THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA. Tác giả: Ngô Nguyên Phi. tt

Thảo luận trong 'Kỹ năng sống' bắt đầu bởi tuech, 10 Tháng 8 2012.

  1. (Lượt xem: 1,416)

    Truyện 8 8. NHÂN VÀ TRÍ

    Thầy trò Khổng Tử bỏ nước Lỗ lưu vong ra nước ngoài. Một hôm Khổng Tử gọi Tử Cống (một trong 72 học trò hiền của Khổng Tử) hỏi:
    - Theo con, thế nào là người nhân, thế nào là người trí?
    Tử Cống suy nghĩ một lát rồi đáp:
    - Thưa thầy, người nhân là người biết thương người; người trí là người hiểu người.
    Khổng Tử khen "hay". Rồi kêu Tăng Tử vào hỏi lại câu trên. Tăng Tử suy nghĩ một hồi rồi đáp:
    - Thưa thầy, người nhân là người biết thương mình; người trí là người tự biết mình.
    Khổng Tử chịu quá! Đoạn ông gọi Tử Lộ vào hỏi:
    - Theo con, thế nào làngười nhân, thế nào là người trí?
    Tử Lộ thưa:
    - Theo con, người nhân là người làm sao cho người khác thương được mình; còn người trí là người làm sao cho người khác hiểu được mình!...
    Khổng Tử rất đỗi ngạc nhiên, ngửa mặt khen rằng:
    - Bất ngờ thay!...
    LỜI BÀN:
    Cùng một cân hỏi nhưng ba câu trả lời hoàn toàn khác nhau, đây thật là điều thú vị và bất ngờ.
    Nhưng ta thường thấy việc đời không khác nào một dòng sông, có lúc từ trên cao đổ ào ào xuống vực sâu, có lúc trườn mình, len lách qua hẻm núi, có lúc thênh thang lặng tờ giữa bình nguyên... thiên hình vạn trạng. Nhưng mỗi dạng trạng đều phù hợp với mỗi hoàn cảnh. Bởi không bao giờ trời mưa lụt mà sông cạn, trời nắng hạn mà nước sông dâng. Núi dựng bạt ngàn dòng sông không thể không uốn mình lượn theo thế núi. Con người cũng thế. Có lúc ta vì người và người vì ta, có lúc ta vì ta, và người vì người, theo hoàn cảnh mà hành sự. Như thế mới không lỗi. Trong toán học cũng có những vấn đề như trong nhân sinh.
    Trước đây 2300 năm, nhà Toán học Hi Lạp, Eulide phát biểu: - "Từ một điểm ngoài đường thẳng, ta chỉ vẽ được một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đã cho"! Ai muốn học toán lên cao bắt buộc phải chấp nhận lời yêu cầu này. Vì đây là một điều hiển nhiên. Thế mà ở Anh, Remann lại phát biểu: - "Từ một điểm ngoài đường thẳng, ta không vẽ được một đường thẳng nào song song với đường thẳng cho trước"! Chưa hết! Sau đó nhà toán học Laubatchewsky lại phát biểu: - "Từ một điểm nằm ngoài đường thẳng, ta có thể vẽ được vô số đường thẳng song song với đường thẳng cho trước"! Thế có trái ngược không? Hai định đề sau đây phải là sai (vìsai đâu là định đề!), ở toán cao cấp người ta vẫn dùng nó. Tất nhiên muốn dùng nó phải tùy theo điều kiện. Người ta thường nói, "chân lý ở bên này Pyrréneés, sang bên kia trở thành nghịch lý". Đúng hay không đúng còn tùy theo hoàn cảnh. Qua câu hỏi nhân trí của Khổng Tử, Ngũ tử Tư ở nước Ngô (người cùng thời với Khổng Tử) nói:
    - Không thương mình làm sao thương được người ngoài?
    Không thương người làm sao người thương ta? Môn đồ của Khổng Tử chỉ "chẻ tư sợi tóc nhân nghĩa" (ý nói phiến diện) mà thôi! Nhân và Trí ít nhiều gì vốn đã có sẵn trong mỗi người, chỉ sử dụng có hợp lúc không thôi! Do đó bất kỳ việc gì, đúng hay sai, công hay tội chúng ta khó mà đem nhận xét chủ quan ra để phán xét được. Bởi việc hành xử của tha nhân còn tùy thuộc hoàn cảnh của họ lúc đó.
