TIỀM NĂNG CỦA TÔM THẺ CHÂN TRẮNG (Penaeus vannamei) THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thảo luận trong 'Thủy hải sản' bắt đầu bởi tuech, 10 Tháng 8 2012.

  1. (Lượt xem: 4,551)

    TIỀM NĂNG CỦA TÔM THẺ CHÂN TRẮNG (Penaeus vannamei) THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP


    Tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, hiện đang được phát triển nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Riêng ở Việt Nam và vùng ĐBSCL, tôm thẻ chân trắng được đưa vào nuôi thử nghiệm năm 2002. Đến năm 2008, Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo đó, với các tỉnh Nam bộ phải có quy hoạch vùng nuôi và có hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng đảm bảo cho nuôi thâm canh. Các tỉnh ven biển từ Bình Thuận tới Quảng Ninh được nuôi trong vùng nuôi tôm của địa phương.
    Năm 2002, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của cả nước là 1.710 ha, sản lượng 10.000 tấn. Năm 2007 diện tích nuôi đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn. Năm 2008, diện tích nuôi khoảng 8.000 ha; năm 2009 tăng lên 14.500 ha và đến năm 2010 đã tăng lên trên 25.300 ha. Các tỉnh miền Trung và miền Bắc chiếm 17.960 ha, bằng 72% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của cả nước.
    Các tỉnh khu vực ĐBSCL đang phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trong phạm vi hẹp, trong đó tỉnh Sóc Trăng đến năm 2011 khoảng 150 ha; Cà Mau khoảng 200 ha; Bạc Liêu khoảng 158 ha. Theo nhận định của Sở NN-PTNT các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nuôi tôm thẻ chân trắng khá thuận lợi. Khả năng đề kháng của tôm thẻ chân trắng tốt, thích nghi nhanh với sự biến thiên của sự thay đổi môi trường, khí hậu, độ mặn. Vòng xoay của tôm thẻ chân trắng nhanh hơn tôm sú (có thể nuôi 1,5 đến 2 vụ/năm, trong khi tôm sú chỉ 1 vụ/năm). Tỉ lệ thiệt hại thấp hơn so với tôm sú. Giá tôm thẻ nguyên liệu đang có chiều hướng tăng cao...

    Hình thức nuôi: Tôm chân trắng hay tôm P.vannamei là loại tôm có cường độ bắt mồi khoẻ, lớn nhanh thích hợp với các hình thức nuôi thâm canh như mô hình ít thay nước, mô hình tuần hoàn khép kín. Diện tích ao nuôi từ 0,5 - 1ha, độ sâu của nước 1,5 - 2m, mật độ từ 25 - 60 con/m2 như tôm sú nhưng thời gian nuôi chỉ cần 80 ngày tôm đạt cỡ 50 con/kg, trong khi đó tôm sú phải cần 110 - 120 ngày.

    Chọn vùng nuôi: Ðịa hình phù hợp cho việc xây dựng ao nuôi công nghiệp là vùng cao triều mới thuận lợi cho việc cấp nước, thoát nước và phơi khô đáy ao khi cải tạo. Tôm P.vannamei không thích sống ở ao đáy cát hoặc đáy bùn nên đất xây dựng ao phải là đất thịt hoặc đất pha cát, ít mùn hữu cơ, có kết cấu chặt, giữ được nước, pH của đất phải từ 5 trở lên. Nguồn nước cung cấp chủ động, không bị ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp hoặc sinh hoạt pH của nước từ 8,0 đến 8,3. Ðộ mặn từ 10 - 25 . Về kinh tế xã hội : Nên chọn địa điểm vùng nuôi thuận lợi về giao thông, gần nguồn điện, gần nơi cung cấp các dịch vụ cho nghề nuôi tôm và an ninh trật tự tốt.

    Thời vụ nuôi: Tôm P.vannamei là loại tôm rộng độ mặn, rộng nhiệt, nhưng phạm vi thích hợp để tôm sinh trưởng nhanh có giới hạn. ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ thời gian tháng 2 hằng năm nhiệt độ nước còn dưới 18oC. Mùa mưa bão thường xảy ra trong tháng 8 và tháng 9. Do vậy, vụ nuôi tôm chỉ bắt đầu được từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đến hết tháng 7 và vụ II từ tháng 10 đến tháng 12. ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ vụ nuôi từ tháng 1 tháng 2 đến hết tháng 8, mỗi vụ từ 3 đến 4 tháng, mùa mưa từ tháng 9 - 11 hằng năm.

