Một lần viếng nghĩa trang

Thảo luận trong 'Truyện ngắn' bắt đầu bởi phanthanhcuong, 17 Tháng 7 2012.

  1. (Lượt xem: 1,327)

    Một lần viếng nghĩa trang
    [IMG]

    Thanh minh năm nay, ba cho tôi về ngoại cúng ông bà. Mấy năm trước, do việc học hành bận rộn và đều không ngay ngày nghỉ nên tôi không về được. Dịp về thanh minh lần này, tôi được theo ngoại viếng nghĩa trang liệt sĩ - nơi ông cậu tôi đang yên nghỉ. Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Bạc Liêu nằm cạnh Quốc lộ 1A thuộc huyện Hòa Bình. Mỗi lần về ngoại, tôi đều đi ngang nghĩa trang này nhưng đến hôm nay tôi mới có dịp vào.
    Khoảng 18 giờ, ngoại kêu tôi chuẩn bị để đi. Tôi giật mình vì cứ nghĩ cúng thanh minh thì phải cúng vào ban ngày chứ ban đêm làm sao thấy đường cúng? Cậu Mười tôi như hiểu ý, cậu cười và bảo:
    - Đừng lo, vô đó đèn sáng như ban ngày.
    Thấy cậu nói vậy, tôi cũng nghĩ thầm chắc tại xưa nay tôi chưa đến viếng nghĩa trang ban đêm bao giờ nên không biết được cái không khí ở đó. Tôi theo ngoại và cậu Mười đi nhưng vẫn không giấu được những băn khoăn trong lòng.
    Cái nắng chiều không còn gay gắt mà nó trở nên dịu nhẹ kèm theo những cơn gió làm cho tâm trạng con người thật thoải mái. Còn vài trăm mét nữa mới tới nghĩa trang nhưng tôi đã cảm nhận được không khí như lời cậu tôi nói. Hai bên đường người từ khắp nơi đổ về. Còn dưới lòng đường nào là xe lớn, xe nhỏ nối đuôi rẽ vào nghĩa trang. Những người đến viếng nghĩa trang ai cũng muốn chậm rãi, giữ yên lặng cùng nhau vào tưởng nhớ những người thân mà đặc biệt những người thân này lại là những anh hùng liệt sĩ. Hình ảnh những ngọn nến lung linh, những bó nhang nghi ngút khói, những lời thì thầm lặng lẽ của những người còn sống dành cho những người đã hi sinh bằng tất cả lòng biết ơn.
    Gia đình tôi tìm đến mộ ông cậu tôi, ngôi mộ trắng nằm bên trái một góc của nghĩa trang khi bước vào cổng. Mộ ông cậu không có hình, chỉ có ngày sinh và ngày mất, vài dòng chữ ghi nhận sự hy sinh của người nằm xuống vì đất nước. Ngoại nói lúc ông cậu mất, nhà không có tấm hình nào, ở đơn vị của ông cậu cũng chẳng có vì vậy con cháu sau này chẳng ai biết mặt ông cậu, chỉ có thế hệ của ngoại mới biết, mà bây giờ cũng chẳng còn lại mấy người. Ngày ông cậu mất, ông chỉ mới 23 tuổi, cái tuổi đang độ trẻ trung và nhiều ước vọng nhất của cuộc đời. Ông cậu nói với ngoại:
    - Gần tiếp thu rồi, khi về, tôi sẽ lập gia đình chứ có vợ con bây giờ mà không sum họp được rồi không yên tâm làm nhiệm vụ là không được. Thế mà, chẳng bao giờ ông cậu có thể trở về để thực hiện lời nói của mình. Nhắc tới đó, mắt ngoại buồn thiu. Ngoại không khóc. Không còn giọt nước mắt nào rơi từ đôi mắt của người chị phải chịu nhiều mất mát khi nhìn đứa em ra đi, không còn giọt nước mắt nào của người vợ ngoài bốn mươi tuổi phải mất chồng và cũng chẳng còn giọt nước mắt nào dành cho người mẹ khi phải một mình nuôi mười một đứa con khôn lớn.
    Ngoại bảo tôi thắp nhang và đèn cầy cho ông cậu. Ngoại lấy khăn lau lau xung quanh mộ, tôi cũng làm theo. Còn cậu Mười thì châm điếu thuốc, lâu lâu lại lấy ấm trà rót vào ly cúng ông cậu. Ba người ở ba thế hệ khác nhau cùng im lặng trước người quá cố như đang đuổi theo những ý nghĩ của riêng mình. Ngoại như đang thì thầm kể chuyện, cậu Mười dường như đang cố gắng tìm lại những ký ức cùng có với người đang nằm dưới ngôi mộ trắng. Riêng tôi, tôi biết ơn ông cậu, biết ơn những người đã nằm xuống cho tôi có cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Ngày ngày, tôi chạy xe trên những con đường thẳng tắp và luôn tự hỏi để răn mình:
    - Để có được mảnh đất yên bình này ông cha ta phải đổi biết bao xương máu?! Tôi - một thanh niên, một chủ nhân tương lai của đất nước đã làm được gì cho những con người đã ngã xuống vì sự bình yên của quê hương?
    Một buổi viếng nghĩa trang đã đọng lại trong tôi nhiều ý nghĩ. Tôi sẽ nhớ mãi những ngôi mộ trắng này, nhớ mãi tuổi 23 của ông cậu tôi. Tôi nhớ ước mơ sau ngày Giải phóng miền Nam của ông cậu và đôi mắt buồn của ngoại. Những nén nhang, những ngọn đèn cầy với ánh sáng không đủ lớn nhưng đã giúp tôi soi rọi một phần tâm hồn mình để thấy đã có lúc tôi lãng quên những thứ quý giá và thiêng liêng. Và trong cuộc sống còn bộn bề những lo toan cũng có những lúc ta cần sống chậm lại để nhớ về:
    “Những cuộc đời nằm yên trong đất
    Cho bao cuộc đời mở mắt ngắm quê hương”
    Lương Ngọc Thơ
    bboy_nonoyes, Ku Chì and Dâu Tây like this.
  2. Facebook comment - Một lần viếng nghĩa trang

Chia sẻ trang này