    --- Bài viết đã được gộp ngày: Aug 10, 2012 4:59 AM ---
    Truyện 9 9. NƠI CHUỒNG NGỰA

    Ngày xưa có một hàn sĩ đến kinh để ứng thí. Trong lúc đợi đến ngày thi chàng tạm ngụ tại một quán rộng rãi bề thế. Nhà quán thấy chàng túng thiếu tiền liền cho ra ngủ ngoài chuồng ngựa. Một hôm chàng đi thi về ghé lại chuồng ngựa bỗng thấy cháy bùng bùng phía trước, chàng hàn sĩ vừa kêu vừa cứu lửa, vừa chạy tìm đồ dập lửa. Lửa cháy gây thiệt hại cho quán khá nhiều. Chủ quán dẫn chàng lên cáo quan, nói:
    - Gã thư sinh này xin ngụ nhà tôi, hắn không có tiền bạc gì nên tôi không cho ngụ trong nhà, cũng không nỡ đuổi nó, chỉ cho nó ở tạm chuồng ngựa mà không tính tiền. Vì thế nó đâm ra oán
    hận đốt nhà tôi để trả thù!
    Án quan hỏi:
    - Việc gã thư sinh này đốt nhà mụ, có ai thấy, có ai làm chứng?
    Mụ quán nói:
    - Bẩm quan, trưa vắng ít khách vãng lai, nhưng chính mắt tôi thấy hắn đốt nhà xong, miệng thì hô "lửa cháy", chân thì chạy tìm chỗ trốn.
    Lúc ấy quan án nghĩ thầm: "Có lý nào mụ quán đặt điều để hại gã này? Vì mụ cho hắn ngủ ngoài chuồng ngựa, không tính tiền, vậy là người tốt rồi". Án quan tin lời mụ không cần nghe lời biện bạch của gã thư sinh. Án quan bắt chàng bỏ tù.Hai năm sau mãn án, chàng ghé lại kinh hỏi thăm thì biết tin mình đậu. Nhưng vì không có mặt mình lúc đó để điện thí, thì cầm bằng công cốc. Chàng buồn và hận. Hàn sĩ kia kiếm đâu được bộ áo nho sinh lịch sự, chàng ghé lại quán quầng ra sau chuồng ngựa bật lửa đốt nhà kho rồi chạy ra phía trước, vờ như thực khách mới bước vào quán. Chàng vừa gọi thức ăn vừa đưa mắt nhìn khói phía sau cuốn lên ngùn ngụt... rồi mới hô hoán lên: "Cháy nhà... Cháy nhà", rồi cũng chạy đi tìm gàu múc nước dội lửa. Mọi người xúm lại dập tắt ngọn lửa. Chủ quán dường như không nhớ mặt chàng.
    Hàn sĩ bỏ đi, còn càm ràm mấy tiếng:
    - Ôi cuộc đời! Kẻ có công thì bắt bỏ tù, còn người có tội được thưởng!...
    LỜI BÀN:
    Chàng thư sinh có vẻ như cay cú với cuộc đời. Xét ra mụ quán không có gì độc ác, vì nóng ruột mà thiển cận mới đổ oan cho chàng. Ngày xưa, bậc quân tử không mấy khi biện bạch nỗi oan khúc của mình. Hoặc có biện bạch mà người ta không nghe thì họ cũng không thèm oán hận. Xét cho kỹ, oán hận cũng không lợi gì.
    Nhà Phật nói: "Nỗi oan không nên biện bạch. Vì biện bạch thì không hỉ xả". Nhưng tác giả của bài "Nơi chuồng ngựa" có một ý khác. Ý tác giả muốn nói, người đời thường hay lầm lẫn, hay có
    những phán đoán chủ quan. Kẻ có công đáng ra phải được thưởng, người có tội phải bị trừng trị. Ở đây thì ngược lại. Để được công bình, xét công và tội của một người, kẻ có trách nhiệm xét việc không nên xét một cách võ đoán.
    --- Bài viết đã được gộp ngày: Aug 10, 2012 5:00 AM ---
    Truyện 10 10. BIỂN CÁ LỚN

    Tĩnh Quách Quân Điền Anh muốn xây lại thành Tiết cho thật uy nghi hùng tráng, đám thực khách của ông khuyên can, nhưng Điền Anh vẫn không nghe, còn hạ lệnh:
    - Ai can, ta sẽ chém!
