Khóc hương cau - Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Thảo luận trong 'Truyện ngắn' bắt đầu bởi bboy_nonoyes, 19 Tháng 7 2013.

  1. (Lượt xem: 7,240)

    Câu chuyện ba mươi mốt năm không được về thăm quê của má tôi mà bây giờ đem ra kể thì chắc chẳng ai tin. Nhưng đó lại là sự thật - một sự thật xót xa, đang thổi giông bão vào lòng tôi nhiều năm tháng.

    Má tôi gốc gác ở Cồn Ấu. Từ bến Ninh Kiều (Cần Thơ) ngó sang thấy bên kia sông Hậu một vệt
    xanh mờ.

    Năm 1951 má tôi có chồng về Bạc Liêu Ông bà ngoại tôi mãn phần rất sớm. Ông chú, bà thím đùm bọc má và cậu út tôi. Rồi ông chú lại qua đời, nên khi có chồng về Bạc Liêu, má tôi phải dắt dìu theo một người em mồ côi, mồ cút.

    Má tôi kể: “Làm dâu hồi đó cực khổ trăm đường. Tối ngày nấu cơm, gánh nước, lại phải chịu dằn vặt trong cảnh em ruột ở đậu em chồng. Người ta không cho má tôi về quê, mà có cho thì má tôi cũng không biết đường về. Ở được mấy năm thì chồng phản bội, má tôi phải bồng chống dắt dìu em và hai đứa con ra đi trong cảnh bơ vơ nơi đất khách quê người. Tất cả thời gian dồn cho việc bươn chải, quơ quào, nuôi con. Trước khi kể chuyện này ra, tôi đã cân nhắc nhiều lần, sợ làm buồn chị Hai, anh Ba tôi. Thế nhưng tôi quyết định kể, để mọi người trong gia đình tôi hiểu cặn kẽ cuộc đời long đong của má tôi, để mà đau – cái niềm đau có thật, lớn lao của mình...

    Năm 1958, má tôi gặp ba tôi bây giờ. Hai người ở với nhau sanh được bốn đứa con. Tôi, coi như là con đầu lòng trong cuộc hôn phối thứ hai. Gia đình mới này được thiết lập trên một nền tảng dễ sụp đổ. Vợ trước ba tôi qua đời, để lại ba đứa con. Thế là căn nhà nho nhỏ nằm trên bờ sông Bạc Liêu lại có cả con chồng, con vợ và con chung. Vậy mà không hiểu tại sao cuộc sống rất hòa thuận, thương yêu lẫn nhau. Ba anh chị, con riêng của ba tôi thương má tôi rất mực. Sau nầy, mấy anh chị tôi bảo: “Đấy là cái thời chiến tranh, đói khổ đày đọa. Tất cả bận lo cho miếng cơm manh áo, ai hơi đâu mà cạnh khóe gắt gỏng”.

    Thế nhưng tôi thì nhận ra một nguyên nhân khác: Tất cả đều nhờ vào đức hy sinh của má tôi! Ngày, má tôi cuốc rẫy trồng rau và gánh qua sông bán. Tối, ngủ chưa thẳng giấc - khi gà gáy chập đầu - má tôi đã lặn ngụp giữa đồng đêm cấy cho xong công cấy mướn. Bàn tay, bàn chân của má tôi không còn móng lành nữa. Và vai nổi lên những cục chai vì chiếc đòn gánh bào mòn. Những công việc như vậy, lặp đi lặp lại đúng hai mươi bốn năm trời, nghĩa là nó chấm dứt khi đời má tôi cũng chấm dứt. Tôi nhớ rất rõ, má tôi chỉ có một bộ đồ lành dùng để đi đám, đó là một cái quần lãnh Tân Châu, một cái áo nilon batit màu nâu đỏ.

    Đời có một câu ca dao đau xé “Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Tôi ngỡ câu ca dao này dùng để nỉ non riêng cho cuộc đời má tôi. Giặc giã ác liệt, đói rách triền miên đã rút rỉa má tôi đến ốm o gầy mòn. Vì thế, quê mẹ chỉ cách 150 cây số thôi, chứ nào phải bên Tây, bên Mỹ mà má tôi cũng không về được.