    THUẬN LỢI

    Trong những năm gần đây tôm thẻ chân trắng có vai trò, vị thế quan trọng trong cơ cấu sản xuất, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, duy trì và đẩy mạnh giá trị XK tôm nói riêng và kim ngạch XK thủy sản của cả nước nói chung. Theo VASEP, giá trị XK của riêng tôm chân trắng năm 2010 đã đạt 414,6 triệu USD, tăng gấp rưỡi so với năm 2009, bằng 20% giá trị XK tôm nói chung và bằng 8% tổng giá trị XK tất cả các sản phẩm thủy sản.
    Hiệu quả sử dụng đất khi nuôi tôm thẻ chân trắng cũng cao hơn hẳn so với tôm sú, bởi theo người nuôi tôm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tôm thẻ chân trắng là có thể thả nuôi quanh năm, sản lượng cao thời gian nuôi ngắn, vòng vốn quay nhanh…
    Thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng rất ngắn, mỗi vụ nuôi chỉ khoảng 2,5-3 tháng. Bên cạnh đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh trên mỗi hecta bình quân khoảng 7-8 tấn – năng suất rất cao.
    Có thể nói ở tỉnh Tiền Giang, nhiều nông dân cũng chọn tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chính của mình, bởi tôm thẻ chân trắng dễ nuôi, ít phát sinh dịch bệnh nên việc chăm sóc, quản lý ao nuôi tôm thẻ chân trắng cũng không quá khó khăn, tỷ lệ nuôi thành công cao.

    KHÓ KHĂN

    -Nuôi tôm thẻ chân trắng cũng có một số khó khăn như chi phí con giống cao, nguồn con giống không nhều có lúc phải nhập từ nước ngoài - chưa chủ động được nguồn con giống.
    -Lượng thức ăn cho tôm khá nhiều trong quá trình nuôi và tôm hoạt động bắt mồi liên tục nên khó kiểm soát được thức ăn dư thừa trong ao nuôi.
    -Chi phí cao nhiên liệu như xăng dầu, trang thiết bị, xây dựng công trình ao nuôi.
    -Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm còn yếu kém.
    -Tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, phương thức sản xuất tự phát.
    -Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, tình hình sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh còn nhiều dẫn đến chất lượng tôm nguyên liệu chưa cao.
    -Trình độ kỹ thuật cũng như quản lý của người nuôi chưa đồng đều nên khả năng tiếp cận, cập nhật kiến thức chuyên môn còn hạn chế, chưa có qui trình nuôi cụ thể.
    Việc thu mua tôm thẻ chân trắng của nhà chế biến có lúc hạn chế do phải tốn nhiều nhân công, chi phí bảo quản lớn...

    NHỮNG SAI LẦM KỸ THUẬT TRONG NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG

    Quá kỳ vọng vào đối tượng mới: Người ta thường nghĩ nuôi tôm thẻ chân trắng là đối tượng mới, sức sống cao nên rất dễ ăn, nếu như con tôm sú có hàng lọat khó khăn, rủi ro, thời gian nuôi dài, mật độ thấp, dịch bệnh, v.v.v, thì con tôm thẻ chân trắng khác hẳn. Chính vì những ưu điểm đó mà người ta quá chủ quan vào kỹ thuật nuôi tôm sẵn có mà áp dụng, nuôi mật độ quá cao trên 100con/m2. Dẫn đến tôm chậm lớn, hao thức ăn, hao đầu con do thiếu oxy, tôm dễ bị suy cùng với điều kiện oxy không đủ cho nên tôm thường nổi đầu, rớt đáy, dẫn đến thất bại.
    Chọn mật độ nuôi: Mật độ nuôi phải phù hợp với khả năng chăm sóc và kinh nghiệm nuôi của bản thân, thả mật độ dưới 100con/m2, là phù hợp vì ta đã giảm được 30% tôm giống, giảm 30% chi phí sản xuất, thức ăn, tăng được tốc độ nuôi tránh tình trạng kéo dài thời gian nuôi. Tuy nhiên cần tuyển chọn con giống cho tốt tránh tôm bố mẹ địa phương vì xãy ra hiện tượng đồng huyết, tỷ lệ sống kém và tỷ lệ mắc bệnh cao.

    Không định hướng quy trình kỹ thuật: Nuôi tôm thẻ chân trắng hay nuôi tôm sú, khâu định hướng quy trình kỹ thuật rất quan trọng vì nó quyết định rất lớn đến khả năng tự kháng bệnh của con tôm và diễn biến môi trường. Có nhiều người nuôi vì quá chủ quan vào kỹ thuật xử lý sự cố ao tôm của mình mà lơ là định hướng quy trình kỹ thuật cho nên khi ao xảy ra sự cố thì phải mất từ 3 – 5 ngày xử lý cho ổn định, thời gian đó tôm bị suy không phát triển và phải mất thêm 5 – 7 ngáy để tôm phục hồi, đó là trường hợp xử lý tốt, nếu gặp trục trặc khác thì càng nguy.

