Thay đổi bất thường về nhiệt độ, mưa bão và hạn hán đang gây thiệt hại đến nghề nuôi tôm. Hiểu về ảnh hưởng của thời tiết đến môi trường ao nuôi và quản lý được những thay đổi đó là cực kỳ quan trọng cho sự thành công của vụ nuôi. Vài năm gần đây, nghề tôm đã trải qua những thời điểm khó khăn, để có được mùa vụ thành công là thách thức thực sự đối với người nuôi. Ở Thái Lan, năm 2010, do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết khô và nóng kéo dài đã gây ra đợt dịch bệnh phân trắng nghiêm trọng. Từ tháng 08/2010, La Nina khiến thời tiết trở lạnh, khu vực nuôi tôm ở phía Đông đã phải hứng chịu bệnh đốm trắng từ tháng 11/2010 đến nay. Tại Trung Quốc, từ năm 2010 đến đầu năm 2011, hơn 50% diện tích nuôi bị thiệt hại do đã trải qua một mùa đông dài và tiếp theo hạn hán. Nuôi tôm ngày càng khó khăn hơn ở Quảng Đông, Hải Nam và Phúc Kiến. Ở Việt Nam, đầu năm 2011, mưa lớn bất thường kéo dài gây dịch bệnh, tôm chết hàng loạt, thiệt hại hơn 60% ao tôm ở giai đoạn một tháng tuổi. Theo người nuôi tôm và các kỹ thuật viên có kinh nghiệm ở Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc, nguyên nhân chính do điều kiện thời tiết bất thường. Mục tiêu của bài viết này giải thích những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến môi trường ao tôm và đề xuất một số biện pháp giúp người nuôi ứng phó với điều kiện thời tiết bất thường. Mưa và gió Mưa và gió sẽ làm giảm pH, nhiệt độ, độ mặn, ôxy hoà tan và gây phân tầng nước trong ao nuôi. Tôm sẽ tìm đến khu vực bùn dơ, bị ảnh hưởng bởi khí độc H2S, bơi lội lờ đờ và sức khoẻ yếu đi. Tôm dễ mẫn cảm hơn với các vi khuẩn và virus gây bệnh, dẫn đến tôm chết. pH pH của nước mưa khoảng 6 – 7 và có thể thấp hơn nếu ở gần nhà máy công nghiệp. pH thấp có thể khiến tôm lột xác và làm rớt tảo trong ao. Giải pháp bằng cách rải vôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao để duy trì pH trong lúc trời đang mưa hoặc bắp bờ cao ngăn chặn nước mưa chảy xuống ao (vì điều này có thể gây xáo trộn và tăng độ đục nước ao). Tóm lại, người nuôi cần phải chú ý kiểm soát pH nước ao trong suốt mùa mưa. Ôxy hoà tan thấp Thường khi trời mưa, bầu trời sẽ có nhiều mây bao phủ. Tảo không những không cung cấp ôxy mà còn tiêu tốn ôxy. Sự phân tầng (do thay đổi về nhiệt độ và độ mặn) sẽ ngăn ôxy khuếch tán vào nước. Trong trường hợp này, ôxy chỉ được cung cấp từ máy quạt nước. Giải pháp cần thiết phải duy trì hoạt động của tất cả máy quạt nước khi trời đang mưa. Nên bố trí công suất của máy quạt nước phù hợp với khối lượng tôm có trong ao, thường 1 mã lực (HP) sẽ cung cấp ôxy cho 400 kg tôm (nếu quạt nước chạy điện 1 KW = 1,36 HP). Dựa vào đó, người nuôi ước lượng khối lượng tôm có trong ao để lắp đặt đủ số lượng máy quạt nước có công suất phù hợp. Nếu mưa kéo dài nhiều ngày, người nuôi cần phải đảm bảo thức ăn cho vào ao được tôm ăn hết. Nếu không, khi mưa chấm dứt và nhiệt độ tăng lên, lượng thức ăn còn thừa sẽ phân hủy nhanh tạo nhiều khí độc trong ao. Ngoài ra, vào buổi sáng trước khi cho tôm ăn, người nuôi cần phải biết khi nào tôm sẵn sàng bắt mồi bằng cách cho 200 g thức ăn vào trong nhá (sàn/vó) và đợi trong 20 phút. Nếu trong nhá hết thức ăn, khi đó người nuôi có thể bắt đầu cho tôm ăn. Nếu tôm không ăn hết, cần phải đợi và kiểm tra lại lần nữa cho đến khi tôm sẵn sàng bắt mồi. (hình: Luôn duy trì quạt nước và kiểm tra hàm lượng oxy trong ao) Nhiệt độ thấp Thông thường nhiệt độ thấp sẽ khiến tôm yếu tìm đến khu vực chất thải vì nhiệt