    Tội lắm, từ ngày cậu tôi chết, má tôi không còn thân bằng quyến thuộc trên đất lạ quê người. Khi tôi lớn lên, đã thấy trong những chiều mưa vừa tạnh, trời ảm đạm, má tôi bồng em tôi ra đứng ngoài bờ ruộng, mắt dõi mong lung về một phương trời xa xăm, rồi cất tiếng ru con hòa quyện với tiếng nhái bầu ngắc nga:

    “Chiều chiều ra đứng bờ ao
    Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”

    Câu ca dao mộc mạc, được hát lên bằng lời rumộc mạc, vậy mà nghe da diết, đau xót lạ thường. Bởi, má tôi đang hát lên cái niềm đau của mình. Tối tối, má tôi hay luộc khoai mì, chờ các con quây quần bên rổ khoai thì má tôi kể về quê ngoại. Giọng má tôi trầm uất như cố tình làm đọng trong trí nhớ non nớt của chúng tôi một niềm cố hương đơn sơ để hoài vọng. Đó là một mái nhà tranh nhỏ, núp dưới tàn cây trái hiền lành của miền sông Hậu. Sau nhà là những nọc trầu leo lên hàng cau, hoa cau rụng trắng mặt đường. Ông ngoại là một người ăn ở hiền lành. Bà ngoại lưng còng, miệng rầy chó, mắng mèo rồi lại vào nhà lấy cơm cho ăn, chửi mà thương chứ không phải ghét bỏ, tánh hịch hạc thương con, thương cháu. Bà ngoại hay dùng bông bưởi gội tóc cho má tôi, rồi ngồi dưới tàn cây vú sữa bắt chí cho má tôi. Câu chuyện cứ lặp đi lặp lại rồi ăn vào trí óc non nớt của chúng tôi như một chuyện cổ tích.

    Một ngày nọ, như phát hiện một điều gì trọng đại trong đời mình, má tôi ngồi thần ra suốt buổi. Sau đó thì tất tả đi chợ, rồi đưa về ba chiếc lư hương và dựng lên cái bàn thờ nho nhỏ. Má tôi bảo: “Lư hương ở giữa là thờ ông bà ngoại, cái bên phải là thờ cho ông chú bà thím, cái còn lại là thờ những người trong dòng họ ngoại đã mất”. Sau đó má tôi làm một bữa cơm thanh đạm để cúng. Má tôi thắp nhang rồi lạy, nước mắt tuôn dầm ướt vạt áo vải.

    Tối đó, má tôi nằm võng gần đầu giường tôi ngủ và thủ thỉ với tôi bằng giọng xót xa bất thường: “Má một đời lận đận, khổ đau nên mang tội bất hiếu. Con lớn lên, nhớ về thăm quê ngoại, đắp thay má ít cục đất trên mồ để gội rửa tội lỗi cho má...” Mấy hôm sau thì má tôi qua đời. Má tôi chết, đôi mắt không nhắm kín.

    Lúc đó, tôi mới hai mươi bốn tuổi, chưa có tiền tài sự nghiệp, nên chẳng lo cho mẹ mình sung sướng được một ngày. Vì thế, trong những giọt nước mắt khóc mẹ ngày ấy, có một nửa khóc vì ân hận.

    Má tôi cả đời nhọc nhằn đến khi chết cũng chết một cách nhọc nhằn, đau khổ. Ngày đại tang của gia đình chúng tôi là ngày mùng 9 tháng 5 âm lịch. Sáng sớm hôm đó, má tôi và con Hiền (em ruột của tôi) đi xuống sông Bạc Liêu kéo tép và cả hai đã vĩnh biệt chúng tôi. Đó là cái ngày lần đầu tiên trong đời, tôi không muốn sống nữa.

    Hàng năm, vào ngày giỗ của má tôi, tôi về trong tâm trạng lạ lùng: Tôi rủ sạch những công danh tiền tài có được để đứng trước bàn thờ của má tôi với tâm hồn trinh nguyên tự thuở nào của thằng Nghĩa – con của má. Đã mười mấy năm rồi còn gì, thời gian đã làm nước chảy đá mòn, vậy mà khi đứng trước di ảnh của má tôi là tôi chết lặng, nước mắt ở đâu mà nhiều quá, mà xót xa quá cứ rơi xói buốt trong lòng tôi.

    Đời một nhà báo tỉnh lẻ như tôi chịu nhiều lận đận. Thế nên, cái kỳ vọng mà má tôi gởi lại cho tôi (về quê ngoại) cũng lặn mất đâu đó, trong trí óc của tôi. Mãi đến khi tôi có vợ, sinh được hai đứa con, thì cái kỳ vọng của má tôi chợt sáng lên lấp lóe, nhức buốt trong tâm não tôi. Đấy là lúc trong đời tôi, một người mẹ thứ hai xuất hiện đường đột sừng sững, đấy là mẹ của các con tôi.