    Có một ông khách đến nói:
    - Cho tôi gặp Tĩnh Quách Quân, tôi sẽ nói ba tiếng thôi, nếu dư tiếng nào thì buộc tôi đi!
    Tĩnh Quách Quân gọi vào. Khách nói:
    - Biển cá lớn!
    Rồi quay lưng chạy, Tĩnh Quách Quân gọi theo:
    - Mời khách ở lại! Mời khách ở lại!...
    Khách vừa chạy vừa nói:
    - Kẻ hèn này không dám đùa với cái chết!
    Điền Anh nói:
    - Không sao! Xin hãy nói tiếp!
    Khách nói:
    - Ngài không nghe nói loài cá lớn sao?
    Lưới không bủa được nó. Câu không kéo được nó. Nhưng nếu nó mắc cạn thì loài kiến tý tẹo kia cũng xâu xé nó được. Nước Tề với ngài giống như biển với cá lớn vậy. Ngài còn nước Tề thì ấp Tiết này có kể chi? Nhưng nếu nước Tề mất thì dù thành Tiết này có xây đụng trời cũng vô ích.
    Tĩnh Quách Quân Điền Anh tỉnh ngộ đáp:
    - Phải!
    Rồi bỏ ý định xây dựng thành Tiết.
    LỜI BÀN:
    Đây là đoạn văn nói về nghệ thuật thuyết phục. Ba tiếng "Biển cá lớn" chưa đủ ý nghĩa muốn nói, nhưng ông khách phải nói vậy để gây sự tò mò của người nghe. Đó là điều tiên quyết. Kế đến ông khách quay lưng chạy càng làm tăng thêm sự chú ý, đó là điều thứ nhì để "hấp dẫn" người nghe. Kết quả Điền Anh phải bỏ ý định xây thành Tiết. Trên phương diện lịch sử, ta biết, ấp Tiết là đất phong của vua Tề cho Tướng Quốc Điền Anh. Ta có thể hình dung đó là một quốc gia trong một quốc gia. Xây thành kiên cố để chống giặc cũng không đến nỗi phung phí; nhưng chỉ làm riêng cho một ấp Tiết thôi, thì đó là "vì nhà" chứ không phải "vì nước". Xây riêng cho ấp phong của mình mà hao tốn của người dân, thâm lạm công quỹ, không mang tính toàn diện và quốc phòng thì bất lợi đủ điều:
    Triều đình sẽ nghi kỵ ông, dân chúng sẽ khổ cực vì ông... Lời ông khách thuyết Điền Anh nhằm vào chỗ này. Sau khi Điền Anh mất, Điền Văn là con lên nối nghiệp được vua Tề phong là Mạnh Thường Quân, ấp Tiết vẫn là ấp phong như cũ.
    --- Bài viết đã được gộp ngày: Aug 10, 2012 5:00 AM ---
    [IMG]
    Truyện 11 11. THẾ NÀO LÀ ĂN TRỘM
    Nước Tề có họ Quốc là địch phú.Nước Tống có họ Hướng là bần cùng. Họ Hướng đến học cách
    làm giàu của họ Quốc. Họ Quốc nói:
    - Tôi giỏi về nghề trộm. Trộm năm đầu thì đủ ăn, đến năm
    hai thì giàu có, năm thứ ba thì đại phú. Nhờ của cải dư thừa tôi mới giúp được người nghèo khổ.
    Họ Hướng nghe vậy mừng lắm, bèn về làm nghề trộm cắp.
    Ngày nào họ Hướng cũng rình mò chực đục tường khoét vách, chẳng may bị người ta bắt được, bỏ tù và gia sản bị tịch biên. Họ Hướng rất đau khổ. Ra tù, ông đến nhà họ Quốc trách hận. Họ Quốc hỏi:
    - Ông ăn trộm thế nào nói tôi nghe?
    Họ Hướng thuật lại việc làm của mình. Họ Quốc nghe xong giảng cho ông nghe: Trời có bốn mùa, đất có vật sản. Nhờ đó mà ruộng vườn màu mỡ tốt tươi, tôi thu hoạch nó, chất thành kho
    đụn. Lại nữa, ở trên bộ tôi ăn trộm cầm thú, ở dưới nước tôi ăn trộm cá tôm đều là sản vật của Trời Đất, chứ đâu phải của riêng ai? Ăn trộm của Trời Đất không bị tai vạ. Còn ông ăn trộm tài sản của tư nhân tất nhiên phải mắc tội, còn trách ai được?
