Đường Hòa Bình - Thành phố Bạc Liêu

Thảo luận trong 'Bạc Liêu - Đất và người' bắt đầu bởi Phan Tú Toàn, 5 Tháng 1 2013.

  1. Phan Tú Toàn Phan Tú Toàn & Phan Thanh Cường

    (Lượt xem: 1,890)

    Đường Hòa BìnhTP. Bạc Liêu thuộc địa bàn phường 3, dài gần 800m, khởi đầu từ ngã ba giáp với đường Võ Thị Sáu (cây xăng số 1) đến ngã tư Quốc tế (cắt ngang đường Trần Phú), đến ngã ba Hà Huy Tập, ngã ba Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng, Lê Lợi.
    Thời Pháp thuộc, tên đường là Quai de Chaudoc (bến Châu Đốc). Gọi là bến vì con đường này kể từ ngã tư Quốc tế trở đi chạy dọc theo một đoạn kênh Cả Phượng đến cầu Hoàng Diệu, nối vào đường Cách Mạng. Từ chỗ này, kênh Cả Phượng thông ra rạch Bạc Liêu (sau này quen gọi là sông). Kênh Cả Phượng còn có một đoạn thẳng chạy dọc theo đường Trần Phú hiện nay. Sau ngày 30/4/1975, kênh Cả Phượng được lấp dần để mở rộng đường Hòa Bình và đường Trần Phú (trước ngày 30/4/1975, có tên là đại lộ Độc Lập).
    Kênh Cả Phượng dọc đường Hòa Bình lúc ấy khá rộng, ghe tam bản bán hàng bông, củi, than… lưu thông được; đồng thời, là nơi để ghe thuyền neo đậu. Đây cũng là con kênh được lấy làm ranh giới giữa nội ô và ngoại ô tỉnh lỵ Bạc Liêu lúc ấy (thời Pháp thuộc vẫn chưa được gọi là thị xã; tỉnh lỵ Bạc Liêu nằm trên địa bàn làng Vĩnh Hương, quận Vĩnh Lợi).
    Ngày 12/5/1955, Đại biểu chính phủ tại Nam Việt (chính phủ chế độ ngụy) ban hành Nghị định số 1323 đổi tên đường Quai de Chaudoc thành đường Hòa Bình cùng với sự thay đổi tên một số tuyến đường khác trong nội ô tỉnh lỵ Bạc Liêu.
    Thời Pháp thuộc, phía bên trái đường Hòa Bình nhìn từ ngã tư Quốc tế và phía bên phải đường Trần Phú nhìn ra Quốc lộ 1A rất hoang vắng, nhà cửa thưa thớt. Ở đây có một lò gạch, hiện ở ngã tư vẫn còn dấu tích một ngôi miếu gọi là miếu Lò Gạch. Khi dân cư đông dần lên, dân gian quen gọi là xóm Lò Gạch. Khu vực này gọi là hậu Hòa Bình do ở phía bên kia đường Hòa Bình (bên kia kênh Cả Phượng). Thí dụ, gửi thư thì đề địa chỉ số nhà, 156/7, khóm 6, hậu Hòa Bình; đây cũng là cách ghi địa chỉ khách hàng đối với ngành Điện lực và nhà máy cấp nước trước đây.
    Tại ngã tư Quốc tế, phía đối diện với miếu Lò Gạch, có miếu Tiên sư là một trong những cơ sở thờ tự cổ ở Bạc Liêu và khá nổi tiếng. Đặc biệt, nơi đây có bút tích chữ Hán địa danh Bạc Liêu trên biển đề - một cơ sở quan trọng để nghiên cứu về nguồn gốc địa danh Bạc Liêu.
    Hiện nay, dân cư ở khu vực này rất đông đúc. Ở một số ngã ba như ngã ba Hà Huy Tập, ngã ba Lê Văn Duyệt, nhưng thật ra là ngã tư vì đều có hẻm thông vào xóm…
    T.C
    Báo Bạc Liêu
    bboy_nonoyes thích bài này.
  2. Facebook comment - Đường Hòa Bình - Thành phố Bạc Liêu

Chia sẻ trang này