Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại

Thảo luận trong 'Bạc Liêu - Đất và người' bắt đầu bởi Ku Chì, 30 Tháng 6 2012.

  1. Không có chiếc phao nắm níu trong tình hình vô cùng bất lợi cho giai cấp địa chủ nên Công tử Bạc Liêu rất lo sợ, sợ quyền lợi của gia đình họ Trần không khéo sẽ mất sạch, sợ bọn tá điền và Việt Minh không để cho ông ta yên. Thế nên Trần Trinh Huy dò xét tình hình rất kỹ, khi động thì vọt lên Sài Gòn, khi yên thì về Bạc Liêu. Và Công tử Bạc Liêu nghĩ ra một kế hoạch xoa dịu: Trong lúc tá điền vô cùng khó khăn, đói khổ, Trần Trinh Huy đã vào điền Bàu Sàng thí gạo cho mỗi một tá điền từ 1 – 2 giạ. Ông Cao Tấn Định, sinh năm 1906, hiện còn sống ngụ tại xã Long Thạnh, kể:
    “Sau khi ông Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã Vĩnh Hưng ra bàn với cậu Ba rằng, Việt Minh cần một số tiền để cứu đói dân nghèo…, lập tức cậu Ba sốt sắng viết thư cho tôi (lúc đó tôi làm tằng khạo), ra lệnh bán 13 ngàn giạ lúa tại lẫm xã Trang, một phần, đem về nhà lớn, một phần, để lại giao cho Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã để ủng hộ Việt Minh”.
    Trần Trinh Huy còn làm một việc đáng chú ý nữa. Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Minh Hải ghi: “Khi Nhật chiếm đóng, rồi Pháp quay trở lại, bọn này đã dùng thủ đoạn cực kỳ thâm độc là kích động sự thù hằn dân tộc, nhằm mục đích chia rẽ sự đoàn kết giữa người Việt và đồng bào Khmer Nam bộ, khiến một số phần tử cực đoan đã nổi lên gây ra sự chém giết người Việt ở Trà Nho, Lai Hòa …”.
    Chính trong thời gian này, theo lời ông Trần Văn Hòa, nguyên là tằng khạo của Trần gia bấy giờ kể: “Ba Huy sai rể mình là Một Hiệu làm việc cho Pháp, dẫn lính xuống trấn nhậm tại Vĩnh Châu. Mặt khác, Ba Huy đã đấu tranh với chính quyền Pháp, vạch rõ hành vi của một số phần tử dựa vào Pháp để chém giết người vô tội. Trước sự đấu tranh đó, buộc Pháp phải xử lý tên cầm đầu nổi loạn. Từ đó trật tự được vãn hồi…”.
    (Baobaclieu)
    lật đật and tuech like this.
  2. Đầu năm 1946, giặc Pháp quay trở lại Bạc Liêu. Ngày 4/1, chúng tiến từ Sóc Trăng xuống bằng đường bộ. Ngày 27/1, chúng theo đường thủy từ Cổ Cò vào Bạc Liêu đến cầu Cả Phượng thì bị quân ta chặn đánh, nhưng do quân ta vũ khí thô sơ, lực lượng mỏng nên Pháp chiếm được thị xã Bạc Liêu. Từ đó giai cấp địa chủ Bạc Liêu lại hy vọng. Một số người ngóc đầu dậy bằng việc thu tô nợ của tá điền mà trước đây đã được Việt Minh giải phóng. Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng có những hành động tương tự. Đầu tiên, người của Trần gia vào sở điền Bàu Sàng lục xét, thu gom tất cả những gì mà tá điền lấy từ nhà lầu hồi năm 1945, kể cả việc tấm nệm mà tá điền xé ra may quần áo cho con mặc. Rồi đòi tá điền trả lúa nợ, lúa vay.
    Việc này có phải chủ trương của Công tử Bạc Liêu hay không, chúng ta hãy nghe ông Hai Hùng, 87 tuổi, trước là tằng khạo thân tín của Ba Huy, nay còn sống ngụ tại phường 7, thị xã Bạc Liêu kể:
    Nhiều lần đi vô các sở điền hoặc đi đờn ca tài tử, cậu Ba Huy hay kêu tôi theo như một kẻ tâm phúc. Dạo đó, vào cuối năm 1946, cậu Ba tự lái xe xuống đậu ở đầu cầu Sập rồi kêu người nhắn tôi ra. Lúc này, cậu Ba đã 46 tuổi nhưng trông còn trẻ lắm. Và mặc dù lúa ruộng, lúa vay chẳng còn thu được bao nhiêu nhưng phong độ cậu Ba không xuống dốc chút nào. Vẫn quần Tây, áo sơ mi sang trọng, đầu đội nón nỉ, chân đi giày bóng lộn. Tôi ra gặp rồi dẫn cậu Ba về nhà. Tôi qua nhà ông già bắt con cá lóc khoảng một ký rưỡi đem đi bó lá chuối nướng rơm, rồi phi mỡ hành lên để đãi cậu Ba. Cậu Ba ăn thoải mái ngon lành, thỉnh thoảng lại nới dây nịt ra vì bụng ngày càng căng. Cậu Ba ăn hết cả con cá lóc rồi nói:
    - Mầy nấu đồ ăn ngon hơn cao lầu ở Chợ Lớn.