    Họ Hướng nghe rồi lòng vẫn nghi hoặc, bèm tìm tới một vị tiên sinh để thỉnh giáo. Tiên sinh giảng giải như lời họ Quốc.
    LỜI BÀN:
    Đoạn văn trên của nhà tư tưởng Liệt Ngự Khấu, dùng lời ẩn dụ để nói rằng cuộc sống thường nhật của mỗi người là phải chăm lao động. Mọi sản vật do con người tạo ra, gốc gác của nó vẫn có sẵn trong thiên nhiên, có điều người ta có chịu làm việc hay không mà thôi. Ta để ý, cây cối đứng một chỗ mà vẫn sống được là vì trong đất có chất bổ dưỡng cho cây cối, nhưng rể cây phải "chịu" làm việc hút chất bổ vào. Hoa lá có đủ màu xanh, hồng, tím, bạch là do trong không khí có chất bổ dưỡng, hoa lá có tiếp nhận những chất đó hay không. Trong nước sông, nước biển, nước ao hồ... Có vô vàn loài thủy tộc thì nước có chất bổ dưỡng. Mọi loài cùng tranh sống đều phải làm việc. Họ Quốc nói việc "ăn trộm" là nói theo nghĩa bóng, Hướng hiểu theo nghĩa đen. Đọc lịch sử thời Xuân Thu ta thấy, họ Quốc là quan thượng khanh của Tề, giàu có khác gì một tiểu vương lại chăm lo làm việc và có lòng từ thiện. Ở Tống có họ Hướng (điển hình như Hướng Thú) cũng là một đại phu chuyên về mặt quốc chính, suốt đời ông chuyên nghiên cứu về thuật an dân. Hướng Thú không để ý đến gia cảnh của mình, suốt đời hết Tấn lại sang Sở, gia cảnh cơ cực. Ở đây tác giả nói về ngụ ngôn. Rất tiếc họ Hướng không hỏi rõ cách ăn trộm thế nào trước khi hành động. Ngày nay, phương tiện, đất đai... Còn dồi dào mà vẫn có người không chịu làm việc, chỉ mong "một đêm ăn trộm bằng ba năm làm", có đáng buồn không.
    --- Bài viết đã được gộp ngày: Aug 10, 2012 5:01 AM ---
    Truyện 12 12. MẠO BIỆN CỨU TRI KỶ

    Mạo Biện nước Tề là thực khách của Tĩnh Quách Quân Điền Anh, Biện có nhiều tật xấu nhưng lại được Tĩnh Quách Quân yêu vì. Thực khách trong nhà ai nấy không vui liền xúm lại can, kể cả
    Mạnh Thường Quân Điền Văn (con của Điền Anh). Tĩnh Quách Quân nổi giận nói:
    - Các ngươi chết đi đừng phá nhà ta! Dẫu sau này ta có vì
    Mạo Biện làm hư hại ta vẫn cứ làm! Rồi cho Mạo Biện ở phòng nhất, bắt con trưởng mình phải
    hầu hạ, cơm nước mỗi ngày ba lần. Vài năm sau, Tề Uy Vương mất, Tề Tuyên Vương thay. Tuyên Vương rất ghét Tĩnh Quách Quân. Không bao lâu Tĩnh Quách Quân bị bãi chức Tể tướng, trở về ấp Tiết ở với Mạo Biện. Sau đó Mạo Biện xin gặp Tề Tuyên Vương. Tĩnh Quách Quân nói:
    - Tuyên Vương ghét Điền Anh mỗ. Tiên sinh đến đó ắt chết!
    Mạo Biện cười buồn:
    - Mạo Biện này vốn không muốn sống. Cứ để tôi đi. Mạo Biện tới gặp vua Tề, Tề Tuyên Vương giận, có ý muốn giết ông ta, hỏi:
    - Ta nghe, ngươi được Tĩnh Quách Quân yêu quý, nói gì cũng nghe phải không?
    Mạo Biện đáp:
    - Yêu quý thì có, còn nghe thì không.
    Vua gằn:
    - Có gì làm bằng chứng?