độ ở đây ấm hơn. Và những con tôm này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi khí độc tại đây. Lượng thức ăn tiêu thụ sẽ giảm và nếu người nuôi không điều chỉnh phù hợp thì lượng thức ăn thừa sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm nước ao sau mưa. Ngoài ra, khoảng cách giữa các lần cho ăn sẽ kéo dài hơn khi mà nhiệt độ trong ao thấp hơn. Trong thời gian này, hoạt động của vi sinh cũng giảm lại, khiến cho chất thải hữu cơ tích tụ nhiều hơn. Đây sẽ là một quả bom hẹn giờ khi thời tiết bắt đầu nóng lên. Giải pháp ở đây là điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với nhiệt độ (vui lòng xem chi tiết trong bài báo “Cho tôm ăn một cách có hiệu quả” trong BayerNews tháng 7). Bên cạnh đó, người nuôi cũng nên rải vôi tôi Ca(OH)2, hoặc vôi nung CaO vào khu vực chất thải để đuổi tôm ra khỏi khu vực này. Độ mặn giảm Độ mặn giảm đột ngột sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của tôm nuôi do phải điều chỉnh áp suất thẩm thấu. Tôm bị sốc và dễ bị cảm nhiễm vi khuẩn gây bệnh trong ao nuôi. Điều này có thể giải quyết bằng cách tháo lớp nước bề mặt. Người nuôi cần bón khoáng, vôi hoặc muối ăn vào ao khi mưa kéo dài để duy trì hàm lượng khoáng, ổn định độ kiềm giúp tôm lột xác. Vôi CaCO3 sẽ giúp duy trì độ kiềm, trong khi đó vôi CaO hoặc Ca(OH)2 sẽ giúp giữ pH thích hợp. Muối ăn nên được đặt vào bao thức ăn và treo cách đáy ao 10 cm. Gió to và tiếng động mạnh Gió với tốc độ hơn 15 km/giờ có thể tạo sóng trên bề mặt và làm dao động nước trong ao. Bình thường lớp bùn mỏng phủ phía trên chất thải luôn được ôxy hoá bởi ôxy nên có màu sáng hơn. Lớp này đóng vai trò như tấm màng làm cho các khí độc bên dưới thoát lên chậm. Phía bên dưới chưa được ôxy hóa (điều kiện yếm khí) nên có màu đen và sản sinh ra khí cực độc H2S. Khi gió thổi mạnh, lớp bùn phía trên bị tróc lên, các khí H2S, NH3, NO2 thoát ra nhanh gây độc cho tôm. Khi trời mưa, giọt nước mưa rơi xuống mặt nước ao gây ra tiếng động ảnh hưởng đến tôm, khiến cho tôm giảm ăn, ngoài ra tôm sẽ tập trung ở đáy ao, nơi mà có hàm lượng khí độc cao và hàm lượng oxy rất thấp. Một số tôm bị kích thích lột xác bởi pH thấp, mà quá trình lột xác cần sử dụng ôxy nhiều hơn 1,4 lần, trong khi đó tôm lại chưa sẵn sàng cho việc lột xác. Đó là lý do thường sau những cơn mưa một số tôm chết mềm vỏ. Giải pháp cần phải bón vôi Ca(OH)2 hoặc CaO vào vùng rìa của khu vực chất thải để nâng pH lên cao, điều này sẽ đuổi tôm ra xa cũng như hạn chế độ độc của khí độc H2S (H2S sẽ cực độc ở pH = 5 và mất tính độc ở pH = 10). Tốt nhất ngưng cho tôm ăn khi trời đang mưa. Người nuôi Thái Lan sử dụng phổ biến quạt nước cánh tay dài. Quạt nước kiểu này không những khuếch tán ôxy vào nước mà còn tạo dòng chảy để thu gom chất thải hữu cơ vào giữa ao. Kỹ thuật này tạo ra một khu vực sạch đủ rộng để tôm ăn, hoạt động và khu vực chất thải được tách biệt nên nếu có gió mạnh thổi vào ao thì ảnh hưởng của khu vực chất thải ít hơn so với trường hợp chất thải phân tán khắp nền đáy ao. (hình: Bùn đen, nơi sinh ra khí độc H2S) Thời tiết lạnh Tôm là động vật biến nhiệt, hoạt động trao đổi chất của nó sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường nước ao. Nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho bệnh virus gây hại, đặc biệt virus đốm trắng. Căn cứ vào nghiên cứu của GS. Chalor Limsuwan, virus đốm trắng có độc lực cao khi nhiệt độ nước thấp hơn 28oC và nó có thể bị tiêu diệt nếu tôm được nuôi ở nhiệt độ cao hơn 31oC