    Hai năm nay thì cuộc sống của vợ chồng tôi ổn định chứ tám năm trước chúng tôi trôi nổi, bập bềnh. Nay thì ở đậu nhà chị, mai thì ở đậu nhà mẹ nuôi...

    Người ta thương nhưng cũng không bằng cha mẹ ruột, để ăn ở được dài lâu, vợ tôi tập sống theo cách sống của một con ở. Bếp núc, giặt giũ, gánh nước, giữ con... vợ tôi làm không hở tay, bàn tay của cô ấy hồi xưa thon thả thì bây giờ nổi gân xanh và u nần. Lâu lâu tôi về một lần nhìn thấy mà xót xa, sau đó thì đâm nhục cho thằng đàn ông nên không dám nhìn nữa. Vợ tôi có mang đứa con đầu lòng tới tháng thứ chín vẫn gánh mỗi ngày mười lăm đôi nước tưới giá bán, ki cóp gởi cho chồng đi học xa. Vợ tôi héo gầy vì lao lực nên sinh ra một đứa con suy dinh dưỡng nặng. Nó bú mớm, rút rỉa riết rồi không còn một giọt sữa, thế là mẹ nó phát bệnh. Do vậy, tình trạng cơ thể của con tôi trong mỗi bữa trái gió trở trời là nó sổ mũi, nóng sốt liên miên rồi ỉa chảy, đái dầm... những chuyện này vợ tôi xử lý hoàn toàn, còn tôi thì lâu lâu mới tạt về một lần, lại vụng về trong những việc như thế. Tôi đã thấy cô ấy bật khóc nức nở khi con tôi sốt 400. Tội nghiệp, những lúc tôi không có nhà chắc nó đày đọa thần kinh cô ấy dữ lắm. Con tôi mỗi bận nó bệnh là khóc đêm có khi nó khóc năm bảy đêm vợ tôi thức trắng để ẵm trên tay ru cho nó ngủ. Có những lần ngủ gục, đầu va vào thanh giường u một cục bầm xanh, vợ tôi cũng không hay bởi bận lo sờ nắn, sợ con mình ngã trúng...

    Xét ở góc độ tình thương con và đức hy sinh, thì vợ tôi là phiên bản thứ hai của má tôi. Và tôi nghĩ rằng tất cả những người mẹ trên thế gian đều như vậy. Thế nên, đến đây, trong đời tôi lại ló dạng thêm một người mẹ đứng ở ngôi thứ nhất. Ấy là bà ngoại tôi. Chuyện của ngàn xưa đến giờ vẫn vậy. Ngoại tôi “đi biển mồ côi một mình” để sinh ra má tôi rồi cực khổ trăm chiều nuôi má tôi khôn lớn để má sinh ra tôi, rồi cũng cực khổ trăm chiều. Nghĩ vậy tôi thấy lòng mình đầy tội lỗi. Tội thứ nhất là chưa thực hiện được tâm nguyện của má tôi gởi lại. Tội thứ hai lớn bằng trời là tôi đã bỏ một người mẹ ở nơi xa xôi ấy cho mồ mả hoang lạnh, cho vong linh vật vờ không nơi nương tựa.

    Thế là tôi đi Cồn Ấu trong tâm trạng sám hối. Từ bến Ninh Kiều tôi đi đò máy đuôi tôm qua cồn. Sông Hậu trải ra mênh mông xanh ngắt, Cồn Ấu hiện xanh biếc những vườn cây trĩu quả của miền châu thổ, ngọt ngào. Hèn gì người ta hát:

    “Cần Thơ gạo trắng nước trong
    Ai đi đến đó lòng không muốn về”

    Đất lành chim đậu, vậy mà đã mấy chục năm rồi chim tan tác, bay xa!

    Một ông lão có vẻ nhân từ, bới tóc củ tỏi, mặc áo Cao đài, cũng là người ly xứ Đồng Nai về đây mấy chục năm, hiểu hoàn cảnh của tôi; ông rất thông cảm nên rủ tôi về nhà ông trong thời gian tìm người cũ. Má tôi ra đi khi tóc hãy còn xanh, mấy mươi năm gội bạc mái đầu nên quê mẹ chỉ còn lại trong trí óc như một hoài niệm. Hơn nữa, khi má kể về quê ngoại, chúng tôi tiếp nhận như một chuyện cổ tích. Thế nên, thông tin mà tôi có được là: Nếu còn sống thì trên cồn này còn lại dì Hai, cậu Út - con của ông chú bà thím. Tuyệt nhiên, tôi không biết đặc điểm, nơi định vị ngôi nhà tổ phụ. Tôi nghĩ rằng, nếu gặp được những người này, thì tôi sẽ biết được bàn thờ gia tiên, nơi gởi gắm nắm xương của họ.