    Mạo Biện nói:
    - Có đó! Hồi Đại vương còn là Thái tử, Biện tôi có bảo với Tĩnh Quách Quân: "Thái tử có tướng bất nhân, má phị mắt híp giống như đầu heo luộc, hãy phế đi, để lập công tử Giao Sư (con bà Vệ Cơ)".
    Tĩnh Quách Quân khóc, nói:
    - "Tôi không nhẫn tâm làm việc đó được!". Đại vương nghĩ xem, nếu Tĩnh Quách Quân nghe lời tôi thì đâu có ngày hôm nay? Còn một chuyện nữa, Tể tướng Chiêu Dương của Sở muốn đem ấp phong của mình rộng gấp mấy lần ấp Tiết để đổi lấy ấp Tiết, tôi xúi nên đổi, Tĩnh Quách Quân
    than:
    - "Ấp Tiết là của tiên vương phong cho. Bây giờ tuy bị chúa công ghét bỏ, nhưng nếu đem đổi đi, thì khi xuống suối vàng, biết trả lời sao với tiên vương đây? ".
    Đó là bằng chứng. Tề Tuyên Vương nghe vậy cảm động nói:
    - Tĩnh Quách Quân đối với quả nhân tốt như vậy ư? Quả nhân còn trẻ không hiểu được việc đời. Tiên sinh có thể vì quả nhân mà vời Tĩnh Quách Quân về triều được không?
    Mạo Biện đáp:
    - Xin tuân mệnh!
    Tĩnh Quách Quân mặc áo, đội mão mang kiếm báu, tất cả đều của tiên vương ban cho, về triều gặp Tuyên Vương. Tuyên Vương xin lỗi rồi mời ông làm Tướng Quốc. Ông từ chối mãi không
    được bèn nhận lời.Người ta khen Mạo Biện địa vị tuy thấp hèn nhưng vẫn vui vẻ, sẵn sàng cứu được ân nhân tri kỷ trong lúc hoạn nạn.
    LỜI BÀN:
    Mạo Biện có nhiều tật xấu nhưng không rõ là tật gì. Có điều, người dị tật nhiều khi hay có dị tài. Bọn thực khách dèm pha Mạo Biện với Điền Anh có lẽ vì nhãn quan của họ không thấy được cái
    hay của Mạo Biện. Bao nhiêu khách đều ghét Mạo Biện, chỉ riêng Điền Anh nhận Mạo Biện làm tri kỷ, thì Điền Anh vẫn có chỗ hơn người. Chỉ có anh hùng mới biết được anh hùng. Điền Anh bị thất sủng. Bao nhiêu thực khách không ai hiến kế gì để giúp Điền Anh. Chỉ có MaÊo Biện cả gan gặp Tuyên Vương. Chúng ta ngạc nhiên khi vua hỏi: "Ta nghe, ngươi được Tĩnh Quách Quân yêu quý nói gì cũng nghe phải không? ". Câu hỏi là "trúng ý" Mạo Biện rồi. Mạo Biện liền dẫn những điều Điền Anh không nghe mình. Một câu mà Mạo Biện nói gần như chửi Tuyên Vương: "Thái Tử có tướng bất nhân, má phị mắt híp giống như đầu heo luộc". Trong trường hợp này, Mạo Biện càng quá lời càng tốt cho Điền Anh. Giả như Tuyên Vương không hỏi câu đó, mà hỏi một câu nào khác bất kỳ, ví dụ câu: "Tên Mạo Biện kia, ngươi đến đây xin xỏ cho Điền Anh à? "hoặc: "Cút ngay! Ta sẽ cắt lưỡi quân thuyết khách"... thì Mạo Biện có thuyết phục được không? Việc ấy không xảy ra, nhưng ta dám quả quyết rằng "được"! Là vì, những người ăn nói giỏi thì bất kỳ câu nào họ cũng có tài để trả lời. Vả lại, theo sử, Tề Tuyên Vương là một ông vua có nhiều đức tính lạ. Rất thích vui thú, lại cũng thích bàn luận về văn học, triết học. Tề Mạo Biện là tay gan dạ, mưu trí đã không phụ lòng Điền Anh. Điều này cho ta một bài học kinh nghiệm, không nên đánhgiá ai một cách vội vàng, đã kết bạn với ai thì phải đem hết lòng thành ra mà đối xử với họ. Trong đời chỉ cần một việc làm cao cả và đúng chỗ cũng đủ bù vào trăm ngàn lần mình đã nhờ đỡ họ...