    Ăn xong bữa, cậu Ba buồn buồn nói với tôi:
    - Bữa nay cậu Ba kêu thằng Hai mầy lại để nói chuyện. Tá điền bây giờ nó dựa vào Việt Minh nên giựt lúa ruộng, lúa vay của cậu Ba gần hết. Mầy là kẻ tâm phúc của nhà lớn nên cậu Ba tính giao cho mầy làm tằng khạo ở điền Cá Rô. Nếu mầy thu được cậu Ba cho tiền…
    Nghe xong, tôi “thần hồn nát thần tính” rồi lắp bắp:
    - Con lạy cậu Ba, con của con đông quá, lỡ có bề gì tụi nó khổ lắm. Tá điền bây giờ nó giết tằng khạo như cơm bữa. Mong cậu Ba thương con.
    Cậu Ba vốn là người dễ tính, nghe tôi từ chối cũng không nói gì rồi ra xe về nhà lớn.
    Câu chuyện của ông Hai Hùng cho ta thấy Trần Trinh Huy cũng quyết tâm phục hồi địa vị của mình. Và câu chuyện sau đây càng chứng minh cái quyết tâm ấy. Trần Trinh Huy đã mướn hai trung đội lính mã tà đi trước, người nhà của Ba Huy đi sau, đi đến đâu thì thu lúa ruộng, lúa vay đến đó.
    Trước những hành vi của Công tử Bạc Liêu và trước việc Pháp quay lại, sợ một số đại điền chủ “vô dân Tây” hợp tác lại với giặc Pháp, chính quyền địa phương đã bắt Trần Trinh Huy và một số địa chủ giam hai tháng, để giáo dục không được hợp tác với Pháp. Sau khi được thả ra, Công tử Bạc Liêu dong tuốt lên Sài Gòn, chỉ để lại một số quản điền trông coi cơ ngơi.
    (Baobaclieu)
    tuech and lật đật like this.
  3. Từ năm 1946, Việt Minh đã chủ trương chuyển trọng tâm của thời kỳ cách mạng sang “đoàn kết toàn dân đánh đổ ngoại xâm giành độc lập dân tộc”. Năm 1947 – 1948, ông Trần Văn Sớm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Cuộc gặp gỡ này ông đã kể lại với nhà văn Trầm Hương và được nhà văn viết trong Tuần san Sài Gòn Giải phóng như sau:
    “Đó là vào cuối năm 1947, tôi quyết định gặp Công tử Bạc Liêu để nói rõ chính sách của Mặt trận Việt Minh và yêu cầu ông ta hợp tác với cách mạng. Nhưng làm thế nào “mời” được Ba Huy quả là một việc khó, vì Huy đang sợ gặp ta, sau trận “mò tôm” hụt. Tôi chợt nhớ đến Phan Kim Cân, Ủy viên Tài chánh tỉnh, chồng cô Sáu Đông – em ruột của Ba Huy. Trước, Trần gia không chấp nhận Cân, nhưng sau khi ta cướp chính quyền thì vị thế của Cân đã thay đổi. Vì thế, tôi quyết định nhờ Cân viết thư nói rõ ý đồ của cách mạng để “mời” Trần Trinh Huy. Dựa vào mối thân tình trong gia đình này, có lẽ, Ba Huy sẽ cảm thấy không quá căng thẳng. Sau đó, tôi cử liên lạc mang thư trao tận tay Ba Huy.
    Một tuần sau, Phan Kim Cân gặp tôi báo tin: Ba Huy nhận lời gặp mặt Việt Minh ở đồn điền Kinh Xáng – Vĩnh Hưng. Cân còn báo lộ trình của Huy một cách cụ thể.
    Hôm đó, tôi và Phan Kim Cân tiếp Công tử Bạc Liêu trong nhà một nông dân vốn là tá điền của Ba Huy. Công tử Bạc Liêu có vẻ khiêm tốn khác thường trong bộ đồ bà ba bằng vải “tăng đầm”. Phan Kim Cân đứng tên làm công việc giới thiệu:
    - Đây là đồng chí Trần Văn Phong (bí danh của tôi lúc đó), Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Sau đó, Cân quay sang Ba Huy giới thiệu:
    - Đây là cậu Ba Huy – Công tử Bạc Liêu.
    Công tử Bạc Liêu cúi chào tôi một cách rất lịch sự, tỏ ra là người có học:
    - Rất hân hạnh được biết ngài Bí thư.
    Tôi cũng mỉm cười đáp lễ:
    - Tôi cũng rất hân hạnh được tiếp Công tử.
    Sau đó, Ba Huy hỏi thẳng:
    - Thưa ngài Bí thư Tỉnh ủy, xin vui lòng giải thích cho tôi rõ: Dượng Sáu (Phan Kim Cân) mời tôi vô đây hay Công an ra lệnh bắt tôi ?
    Phan Kim Cân ôn tồn giải thích:
    - Trong thư mời có nói rõ: Mặt trận Việt Minh mời anh. Đây, bằng chứng là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đại diện Mặt trận Việt Minh đã cho người bảo vệ anh, rất thiện ý tiếp chuyện với anh.
    Tôi liền đi thẳng vào mục đích cuộc gặp:
    - Chúng tôi mời cậu Ba vào đây vì việc gì, đọc thư, trước khi đi có lẽ cậu Ba rõ. Chung quy chỉ là vấn đề giảm tô của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi khẳng định một lần nữa, chỉ có vấn đề ấy mà thôi. Tôi xin báo với cậu, việc cậu mướn hai trung đội lính giúp gia đình cậu đi thu tô là một việc không nên làm chút nào.
    Và tôi đã chứng minh vụ Mười Chức ở Nọc Nạng – Giá Rai cho Công tử Bạc Liêu thấy. Trong vụ này chính quyền thực dân đã phải xử: Lỗi này do nhà cầm quyền. Huống hồ, giờ đây Cách mạng tháng Tám đã thành công, ta đã có nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với chính sách giảm tô rõ ràng. Cậu Ba là một con người nổi tiếng phóng khoáng, phong lưu, học cao hiểu rộng, tại sao lại đi làm cái việc mướn lính ngụy đi thu tô? Cậu Ba biết bà con nói cậu Ba như thế nào không ?