    Quá lúng túng trong khâu xử lý sự cố: Quá kỳ vọng vào hiệu quả tức thì của một lọai hóa chất hoặc thuốc xử lý nào đó, mà không phối hợp với công việc giải độc, cân bằng pH, kH, oxy hòa tan, thì tỷ lệ tái phát bệnh trở lại rất cao.

    Không cần phối trộn dinh dưỡng bổ sung: Hầu hết những người nuôi tôm thẻ chân trắng cho rằng, nuôi tôm thẻ chân trắng rất dễ không cần thiết phải bổ sung dinh dưỡng nhưng trong môi trường công nghiệp chật chội và oxy kém thì việc hỗ trợ tiêu hóa và quá trình hấp thụ thức ăn rất quan trọng, vì nó quyết định được hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn) quyết định chi phí nuôi tôm, thức tế áp dụng cho thấy viếc bổ sung thêm men đường ruột có gấc Saccharomyces cerevisiace kết hợp với sorbitol sẽ gia tăng quá trình chuyển hóa và hấp thụ thức ăn.

    Sử dụng vôi quá mức: Không phủ nhận việc sử dụng vôi trong nuôi tôm thẻ chân trắng là rất cần thiết nhưng sử dụng phải có công thức và có liều lượng…

    Từ nững vấn đề trên, ngành thủy sản các địa phương cần phải tích cực giải quyết một cách đồng bộ để nghề nuôi tôm đạt kết quả, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro gây thiệt hại cho người nuôi:

    GIẢI PHÁP

    -Trước mắt, cần thực hiện nghiêm Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm thẻ chân trắng. Do tôm chân trắng là đối tượng dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, hiện đang có hiệu quả kinh tế cao. Về lâu dài, các tỉnh cần rà soát và điều chỉnh bổ sung quy hoạch về nuôi trồng thủy sản phù hợp với thực tiễn; tránh tình trạng nuôi tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến những rủi ro, thiệt hại.
    -Tăng cường đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm, nhất là hệ thống thủy lợi, đầu tư khoa học công nghệ và khuyến ngư trong lĩnh vực nuôi tôm; tổ chức lại sản xuất trên cơ sở xây dựng các hợp tác xã, tổ đội sản xuất, áp dụng mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản nhằm hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất.
    Từng địa phương chủ động quản lý tốt môi trường vùng nuôi, không xả nước thải ra môi trường chung quanh, bảo đảm vệ sinh môi trường và giúp nhau trong khâu tiêu thụ sản phẩm vào mùa thu hoạch rộ.
    -Tăng cường liên kết giữa sản xuất tôm nguyên liệu và chế biến xuất khẩu để tránh tình trạng tôm nguyên liệu rớt giá gây thiệt hại cho người nuôi.

    -Xây dựng thông tin chung giữa người dân và doanh nghiệp; tránh tình trạng thu hoạch tôm đồng loạt vào chính vụ; định hướng lại phát triển thị trường; sản xuất và chế biến, cung cấp sản phẩm theo nhu cầu của thị trường cần, ví dụ như cung ứng tôm sú có kích cỡ lớn, nhỏ phù hợp yêu cầu khách hàng trong từng thời điểm khác nhau ...
    -Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch, chuyển đổi sản xuất trong vùng phải được các nhà khoa học tham gia và đông đảo nông dân đồng tình. Quá trình điều chỉnh quy hoạch không cứng nhắc mà phải theo tư duy mở, phải luôn bảo đảm hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất sử dụng; hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường phát triển bền vững. Phải biết khai thác, biến lợi thế đa dạng sinh thái mặn-ngọt-lợ đan xen thành lợi thế về kinh tế, trong đó lợi thế số một ở đây là nuôi tôm và các loài thủy sản có giá trị cao.
    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường khâu hỗ trợ vốn để thực hiện đầu tư thủy lợi linh hoạt, chủ động được mặn-ngọt... cho các dự án phát triển nuôi tôm nước lợ; triển khai quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học; trại sản xuất con giống đạt chuẩn quốc gia; xây dựng hoàn thiện quy trình bảo quản chế biến sản phẩm; tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng bị ép giá khi vào mùa thu hoạch.
    -Các địa phương cũng cần có bước đi và giải pháp về quy hoạch, định hướng vùng nuôi phải cụ thể, an toàn, bền vững; quản lý chặt chẽ con giống, nhất là con giống tôm thẻ chân trắng.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    Kĩ thuật nuôi Tôm chân trắngNhững sai lầm kỷ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng
    Tôm thẻ chân trắng hiện nay
    ๖ۣۜIce and thieu1xulamtiphu like this.
  2. Facebook comment - TIỀM NĂNG CỦA TÔM THẺ CHÂN TRẮNG (Penaeus vannamei) THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Chia sẻ trang này