    --- Bài viết đã được gộp ngày: Aug 10, 2012 5:01 AM ---
    Truyện 13 13. TÍN LĂNG QUÂN KẾT BẠN

    Tín Lăng Quân là công tử Ngụy Vô Kỵ (người hoàng tộc), vốn là người có tâm hồn cao khiết, nhân hậu, tính thích chiêu hiền đãi sĩ, không phân biệt giàu nghèo, thường lấy lễ để giao tiếp với
    kẻ sĩ. Nước Ngụy có kẻ ẩn sĩ tên là Hầu Doanh, tuổi đã 70, nhà nghèo, làm nghề giữ cửa thành Di Môn ở Đại Lương. Ngụy công tử nghe tiếng, tìm đến kính cẩn kết giao. Lòng công tử chí thành khiến Hầu Doanh không thể từ chối. Hầu Doanh giới thiệu với công tử một người mổ heo ở chợ tên là Chu Hợi. Ngụy công tử vẫn thành tâm lui tới thăm viếng Chu Hợi, Hợi chưa từng đáp lễ, công tử không hề có ý phiền. Ngày kia, nhà công tử có đặt tiệc mời các tân khách. Công tử tự mình đánh xe mời Hầu Doanh, rồi vào chợ đón Chu Hợi. Giữa tiệc đông đảo mọi người cao quý, hoàng thân quốc thích, Tể tướng, đại phu, tướng quân, phu nhân, kiều nữ vọng tộc... Công tử vẫn
    xem Hầu Doanh và Chu Hợi là thượng khách. Nhiều người thấy vậy chửi thầm Hầu Doanh và Chu Hợi.Bấy giờ nước Tần sai Đại tướng Vương Hạt đem quân vây kín Hàm Đan của Triệu đánh phá suốt ngày đêm. Tướng quốc của Triệu là Bình Nguyên Quân Triệu Thắng cứ lăm le đầu hàng.
    Trước nay Triệu Thắng vốn kết thân với Tín Lăng Quân (Ngụy Vô Kỵ), lại quen biết với vua Ngụy là An Ly Vương. Triệu Thắng sai sứ giả sang Ngụy vương mượn quân. Vua Ngụy sai tướng Tấn Bỉ đem 10 vạn quân sang cứu Triệu. Vua Tần biết vậy hăm:
    - Nước nào cứu Triệu ta diệt nước đó.
    Ngụy Vương nghe vậy cả sợ, liền ra lệnh cho Tấn Bỉ án binh bất động ở Nghiệp Hạ. Còn Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ vốn có mối giao tình thâm đậm với Bình Nguyên Quân, nên ông cố vào triều cố thuyết phục vua Ngụy tiến quân. Vua Ngụy quyết khước từ. Tín Lăng Quân đau đớn không biết làm cách nào để giúp bạnmình, liền nói với đám thực khách:
    - Các vị có vì ta mà hy sinh cứu Triệu không?
    Cả ngàn tân khách đều hưởng ứng lời hiệu triệu đó.
    Tín Lăng Quân dẫn đám thực khách đi ngang qua Di Môn, ghé lại thăm Hầu Doanh, Hầu Doanh nói:
    - Chúc công tử cố gắng. Doanh này già rồi không theo công tử được.
    Thấy Hầu Doanh không nói gì thêm, Tín Lăng Quân từ giã ra đi lòng buồn vẩn vơ. Đi được mấy dặm, Tín Lăng Quân chợt nghĩ điều gì đó, bèn quay lại, thấy Hầu Doanh đứng trước cửa đón mình. Hầu Doanh mỉm cười nói:
    - Tôi đoán công tử thế nào cũng trở lại.
    Vô Kỵ (Tín Lăng Quân) hỏi:
    - Sao biết?
    Hầu Doanh nói:
    - Công tử đãi Doanh này rất hậu. Giờ này công tử vào nơi nguy hiểm mà Doanh này không có một ý kiến gì, tất công tử sẽ giận, nên trở lại hỏi cho ra lẽ? !
    Vô Kỵ nói:
    - Tôi ngờ rằng đãi tiên sinh có điều gì sơ sót nên tiên sinh mới giận mà ghét bỏ, vì thế tôi quay lại hỏi cho biết.