    - Người ta gọi tôi là Việt gian chớ gì?
    - Phải! Mà Việt gian cũng có nghĩa là phản quốc. Tôi biết cậu Ba chẳng bao giờ muốn là người phản quốc. Vậy, cậu Ba nên chấp hành chánh sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong 12 điều của Mặt trận Việt Minh có nói rõ rằng: Điền chủ giảm tô 25% cho tá điền.
    Tôi nói thêm: Gia đình cậu Ba từng đi phát chẩn cho người nghèo. Trong hoàn cảnh đất nước đang tập trung chống xâm lăng, tôi nghĩ, việc giảm tô cho tá điền 25% là việc hợp lòng dân.
    Sau đó, Ba Huy chuyển sang thái độ chân tình mềm mỏng, nói rằng: Hầu hết tá điền đã dựa vào các ngài nên không trả lúa nợ, lúa vay cho tôi, buộc lòng tôi phải dùng đến “hạ sách” thuê lính thu tô. Nếu được như ngài Bí thư Tỉnh ủy nói, tá điền chịu cam kết trả nợ cho tôi thì chẳng những tôi chịu giảm 25%, mà 50% cũng được. Những gia đình tá điền nào gặp hoàn cảnh quá khó khăn, tôi sẽ giảm 80%, thậm chí 100%. Trong việc giảm tô, tôi rất thiện chí.
    Tôi liền cho tập hợp tá điền đến rất đông. Công tử Bạc Liêu đã trần tình với bà con rằng, sở dĩ ông ta thực hiện hành vi mướn lính là có rất nhiều bà con không nộp tô cho ông ta, nay có Bí thư Tỉnh ủy, được lời như cởi tấm lòng, nếu bà con chịu nộp tô thì sẽ cam kết giảm tô theo tỷ lệ vừa nói trên.
    Sau đó, đại diện tá điền phát biểu cam kết trước đại diện Việt Minh nộp 50% lúa tô cho Ba Huy và yêu cầu ông ta không nên thuê lính thu lúa nữa.
    Trước không khí cởi mở, hài lòng cả đôi bên, Ba Huy xúc động nói:
    - Quả là trước đây, tôi rất nông cạn. Nghe bà con nông dân nói, tôi mừng quá. Thôi, tôi mời ngài Bí thư Tỉnh ủy và bà con nông dân ở lại cùng với tôi một bữa cơm thân mật.
    Tôi kết luận:
    - Lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh, tôi vô cùng hoan nghênh cậu Ba. Rõ ràng, hôm nay cậu Ba đã đi với Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng, không chỉ hôm nay và mãi mãi cậu Ba đi với chúng tôi.
    Công tử Bạc Liêu cảm động nói:
    - Thưa ngài Bí thư, hồi học ở bên Tây, tôi đã biết nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Tôi rất vui mừng khi biết thêm, Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Chính phủ kháng chiến. Gia đình tôi hứa đi cùng kháng chiến. Lấy danh dự gia đình Trần Trinh Trạch, tôi hứa không làm tay sai cho giặc. Ba Cân, em rể tôi, ngồi đây là Việt Minh. Gia đình tôi rất hãnh diện về sự đóng góp của Dượng Sáu. Sau buổi nói chuyện này, nhờ ngài báo lại với Tỉnh ủy rằng, Ba Huy rất hoan nghênh chánh sách của Việt Minh. Việc này cần thông báo rộng rãi để không chỉ riêng gia đình tôi, mà nhiều điền chủ khác cũng biết, yên tâm.
    Sau cùng, Ba Huy hỏi:
    - Ngài có cần gì không ?
    - Riêng tôi thì không, nhưng cậu Ba thấy đó, bộ đội của ta gặp rất nhiều khó khăn. Thuốc chữa bệnh và vải là hai thứ bộ đội rất cần.
    Ba Huy nói:
    - Tôi hứa sẽ gởi thuốc, vải theo con đường ngài mời tôi đến đây.
    Và Ba Huy đã làm đúng như những lời mà ông ta hứa với Việt Minh là gởi vải, thuốc vào cho kháng chiến, rồi không thuê lính thu tô. Sau bận đó, Công tử Bạc Liêu về sống luôn ở Sài Gòn, và người ta thấy Công tử Bạc Liêu không có hành vi nào hợp tác với giặc cho đến hết đời”.
    Câu chuyện của ông Trần Văn Sớm kể với nhà văn Trầm Hương đã bộc lộ được nhân cách của Công tử Bạc Liêu. Ba Huy không cổ hủ, cực đoan như nhiều địa chủ khác, khi được cách mạng giáo dục thì Ba Huy cởi mở, hợp tác chân tình. Và Công tử Bạc Liêu còn tỏ ra là một con người tự trọng, đã hứa với Chính phủ những gì thì ông ta đã làm được thế ấy.
    Điều này cũng giúp cho chúng ta có một cái nhìn cởi mở hơn về nhân vật đặc biệt: Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy.
    (Baobaclieu)
    lật đật thích bài này.