liên tục trong 7 ngày. Khả năng bắt mồi, khả năng tiêu hoá, sức đề kháng và hoạt động của hệ thống thần kinh của tôm giảm khi nhiệt độ giảm. Tôm chỉ có khả năng điều chỉnh cơ thể nếu nhiệt độ giảm từ từ, khi nhiệt độ giảm đột ngột tôm bị sốc. Nên tránh nuôi tôm khi trời quá lạnh hoặc nếu có thì cần có giải pháp thích hợp như che phủ ao bằng tấm bạt để giữ nhiệt độ trong ao cao hơn bên ngoài. Trong thời gian nhiệt độ thấp, tôm lớn chậm, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cao và tôm dễ bị nhiễm bệnh virus, vi khuẩn. Các triệu chứng thường gặp như tôm phân đàn, chết rải rác, đục cơ, di chuyển chậm chạp và còi cọc. Mỗi lần có gió lạnh tràn về, người nuôi cần kiểm tra xem tôm có sẵn sàng bắt mồi chưa trước khi cho ăn. Cách tốt nhất nên cắt giảm lượng thức ăn cho dù thức ăn trong nhá (vó/sàn) đã hết khi kiểm tra. Thông thường ở 18oC, tôm vẫn có thể bắt mồi nếu nhiệt độ giảm xuống từ từ hoặc đây là nhiệt độ hàng ngày trong mùa lạnh, tuy nhiên lượng thức ăn chỉ khoảng 10 – 20% so với nhu cầu bình thường. Trường hợp này không được áp dụng nếu nhiệt độ giảm xuống đột ngột. Chẳng hạn như khi nhiệt độ giảm đột ngột từ mức thích hợp 28 – 30oC xuống 22oC tôm sẽ ngừng ăn hoàn toàn. Nhiệt độ cao Khi nhiệt độ nước cao hơn 32oC, tôm ăn rất nhiều. GS. Chalor Limsuwan và các cộng sự đã quan sát thấy khi tôm ăn quá mạnh và bài tiết nhanh thì khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn giảm. Bên cạnh đó, một số tôm di chuyển nhanh cũng tiêu tốn nhiều năng lượng đáng ra dành cho tăng trưởng. Trong trường hợp này, chất hữu cơ trong ao nuôi sẽ tăng lên và trở thành nguồn thức ăn cho vi sinh vật phát triển dưới nhiệt độ cao. Nếu máy quạt nước không hoạt động, sự phân tầng nước sẽ xảy ra tầng có nhiệt độ cao phía trên và tầng có nhiệt độ thấp ở đáy ao. Điều này dẫn đến hiện tượng thiếu ôxy ở đáy ao, nơi mà hầu hết tôm trú ẩn để tránh nóng của tầng nước phía trên. Đồng thời, hàm lượng ôxy thấp là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật yếm khí (không cần ôxy) hoạt động, dẫn đến sự bùng phát khí độc trong ao. Nhìn chung, nhiệt độ cao có xu hướng khiến người nuôi cho ăn quá mức, chất lượng nước biến động, pH dao động mạnh, hàm lượng ôxy thấp, tảo phát triển mạnh dễ dẫn đến tảo tàn, sự phân hủy xác tảo tạo nhiều khí độc, độ mặn nước tăng cao (do sự bay hơi nước) thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio và các vi khuẩn gây bệnh khác bùng phát. Kết quả là một vụ nuôi thất bại. Cách tốt nhất để cho ăn vào mùa nóng nên dựa trên nhu cầu thực sự của tôm chứ không dựa trên việc kiểm tra nhá. Nên tránh cho ăn khi trời quá nóng và cần điều chỉnh thời gian cho ăn vào sáng sớm, chiều muộn hoặc cho ăn nhiều hơn vào buổi tối. Ngoài ra, cần phải dựa vào độ trong. Độ trong thấp hơn 30 cm cho biết tôm đã được cho ăn quá mức 2 – 4 ngày trước đó. Bên cạnh đó, mực nước cũng cần phải giữ ở mức cao nếu quạt nước có khả năng đưa ôxy xuống đáy ao. Nếu dìm cánh quạt nước xuống khoảng 3,8 cm, quay với tốc độ 80 – 90 vòng trong một phút, ôxy có thể khuếch tán xuống sâu khoảng 1,1 – 1,2 m. Ngoài ra, hàm lượng ôxy ở vùng rìa khu vực chất thải hoặc cách đáy ao trong phạm vi một bàn chân (30 cm) phải luôn cao hơn 4 ppm. Kể cả vào những ngày trời nắng, cũng nên duy trì máy quạt nước. Nếu tảo trong ao tàn, người nuôi nên lập tức bón vôi Ca(OH)2 để duy trì pH và giữ tất cả máy quạt nước tiếp tục hoạt động mạnh. Soraphat Panakorn Novozymes, Thái Lan, Tạp chí Nuôi trồng Thủy sản Châu Á