    Hầu Doanh nói:
    - Công tử nuôi ba ngàn thực khách đã vài chục năm rồi thế mà không có vị nào nghĩ ra diệu kế. Công tử và đám thực khách liều mạng xông vào trại Tần có khác nào ném thịt cho hổ đói? Có phải trước đây công tử có ơn với Vương Phi Như Cơ không?
    Tín Lăng Quân chợt nhớ ra... Liền quay về thành Ngụy gặp Vương Phi Như Cơ, nhờ Vương Phi lấy cắp binh phù đưa cho mình rồi tức tốc trở lại gặp Hầu Sinh (tức Hầu Doanh), Hầu Sinh nói:
    - Tướng ngoài mặt trận có thể không tuân theo mệnh vua.
    Công tử phải mời Chu Hợi mới được.
    Tín Lăng Quân cùng Hầu Doanh đến gặp Chu Hợi. Hợi nói:
    - Tôi là đứa mổ heo ở chợ, thân phận hèn hạ, bấy lâu đội ơn công tử hạ cố. Sở dĩ Hợi tôi không nói lời ơn nghĩa vụn vặt là đợi đến lúc này đây.
    Hầu Doanh nói:
    - Binh hung chiến nguy! Doanh này đã già không đi cùngcông tử được. Khi công tử tới trận, ở đây Doanh này xin lấy cái chết để tạ ơn công tử.
    Ba người bái biệt nhau. Tín Lăng Quân đến Nghiệp Hạ cùng với Chu Hợi vào yết kiến lão tướng Tấn Bỉ. Tín Lăng Quân nói:
    - Đại vương thấy tướng quân mấy mươi năm dầm sương dãi
    gió cực khổ về binh nghiệp, nay sai Vô Kỵ đến cầm quân thay cho lão tướng.
    Nói rồi đưa binh phù ra, hai bên so, ăn khớp nhau. Nhưng Tấn Bỉ nói:
    - Làm tướng ngoài mặt trận có lúc vì tình thế mà không tuân theo mệnh vua, tuy rằng công tử có binh phù này nhưng hãy chờ ít hôm, tôi làm sổ sách và cho người về hỏi lại nhà vua lần nữa.
    Tín Lăng Quân nói:
    - Cứu binh như cứu lửa. Thành Hàm Đan đang khắc khoải tứng giây phút lẽ nào phải chờ tin đi tin lại?
    Chu Hợi hét:
    - Nguyên soái không tuân theo mệnh vua, ý muốn làm phản chăng?
    Nói rồi lấy dùi sắt đập đầu Tấn Bỉ chết ngay.
    Tín Lăng Quân cùng Chu Hợi đoạt lấy binh quyền, đánh vào trại Tần. Tướng Tần là Vương Hạt đại bại, kéo tàn quân chạy về Hàm Cốc quan đóng kín cửa ải. Công tử Ngụy Vô Kỵ cứu được nước Triệu, danh tiếng lẫy lừng.
    LỜI BÀN:
    Vào cuối thời chiến quốc nhiều ông hoàng thân hay những quan lại cao cấp nhưng trẻ trung, thường hay mở cửa để đón tân khách như: ở Tề có Mạnh Thường Quân Điền Văn, ở Triệu có Bình Nguyên Quân Triệu Thắng, ở Sở có Xuân Thân Quân Hoàng Yết. Đó là chưa kể những tên vô lại, con buôn như Lao Ái, Lã Bất Vi ở Tần. Thực khách của họ có đến ba ngàn! Đám thực khách ấy bu bám vào các ông hoàng thân ăn ở đến mười mấy năm. Công tử Ngụy Vô Kỵ (Tín Lăng Quân) là trang công tử tuyệt vời.