  4. Năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, có lẽ công việc lớn nhất của chính quyền cách mạng là tịch thu đất của địa chủ cấp cho người dân. Theo số liệu lúc bấy giờ, đến hơn 90% tá điền được cấp đất. Đến khi thực dân Pháp quay trở lại, Trần gia những tưởng khôi phục lại những gì đã mất, nào ngờ Việt Minh đã làm “nổi lên” kháng chiến. Vùng cách mạng làm chủ lại nằm trên gần như toàn bộ các sở điền của Trần gia. Ở đó, Việt Minh đã tổ chức đời sống mới. Việt Minh còn chủ trương yêu cầu địa chủ giảm tô rồi thối tô cho tá điền…
    Như đã nói, người con trưởng là Trần Trinh Đinh, được Trần gia giao cai quản nhà máy xay xát Hậu Giang. Khoảng giữa năm 1946, Việt Minh gởi giấy yêu cầu Đinh nộp thuế nhà máy cho cách mạng để nuôi quân kháng chiến. Lúc này, mặc dù thị xã Bạc Liêu bị Pháp chiếm đóng nhưng ở vùng nông thôn, lực lượng Việt Minh rất mạnh, nên Đinh sợ, đành ôm tiền đi nộp. Sau đó, không biết căn nguyên thế nào mà “lính kín” (mật thám) phát hiện được. Đinh vô cùng sợ hãi. Và sau đó, y trốn biệt lên Sài Gòn. Vợ con y cũng theo luôn. Đinh không trở về cai quản điền sản Trần gia nữa.
    Còn Trần Trinh Khương, người con út, sau Cách mạng tháng Tám cũng đã đưa toàn bộ vợ con qua Pháp ở. Có người nói rằng, Khương theo chân Pháp, nhưng hậu duệ dòng họ Trần Trinh thì cho rằng Khương đi vì lý do kinh tế. Con cái Khương ngày nay rất thành đạt, có người làm thương gia, kỹ sư, bác sĩ…
    Cuối cùng sự nghiệp Trần gia bây giờ chỉ còn trông cậy vào Trần Trinh Huy. Thế nhưng, Huy lại là kẻ chỉ biết ăn chơi chứ không biết làm. Huy có làm chăng là để tạo cớ mà thụt két gia đình. Sản nghiệp họ Trần giao cho Huy cũng giống như “giao trứng cho ác”. Đến bây giờ, hậu duệ dòng họ Trần Trinh đã đúc kết được một câu “xanh dờn”: “Cả đời Trần Trinh Huy chỉ biết ăn chơi chứ không biết làm”.
    Phan Kim Khánh, người được dân Bạc Liêu thập niên 60 gọi là Công tử Khánh vốn là cháu ngoại của Trần Trinh Trạch. Khánh đã từng đánh cắp cổ vật để trên bàn thờ ông ngoại mình đem đi Sài Gòn bán. Ngoài ra, Khánh còn bán vài căn phố lầu ở Bạc Liêu của Trần Trinh Trạch, vốn thuộc quyền thừa kế của mẹ mình là bà Trần Thị Đông.
    Có lần, Phan Kim Khánh kể rằng: Khoảng năm 1965, tôi ở Sài Gòn về Bạc Liêu chơi. Khi đi ngang qua nhà của một ông già chuyên bán đồ lạc-xoong rất lớn, tôi chợt nhìn thấy 4 bộ lư rất đẹp và rất quen thuộc. Đây là 4 bộ lư mắt tre, cao 1,2 thước. Nếu căn cứ vào thời điểm bây giờ thì nó là cổ vật, giá 7 – 10 cây vàng 1 bộ. Tôi nhận ra nó là những bộ lư được trưng trên bàn thờ nhà lớn của ông ngoại tôi. Tôi tinh quái thăm dò lão già bán lạc-xoong:
    - Ông mua ở đâu mà có mấy bộ lư đẹp quá?
    Lão già ra chiều bí mật, ngó dáo dác rồi nói nho nhỏ vào tai tôi:
    - Tao vừa mua của một nhà giàu xưa.
    Tôi ướm hỏi:
    - Chắc của Hội đồng Điều?
    - Nhằm nhò gì, của một gia đình giàu nhất vùng này.
    Nghe lão già nói xong, tôi chạy qua gặp ông cò cảnh sát rồi báo:
    - Đồ vật quý trong nhà ông ngoại tôi bị đánh cắp, yêu cầu ông cò cho nhân viên công lực qua điều tra.
    Sau đó, họ điều tra ra thủ phạm chính là Nhơn và Đức, anh cô cậu ruột của tôi, con của cậu Ba Huy. Sau vụ này, cậu Ba Huy rất tin tôi nên giao trông coi tài sản gia đình. Và ông đã lầm – lại “giao trứng cho ác”.
    Một số con cháu của Trần gia, rũ bỏ tiền tài và giai cấp của ông cha để theo cách mạng. Ngoài rể là Phan Kim Cân, cháu ngoại là Phan Kim Sơn, còn có ông Hai Lượm tham gia cách mạng, có người làm đến cấp hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam như ông Tính…
    Vào thập niên 40 trở về sau, cách mạng như một dòng sông chảy xiết, cuốn theo đại bộ phận nhân dân chảy đến cái đích của tự do độc lập, cơm áo cho dân cày.
