Danh sách này bao gồm những tập đoàn vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán đạt lãi trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, GAS là đơn vị lãi 'khủng' nhất với 4.554 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau mùa công bố báo cáo tài chính, trong khi những doanh nghiệp nhỏ đang “thoi thóp” tính kế bù lỗ quý tiếp theo thì một số “ông lớn” trên sàn chứng khoán vẫn vững như bàn thạch với kết quả kinh doanh khả quan. Tổng cộng 12 công ty niêm yết trên sàn công bố báo cáo đều có lãi vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Góp mặt đông đảo trong danh sách này là các ngân hàng, bao gồm Á Châu (ACB), Công Thương (CTG), Eximbank (EIB), Vietcombank (VCB), Quân đội (MBB). Bên cạnh đó là các doanh nghiệp quy mô vốn lớn như Đạm Phú Mỹ (DPM), FPT, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Masan (MSN), PVD, Vingroup (VIC) và Vinamilk (VNM). Tuy nhiên, trong danh sách “nghìn tỷ”, chỉ PVD có mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất với 464,1 tỷ đồng. Về doanh thu, 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Khí Việt Nam (mã: GAS, HOSE) thu về hơn 31.939 tỷ đồng doanh thu, cao nhất danh sách những doanh nghiệp lãi trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tính riêng quý II/2012 đạt trên 16.237 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính ước tính 316 tỷ đồng. Đơn vị tính: Tỷ đồng.Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB, HOSE) cũng có mức doanh thu lên tới 16.513 tỷ đồng qua 6 tháng đầu năm 2012. Thu nhập lãi thuần lũy kế từ đầu năm của VCB đạt 5.632 tỷ đồng, trong đó lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ đạt khoảng 621 tỷ đồng. “Ông lớn” có mức doanh thu khiêm tốn nhất danh sách là Tập đoàn Vingroup (mã: VIC, HOSE). Báo cáo tình hình kinh doanh tới tháng 6/2012 của VIC cho thấy, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.822 tỷ đồng, dù vậy, con số này cũng tăng rất mạnh so với mức 810,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ hoạt động tài chính của VIC đạt 668,8 tỷ đồng, trong đó, riêng phần chi phí chiếm gần 397 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, GAS tiếp tục đứng đầu danh sách với mức cao nhất. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận gộp của GAS đạt 6.051 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 5.549 tỷ đồng. Sau khoản nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới gần 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của GAS còn 4.554 tỷ đồng, vẫn cao nhất trong số 12 đơn vị lãi “khủng”. Đơn vị tính: Tỷ đồng.VNM cũng báo cáo kết quả kinh doanh khả quan với mức lãi sau thuế quý II/2012 đạt 1.491 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 2.753 tỷ đồng, tăng so với con số 2.090 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 30/6, vốn chủ sở hữu của VNM đạt 13.776 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu ước tính 5.561 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần khoảng 1.277 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối gần 5.100 tỷ đồng. Dù xuất hiện trong danh sách 12 doanh nghiệp lãi “khủng” nhất với mức doanh thu 6 tháng đầu năm trên 2.000 tỷ, PVD vẫn phải “ngậm ngùi” xếp cuối bảng khi lợi nhuận sau thuế chỉ thu về 464,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2011. Tính riêng quý II/2012, mức lợi nhuận sau thuế của PVD đã giảm 48% so với quý II/2011. Chi phí quản lý doanh nghiệp là khoản mục tiêu tốn gần như nhiều tiền nhất ở PVD nhất với hơn 222 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng, đây đều là những doanh nghiệp có vốn điều lệ 5.000-7.000 tỷ đồng trở lên. Dù báo cáo tài chính sau kiểm toán chưa công bố nhưng kết quả trên vẫn được xem như cơ sở để tăng niềm tin từ nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán Ernst & Young tại Việt Nam cũng chia sẻ: “Hiện nay, các doanh nghiệp lớn rất chú trọng tới thực trạng sức khỏe công ty, họ cũng thường chủ động và tự bảo đảm độ chính xác trong việc công bố thông tin. Các nhà đầu tư có thể dựa vào những báo cáo tài chính này để tham khảo và nhận định.” Tường Vi Vnexpress