    Thế nhưng đã năm ngày trôi qua, tôi đã đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của Cồn. Đã kể lể với hầu hết những người mà tôi gặp đều không tìm được tung tích dì Hai, cậu Út. Những người già thì nói rằng: Có mang máng nhớ đến ông bà ngoại tôi, nhưng hai người mất sớm lắm, nên sau này, đã mấy chục năm, đời nhiều dâu bể, rồi chiến tranh loạn lạc, chết chóc trong chớp mắt, không biết con cháu họ mất, còn hay tản lạc phương nào?

    Đến ngày thứ bảy thì sự dày vò niềm đau đớn đã cào cấu đầu óc tôi mụ mẫn. Tôi lội lang thang trên Cồn không thiết gì ăn uống, không chuyện vãn với ai. Tôi đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết rằng có một tâm linh nhỏ đang cố bơi lội trên dòng sông hoài niệm để tìm về cố hương. Tôi cứ khẳng định với chính mình một cách uất ức rằng: gốc vú sữa này là nơi ngoại tôi chải tóc cho má tôi hồi đó. Mấy nọc trầu kia, hàng cau nọ là của ngoại tôi trồng, vì thế mà hương cau cứ quanh quẩn như là mừng mừng tủi tủi. Ôi! Giá mà ngoại tôi còn sống, tôi sẽ sà vào lòng ngoại tôi mà thủ thỉ trong nước mắt “Má con một đời lận đận, đau khổ chất chồng, đến chết mà không thấy được cố hương. Niềm đau ấy lớn vô cùng. Hôm nay, con về đây để an ủi ngoại. Mong ngoại hiểu mà tha thứ cho má con”.

    Thấy tình cảnh của tôi, ông lão chủ nhà bảo:

    - Cậu theo tôi. Trên tay ông cầm bó nhang thơm. Ông dẫn tôi đi loanh quanh rồi dừng lại tại một khu nghĩa địa. Mộ ở đây thì nhiều, nhưng cũng lắm cái đã nhạt nhòa dấu tích. Ông lão đốt nhang, đưa cho tôi rồi nói:

    - Từ xưa, người ở đây, sống thì ăn trái của đất Cồn, chết thì nằm lại trên đất Cồn. Cho nên, tôi chắc chắn rằng, trong nghĩa địa này, có người thân của cậu gởi thịt, gởi xương. Thôi thì cứ ứng ngoài cửa, hướng về tất cả những ngôi mộ mà khấn đi - vái rằng: Con là đứa con xa quê, nay trở lại tưởng nhớ công ơn tổ ngoại. Tôi tin rằng những người thân của cậu bấy lâu lạnh lẽo khói hương sẽ được ấm lên một chút.


    Thấy tôi làm y như lời dạy, với vẻ mặt hài lòng, ông lão dạy tiếp:

    - Tôi là người già nhất làng này - quê ngoại của cậu sẽ chứng nhận cho cậu. Vậy là được rồi. Có những người còn bạc bẽo hơn cậu, quê hương còn đây, người thân còn đó mà họ đành đoạn bỏ đất nước ra đi... Trước khi cậu về hãy nghe lời một người già sắp xuống lỗ, ngay bây giờ, phải dạy cho con mình thương yêu, hiếu thảo với mẹ nó, tôn kính ngoại nó... để sau này, nó khỏi lập lại nguyên mẫu của cậu, khi ngoại nó không còn, khi mẹ nó mất.

    Sáng hôm sau, tạ từ Cồn Ấu, tôi ngoái đầu ra thành tàu nhìn lần cuối miền quê ngoại. Những hàng cau xõa tóc huyền hoặc trong sương sớm. Tàu đi thật xa mà hương cau cứ bám theo như vấn vương, như tiễn biệt.

    Tôi thì thầm như gọi hồn những người đã khuất: Đây là lần cuối, là chấm hết mối liên hệ máu mủ bên ngoại, vì không còn gì để con về nữa. Hãy tha lỗi cho con má ơi! Ngoại ơi! Tôi chui đầu ra thành tàu để giấu mọi người một đôi mắt đỏ.
    Phạm Ngọc Yến thích bài này.
  2. Facebook comment - Khóc hương cau - Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Chia sẻ trang này