    Thế cho nên, điền đất của Trần gia không còn phát sinh lợi tức từ điền tô nữa. Do vậy, nó không thể gồng gánh nổi việc nuôi nấng những cậu ấm, cô chiêu gót đỏ như son, vốn quen chơi hơn quen làm. Và cứ thế… Trần gia từ từ suy sụp. Cho đến khi Mỹ nhảy vào với chiêu bài mua chuộc nông dân, cường quốc số 1 thế giới ấy đã đổ ngoại tệ mạnh vào rồi ban hành “Sắc luật 03 – người cày có ruộng” để mua hết toàn bộ điền đất của ông Trạch gọi là truất hữu với một số tiền khổng lồ (chỉ chừa lại 1.000 công đất phụ ấm ở Cái Dầy). Thế nhưng, số tiền này con cháu của ông Trạch cũng không được hưởng trọn vẹn, bởi vì theo quy định của ông Trạch lúc sinh thời là người quản lý của ông (ông Hen-ri) được hưởng 10% lợi tức do sản nghiệp Trần gia mang lại. Đồng thời, nếu số tiền truất hữu nói trên được rút ra chia cho con cháu thì ông Hen-ri lại cũng được hưởng 10%. Phản ứng trước việc hưởng khoản tiền phần trăm vô lý này mà anh em nhà họ Trần Trinh đã họp lại và nhất trí không rút tiền ra mà gởi Ngân hàng để lấy lãi chia cho con cháu. Quyết định trên khiến cho dòng họ Trần mất một khoản tiền khổng lồ là vì sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, chế độ mới không thể thực hiện cái khoản tiền bán đất cho Mỹ và do bóc lột mà có.
    Thật ra, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ không lấy gì ưu ái lắm với Trần gia. Họ đã quản lý ngôi nhà lớn của Trần Trinh Trạch, lúc đầu thì cho Mỹ ở, sau lấy lại làm Tổng hành dinh của Sư đoàn 21 ngụy. Nghe nói, trong thời gian chiếm giữ, họ đã phá phách làm hư hại nội thất của ngôi nhà và đã lấy đi nhiều đồ vật quý.
    Sau ngày miền Nam giải phóng, dòng họ Trần còn lại một ít điền sản và bất động sản như: lô đất ở Cái Dầy, 10 căn phố lầu và 3 ngôi biệt thự ở thị xã Bạc Liêu. Những tài sản này sau đó bị Nhà nước quản lý bởi vì đó là tài sản nhân dân được trả về cho nhân dân. Vài năm sau, 1 trong 3 ngôi biệt thự được Nhà nước ta xét trả lại cho một người cháu của Trần Trinh Trạch vì có những đóng góp cho cách mạng.
    (Baobaclieu)
    tuech and lật đật like this.
  5. Vốn là một con người giang hồ tứ hải, lúc Sài Gòn, khi Đà Lạt hoặc qua tận bên Pháp…, không nơi nào Ba Huy định cư được 1 tháng. Vậy rồi từ năm 1945 – 1947, người ta bỗng thấy Công tử Bạc Liêu như dừng bước chân phiêu lãng, la cà ở Bạc Liêu thường hơn. Cố gắng đầu tiên của Ba Huy là xin Việt Minh cho nộp thuế để giữ đất. Theo Ba Huy, đất ấy là của tổ phụ ông ta. Ba Huy trong một bộ cánh chỉnh tề, tỏ ra là người giàu có và thức giả, cùng với anh vợ là Hội đồng Điều trong trang phục áo dài khăn đóng đến trụ sở Ủy ban Nhân dân cách mạng, xin được giữ lại ruộng đất của tổ phụ, và cho đó là mồ hôi nước mắt của cha ông làm ra.
    Người đại diện của Ủy ban đã nói rằng, ruộng đất của các ông là do bóc lột nông dân mà có thì bây giờ, chính quyền chủ trương tạm cấp cho nông dân và áp dụng chính sách giảm tô giảm tức của Chính phủ. Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Nhân dân cách mạng không thể thỏa mãn yêu cầu của Ba Huy và Hội đồng Điều.
    Là một người thông minh. Công tử Bạc Liêu cảm nhận được rằng cái thời thịnh vượng của giai cấp địa chủ đã hết. Bạc Liêu không còn là đất làm ăn của dòng họ Trần Trinh nữa. Bởi vì suốt 9 năm kháng chiến (1946 – 1954), toàn bộ điền đất của Trần gia gần như nằm lọt trong vùng kiểm soát của Việt Minh. Ở đó, đất được chia cấp cho nông dân… Thế cho nên, Trần Trinh Huy bỏ hẳn đất Bạc Liêu để lên Sài Gòn định cư cho đến cuối đời, giao hẳn cơ nghiệp Trần gia cho ông Hen-ri và các quản điền.
    Lúc này, kinh tế của Công tử Bạc Liêu không còn dồi dào như xưa, tiền truất hữu đất khổng lồ nhưng chỉ được chi xài phần lãi. Nguồn thu kế tiếp là phần hương hỏa của 1.000 công đất ở Cái Dầy, kế đến là tiền cho thuê các căn phố lầu… Tất cả những thứ tiền này cộng lại trở thành một món tiền nhỏ bé trong việc gồng gánh gia đình dòng họ Trần Trinh đông đúc.
    Hơn thế nữa, Ba Huy chỉ là 1 trong 6 người thừa kế. Theo quy định của Trần Trinh Trạch lúc còn sinh tiền, anh em Ba Huy luân phiên nhau, mỗi người 2 – 3 năm, thu huê lợi để thụ hưởng và thờ cúng tổ tiên.
    Là một người quen "xài tiền như cái cối" cho nên nguồn thu trên đã làm khốn khổ Công tử Bạc Liêu. Hậu duệ họ Trần bây giờ kể rằng, đã nhiều lần thấy Trần Trinh Huy về cự nự các anh em, yêu cầu rút số tiền truất hữu để chia nhau.
    Cự nự không được, cuối cùng Công tử Bạc Liêu phải dùng đến phương kế bán hết căn phố lầu này đến căn phố lầu khác ở Bạc Liêu lẫn Sài Gòn và các tỉnh để chi xài. Những căn phố lầu này trước đây Trần Trinh Trạch cất để cho thuê. Cụ thể, ở Bạc Liêu, Ba Huy đã bán vài chục căn phố lầu nằm cặp bờ sông và căn nhà trước Pháp chiếm giữ để nhốt người, gọi là Bungalow cho Út Thượng. Út Thượng là một địa chủ lớn ở Bạc Liêu. Ông này chết lâu rồi, nay Bạc Liêu còn một con kênh mang tên ông, gọi là kênh Út Thượng.
