khó
    Tuy được xem là thế mạnh kinh tế của tỉnh, nhưng hoạt động xuất khẩu từ đầu năm đến nay cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là gạo xuất khẩu giảm hơn 25% so với cùng kỳ. Sản lượng gạo xuất khẩu trong 9 tháng qua chỉ hơn 51.425 tấn, đạt 51,43% kế hoạch năm. Còn xuất khẩu tôm, bên cạnh khó khăn về nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh về giá với nhiều nước xuất khẩu tôm như Thái Lan, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a… Vì vậy, con tôm Việt Nam xuất khẩu ở những thị trường truyền thống như Nhật, EU và Mỹ đã giảm sút.

    [IMG]

    Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Giá Rai.
    Ảnh: L.D
    Đối phó với tình hình này, một số doanh nghiệp cũng năng động chuyển hướng và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn đa dạng hóa sản phẩm, chế biến thêm loại tôm nhỏ, tôm thẻ chân trắng và các loại thủy sản khác để cung cấp cho nhiều thị trường, nhiều đối tượng khác nhau. Việc nỗ lực vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu đã giúp các đơn vị này duy trì, ổn định sản xuất. Đồng thời nâng tổng sản lượng xuất khẩu trong 9 tháng qua đạt 22.736 tấn, bằng 85,8% kế hoạch và tăng 40,42% so với cùng kỳ.

    Ông Trần Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng, để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và phục vụ tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là: làm việc với ngân hàng để cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời tổ chức các phiên chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện quảng bá hàng hóa và cung cấp hàng hóa chất lượng cho người dân. Phối hợp với doanh nghiệp để tìm các giải pháp tự tháo gỡ khó khăn, tính toán chặt chẽ các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí và tích cực tìm kiếm đầu ra… Từ đó, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…



    Bài viết :
    KIM TRUNG . Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn

Chia sẻ trang này