    Thực khách của ông ta hầu hết là những người có dũng khí. Cứ xem việc ngàn khách đó xung phong cùng Tín Lăng Quân đi đánh bạo Tần, đủ hiểu. Sở dĩ được như vậy là nhờ Tín Lăng Quân
    đối xử với họ hết lòng. Điển hình như Hầu Doanh, Chu Hợi. Hầu Doanh là ông già giữ cổng thành Di Môn, Chu Hợi là anh chàng mổ heo ở chợ. Họ sống như những kẻ vô danh. Địa vị của họ thấp hèn, nhưng khí tiết và phẩm chất của họ chưa hẳn đã thấp.Vua Ngụy hứa giúp quân cho Triệu, nhưng vì sợ Tần mà không dám tấn binh. Ngụy Vô Kỵ thuyết phục thế nào cũng không xong. Đám môn khách của công tử không ai có mưu kế gì. Cuối cùng, công tử và đám môn khách đành phải đi liều mạng với Tần. Thử hỏi ba ngàn khách so với 15 vạn quân Tần khác nào ném thịt vào miệng thú dữ? Bấy giờ Hầu Doanh mới bày diệu kế. Nguyên nàng Như Cơ (vợ vua Ngụy) trước đây có một mối thù với kẻ giết cha mình. Mối thù ấy cho đến vua Ngụy cũng trả không được. Thế mà Ngụy Vô Kỵ giúp nàng trả thù được. Việc ấy ít người biết. Dẫu biết chưa chắc ai nghĩ ra được diệu pháp sau đó. Hầu Doanh đã bày cho Vô Kỵ vào thành nhờ Như Cơ trộm binh phù để sai khiến tướng Tấn Bỉ. Ông còn cho biết thêm, có thể Tấn Bỉ không giao binh quyền. Vậy thì làm cách nào? Chu Hợi là người mổ heo ở chợ, có sức khỏe tốt lại gan dạ. Sử nói: "Tín Lăng Quân hạ mình kết thân với Chu Hợi, từng giúp đỡ cho Chu Hợi, nhưng Hợi chưa bao
    giờ nói được một tiếng cám ơn, Tín Lăng Quân không để tâm đến việc đó". Giờ này Chu Hợi vì nghĩa mà đi làm việc lớn. Chu Hợi giết Tấn Bỉ để đoạt binh quyền. Tín Lăng Quân kéo 10 vạn binh Ngụy đi đánh giặc Tần. giải vây cho Hàm Đan! Tại sao Hầu Doanh nói: "Khi công tử tới trận, ở đây Doanh này lấy cái chết để tạ ơn công tử"? Câu nói đó có hai nghĩa. Theo ngày xưa, người ta kết thân với nhau, có việc gì trọng đại mà họ không giúp được, thì người không giúp được phải tự sát để linh hồn yểm trợ người kia. Còn một nghĩa nữa: Hầu Doanh đã bày cho Ngụy Vô Kỵ một việc phạm pháp có tội với triều đình. Tội ấy xử tử cả họ cũng không đủ. Nên Hầu Doanh phải tự sát. Cái chết đó còn chết thay cho Vô Kỵ nữa. Tín Lăng Quân quả thật tuyệt vời mới có những người bạn như vậy.
    --- Bài viết đã được gộp ngày: Aug 10, 2012 5:01 AM ---
    Truyện 14 14. ĐẸP VÀ XẤU

    Một hôm thầy Dương Chu đi qua nước Tống trú tạm ở một khách điếm. Ông chủ điếm có hai bà vợ. Một bà rất đẹp và một bà rất xấu. Thế nhưng bà xấu được chồng yêu quý hơn. Dương Chu
    hỏi duyên cớ, ông chủ đáp:
    - Người đẹp tự cho mình đẹp, tôi chẳng thấy đẹp chỗ nào.
    Còn người xấu tự cho mình là xấu, tôi chẳng thấy xấu chút nào.
    Dương Chu quay lại nói với đệ tử:
    - Các con thấy đó, mình làm được việc tốt, chớ nên khoe mình là tốt, thì đến nơi nào lại không được người ta yêu quý?
    LỜI BÀN:
    Thường tâm lý người thích khoe những gì mình đắc ý hơn người: Khoe giàu, khoe giỏi, khoe đẹp... đó là nguyên cớ để gây bất mãn cho những người xung quanh. Những cái đắc thế, đắc vị đó
    cũng giống như nhụy hoa, đến lúc khai hương mới toát, nhụy mới lộ ra, và người ta mới chú ý đến. Hoa không thể cưỡng khai được. Cũng như cái tài, cái đẹp cái giàu tự mình phơi bày ra tất phải có tác dụng ngược. Tục ngữ có câu: "Cái nết đánh chết cái đẹp". Đơn giản như thế nhưng không phải ai cũng áp dụng được nó.
    ngaodu thích bài này.
  2. Facebook comment - THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA. Tác giả: Ngô Nguyên Phi. tt

Chia sẻ trang này