    Ngôi biệt thự của Ba Huy ở Sài Gòn tuy nhỏ hơn nhà lớn ở Bạc Liêu nhiều nhưng nằm ở một khu yên tĩnh, trước là khu ở của Tây hoặc những người giàu có "vô dân Tây", phía sau là khu ở của hạng giàu có. Ba Huy ở trong một ngôi nhà được trang trí cực kỳ sang trọng. Nhà có một chiếc xe và một chiếc ca nô…
    Sinh hoạt của Công tử Bạc Liêu là sáng ngủ tới 10 giờ rồi thức dậy uống cà phê. Sau đó, đi bách bộ trong công viên. Ngày, Ba Huy chẳng có áp-phe làm ăn gì cả. Vui, thì giao du với tầng lớp thượng lưu. Buồn, nằm đọc báo hoặc la cà đánh bạc. Chiều, tài xế Tư Lùn chở Ba Huy đi nhà hàng khách sạn chơi bời cho đến 2 – 3 giờ sáng mới về. Đây là một sinh hoạt bất di bất dịch của Ba Huy. Và còn một quy luật nữa, là chiều thứ bảy, Ba Huy tự đánh xe đi nghỉ cuối tuần. Khi thì đi Cần Thơ, khi đi Đà Lạt. Nếu ra Vũng Tàu thì Ba Huy kéo theo cái rờ-moóc, phía trên chở chiếc ca nô để phục vụ cho việc tắm biển của Công tử Bạc Liêu.
    Trần gia có một hệ thống nhà nghỉ rất đồ sộ nằm ở những điểm vui chơi nghỉ mát như: Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ. Các nhà nghỉ này áp dụng quy chế như sau: Mỗi nhà nghỉ có một quản gia và một đầu bếp, trang thiết bị của nó có khả năng tổ chức một đại tiệc. Chi phí của các nhà nghỉ do lợi tức của Trần gia gánh chịu. Không phải chỉ có anh em Ba Huy mà tất cả những con cháu ruột đều có thể đến chơi và thết đãi bạn bè. Ông Phan Kim Khánh, cháu ngoại của Trần Trinh Trạch từng rủ bạn bè đến giao du ở các nhà nghỉ này, nói: "Trước khi rời khỏi nhà nghỉ, anh chỉ cần ký vào một biên nhận thừa nhận rằng, thí dụ: Tôi, Phan Kim Khánh có nghỉ ở nhà nghỉ 3 đêm và chi xài, ăn uống trị giá số tiền là… là đủ".
    Thế nhưng, có một điều rất lạ là Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy, trong những lần nghỉ cuối tuần của ông ta, ít khi các quản gia thấy Huy đến ăn nghỉ ở nhà nghỉ họ Trần(?) mà hầu hết nghỉ ở các khách sạn sang, như Dalat (Đà Lạt)… Một câu giải thích tương đối thỏa đáng là phải chăng, Công tử Bạc Liêu muốn ém nhẹm cái thói gió trăng của mình, vì rằng, ít khi Ba Huy đi nghỉ cuối tuần mà đi một mình. Thường thì người ta thấy trên xe của Huy một cô gái nhảy hạng sang, hoặc một ca sĩ đang lên…
    Những câu chuyện đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè… là những giai thoại chớ chưa chắc là chuyện thật. Thật ra, những tố chất kết tinh nên "địa vị" Công tử Bạc Liêu lừng lẫy của Trần Trinh Huy chính là những ván bài làm sững sờ các con bạc, những đêm vui chơi trụy lạc ở các vũ trường, khách sạn với ánh đèn mờ mờ ảo ảo.
    Mặc dù tuổi đã 50 – 60, nhưng Công tử Bạc Liêu vẫn rất cường tráng, da thịt săn chắc, vẫn cái thói quen đóng bộ bằng áo veston, thắt cà vạt… nên người ta thấy Công tử Bạc Liêu trẻ hơn nhiều so với tuổi.
    Khác hơn với người đời, Công tử Bạc Liêu không "nhập tửu" vì liên hoan, bù khú bạn bè, hay đãi khách để làm ăn, chạy mánh… mà Trần Trinh Huy "nhập tửu" để đi đến "sắc dục". Tửu – sắc là hai món đi liền và hầu như chiếm toàn bộ cuộc đời ăn chơi của Công tử Bạc Liêu. Là một người ăn chơi lừng danh, nên các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn đều quen mặt Ba Huy. Các nhà hàng Soái Kình Lâm, Bát Đạt… là nơi Công tử Bạc Liêu hay la cà. Mỗi lần Công tử Bạc Liêu đến là chủ nhà hàng biết Ba Huy ngồi ở đâu và cần gì. Bao giờ họ cũng chọn cho Công tử Bạc Liêu góc ngồi sang trọng nhất và những gì mới mẻ nhất, tốt đẹp nhất của nhà hàng. Có khi Công tử Bạc Liêu đi nhậu suốt 1 tháng trời không trả tiền và cũng chẳng ai đòi tiền Ba Huy bao giờ. Ba Huy là vị "khách sộp" nhất trong những "khách sộp". Mỗi lần Công tử Bạc Liêu ghé xe, chưa vào cửa là mấy em cave (gái nhảy) la ó lên một cách vui mừng: Ông già "bồ rô" (Ba Huy ở gần trường Bồ Rồ) đến rồi.
    Công tử Bạc Liêu vào ghế ngồi là mấy em cave bu quanh ông ta. Ba Huy ngoắc tài phán đến bảo:
    - Cậu xé cho mỗi em 20 cái tít-kê.
    Hai chục cái tít kê là một khoản tiền khá lớn, của 20 lần nhảy với khách cộng lại. Trong số đó, thế nào cũng có 1 em không được tài khoán phát tiền theo hiệu lệnh của Công tử Bạc Liêu. Và chính cô này sẽ ngồi hầu rượu hoặc ra nhảy với Ba Huy, sau đó thì đi chơi với Công tử Bạc Liêu suốt đêm ấy. Về chuyện này, ít ai từ chối Công tử Bạc Liêu và các em cave xem được đi với Công tử Bạc Liêu là một ân huệ, bởi Ba Huy "bo" tiền ít khi nào đếm…
    (Baobaclieu)
    tuech and lật đật like this.
  6. Những người có chứng kiến bước đường ăn chơi của Công tử Bạc Liêu kể rằng, ông ta hoang dâm vô độ. Sự giàu có, sự hào hoa, phong nhã… cộng lại biến Công tử Bạc Liêu thành một con người có ma lực. Thế nhưng, giai thoại kể rằng Công tử Bạc Liêu ít ra có một lần thất bại.
    Đó là vào khoảng đầu thập niên 60. Lúc này, Công tử Bạc Liêu đã hơn 60 tuổi, sức khỏe lẫn phong độ đã bắt đầu xuống dốc. Thế nhưng, thói ăn chơi thì không vì thế mà thay đổi. Một đêm, đến chơi tại một nhà hàng sang trọng có ca nhạc phục vụ thực khách, Công tử Bạc Liêu chợt sững sờ trước một ca sĩ trẻ. Cặp chân dài, thân hình bốc lửa và đặc biệt là đôi mắt như hai chấm sao khiến cho Công tử Bạc Liêu ngây ngất. Và, Ba Huy càng ngây dại hơn trước giọng hát mượt mà, trong các ca khúc lãng mạng buồn thảm của thập niên 60. Đây là cảm giác đầu tiên có được trong một con người từng trải việc tình ái. Thế cho nên nó kích động Ba Huy dữ dội. Huy hỏi một gã hầu bàn:
    - Ai thế?
    - T.T, một ca sĩ đang lên (người viết không tiện nêu đích danh vì ca sĩ này vẫn đang còn sống, đang ở hải ngoại).
    Huy dúi cho gã hầu bàn một nắm tiền và bảo bằng giọng bề trên:
    - Cậu nói với T.T có Công tử Bạc Liêu mời một ly rượu làm quen.
    Sau đó, Ba Huy tự tin chờ đợi. Không tự tin làm sao được, cả đời ăn chơi có người đàn bà nào từ chối Công tử Bạc Liêu một lời mời nào đâu? Thế rồi, một điều bất ngờ đã xảy ra. Hết bản nhạc, rồi hết đêm đó, T.T chỉ xuống bàn của thực khách vài lần, uống với gã Quận trưởng mập ú kia một ly rượu, uống với ngài Cố vấn Mỹ nọ nửa ly bia, uống với gã Đại úy Thủy quân lục chiến hào hoa, phong nhã bên này một ngụm… nhưng nàng mảy may không ghé bàn Công tử Bạc Liêu lừng danh một lần.
    Đêm sau, Công tử Bạc Liêu lại đến trong tâm trạng kích động dữ dội. Ba Huy cho gọi chủ nhà hàng một xấp tiền rất dày, rồi bảo:
    - Ông "bo" cho T.T và bảo nó đến bàn uống với tôi một ly.
    Đêm đó, T.T đến gật đầu chào, uống với Công tử Bạc Liêu một ly rồi lẳng lặng ra đi, chỉ để lại cho Ba Huy một ánh mắt vô hồn. Sau đó, T.T đi sang các bàn khác và tặng mọi người một nụ cười mê hồn.
    Nụ cười ấy đã đưa Ba Huy vào mê lộ nên Ba Huy càng quyết tâm hơn, càng tức tối hơn. Và Công tử Bạc Liêu đã bình tĩnh tính kế. Ngày hôm sau, Ba Huy lại đến nhưng không phải là buổi tối mà vào giấc trưa nắng. Công tử Bạc Liêu ghé xe ngay nhà của người chủ nhà hàng rồi nói với ông ta:
    - Đêm nay, tôi muốn bao nguyên nhà hàng của ông một đêm.
    Chủ nhà ra vẻ chìu chuộng khách:
    - Thưa ông, ông muốn mở đại tiệc nhằm một đích gì? Thí dụ như đám cưới hay liên hoan, sinh nhật… để tôi chuẩn bị cho chu đáo.
    Công tử Bạc Liêu phán một câu tỉnh queo:
    - Không. Tôi muốn một mình đến ăn và xem T.T hát. Lợi tức của nhà hàng một đêm bao nhiêu tội sẽ trả đủ. Chỉ cần ông dọn một bàn thật sang với thức ăn ngon cho một thực khách, nhưng cái điều không thể thiếu là phải có T.T hát phục vụ.
    Thế nhưng, lão chủ nhà hàng còn e ngại:
    - Thưa, tôi vẫn biết tiếng tăm của ông là Công tử Bạc Liêu, có đều doanh số của nhà hàng tôi một đêm đến 100.000 đồng (vàng lúc ấy là 12.000 đồng/lượng).
    Công tử Bạc Liêu bảo:
    - Được!
    Rồi Công tử móc 100.000 đồng ra đập xuống bàn lão chủ quán. Cái "đập tay" ấy làm người ta nhớ đến cái "đập tay" xuống chiếu bạc quyết định một cây bài trị giá 30.000 đồng, làm sững sờ các con bạc Đại thế giới năm xưa.
    Đêm ấy, Công tử Bạc Liêu ngồi một mình lạc lõng giữa cái nhà hàng mênh mông để ngây ngất nghe một ca sĩ đang bắt đầu nổi tiếng và đẹp như tiên hát. Cũng chính cái đêm ấy đã làm chấn động giới ăn chơi Sài Gòn, tạo ra một giai thoại nữa về Công tử Bạc Liêu quăng tiền ra cửa sổ. Các báo lá cải lúc bấy giờ đều viết bài tường thuật giật gân. Có báo lại vẽ biếm họa: Công tử Bạc Liêu tay chỏi cằm nhìn chăm chăm vào một nàng con gái sexy ngực và mông rất to.
    Chính cái đêm hôm ấy đã tạo ấn tượng cho ca sĩ T.T thật. Thế cho nên, nàng đã đổi thái độ, đêm nào cũng ghé bàn Công tử Bạc Liêu 1 – 2 lần, uống với Ba Huy một ly, tặng ông ta một cái mỉm cười mê hồn.
    Còn Ba Huy thì suốt thời gian rất dài, không bữa nào nhà hàng vắng mặt ông ta. Mỗi lần Huy đến, từ cave đến ca sĩ đều bu quanh ông ta. Để tự do tán tỉnh T.T, Công tử Bạc Liêu đã móc tiền "bo" cho mấy em xoèn xoẹt.
    Có báo viết rằng: "Năm Công tử Bạc Liêu gần 70 tuổi, người ta vẫn thấy ông chở một ca sĩ trẻ nổi tiếng vào các phòng trà, cao lầu…". Hậu duệ dòng họ Trần Trinh khẳng định rằng, đó là cô ca sĩ nổi tiếng T.T. Có người thân cận còn kể: Bằng tính khí chi tiền xoèn xoẹt, mặt nào đó, Công tử Bạc Liêu đã chinh phục được nàng ca sĩ nổi tiếng. Lâu lâu, nàng ban cho Ba Huy một buổi tối đi chơi. Có khi thì ra Biên Hòa hóng gió, khi thì vô cao lầu Chợ Lớn ăn tối. Thế nhưng, với con mắt từng trải, Công tử Bạc Liêu cũng nhận ra rằng, trong cái ánh mắt như hai chấm sao ấy không có tình yêu đích thực dành cho ông ta. Là một con người được tặng quá nhiều tình yêu, đều ấy càng cám dỗ, kích động Ba Huy yêu T.T một cách cuồng dại hơn. Chưa bao giờ Ba Huy thấy mình si tình như thế. Và vì lẽ đó Công tử Bạc Liêu càng đau khổ hơn. Lần đầu tiên, một con người vang danh trong vốn tình trường cảm thấy "lực bất tòng tâm".
    Hậu duệ Trần Trinh nói chính trong thời gian ấy, Ba Huy bỏ bê nhà cửa, ít quan tâm đến gia đình.
    (Baobaclieu)
    tuech and lật đật like this.
  7. Người ta nói, cuối đời Công tử Bạc Liêu thiểu não lắm. Kinh tế thì suy sụp (bởi vì ăn chơi như Ba Huy thì có tiền chất bằng núi cũng phải hết). Còn tình cảm gia đình thì phai nhạt và tình yêu thì ông ta đang khổ sở trước cái cảnh thân già mê đắm cô ca sĩ trẻ mà không được yêu.
    Đầu năm 1973, Công tử Bạc Liêu đổ bệnh. Gia đình đưa ông ta vào một bệnh viện dành riêng cho người Pháp để điều trị. Sau đó không lâu, Trần Trinh Huy qua đời, thọ 73 tuổi. Nghe nói Công tử Bạc Liêu chết vì một trong các loại bệnh của thận. Thật ông bà ta ngày xưa nói bao giờ cũng hữu lý: "Ham tửu thì hại tâm, hoang dâm thì bại thận".
    Lúc Công tử Bạc Liêu chết, gia cảnh đã suy sụp, nhưng gia đình cũng có mướn xe song mã chở thi hài Trần Trinh Huy một vòng Sài Gòn để Công tử Bạc Liêu "ngắm" cái nơi vang bóng một thời của ông ta, sau đó thì chuyển qua xe lớn chở về Bạc Liêu chôn trong khu mộ của "Trần gia chi mộ".
    Công tử Bạc Liêu ra đời đến nay đã 100 năm. Ông ta từ giã cõi hồng trần đến nay cũng đã gần 30 năm. Vậy mà cái tiếng Công tử Bạc Liêu vẫn nổi như cồn cả trong Nam, ngoài Bắc.
    Thế nhưng đó không phải là một thứ tiếng thơm. Nó tồn tại để chỉ một cách sống không hợp thời với chúng ta. Có người nói, Công tử Bạc Liêu chỉ ăn chơi, không bóc lột, không thỏa hiệp với giặc để hại dân, hại nước nên không có tội. Tuy nhiên, người khác lại có lý luận xem ra cũng vô cùng phải lẽ: Công tử Bạc Liêu không tham gia bóc lột, nhưng ông ta sống phè phỡn, sung sướng từ tiền bóc lột thì cũng như người "sử dụng, tiêu thụ tài sản của người phạm tội mà có". Nếu ngày nay, có ai hỏi một người nào đó quê Bạc Liêu muốn nổi tiếng như thế không, thì chắc chắn rằng, chẳng có ai ham cái danh hão đó…
    (Baobaclieu)

Chia sẻ trang này