Từ nông dân trở thành “Vua tôm sạch Bạc Liêu”

Thảo luận trong 'Thủy hải sản' bắt đầu bởi nguoibaclieu, 14 Tháng 6 2012.

  1. (Lượt xem: 2,926)

    (Tamnhin.net) - Vốn là người “nuôi tôm ăn theo”, bác Võ Hồng Ngoãn, còn gọi là bác Sáu bạc, dần dần trở thành “nhà khoa học chân đất”. Bác đã tự mày mò thử nghiệm và đưa ra mô hình nuôi tôm sạch vừa thân thiện với môi trường vừa đạt hiệu quả kinh tế cao.

    [IMG]
    Khu nuôi tôm theo phương pháp bền vững của bác Sáu

    Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để nuôi tôm. Bởi thế tỉnh này có gần 130 nghìn ha đất ven biển chuyên nuôi tôm, lớn thứ hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bạc Liêu cũng đã quy hoạch vùng nuôi tôm theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp có diện tích hơn 15.000 ha, lớn nhất nước.
    Con tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh chẳng những giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu, đổi đời cho nhiều hộ nuôi tôm. Phong trào đào ao nuôi tôm vì thế bắt đầu từ năm 2001 trở về sau mỗi năm một sôi động.
    Thế nhưng thời gian gần đây việc nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp nói riêng ở tỉnh Bạc Liêu bộc lộ nhiều khó khăn và rủi ro cao. Tôm sú thả nuôi chậm phát triển, thời gian thả nuôi kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Trong khi đó, vào những năm đầu mới chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, người dân chỉ nuôi bốn tháng là thu hoạch. Đáng lưu ý, mấy năm nay nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh thất bại, thua lỗ, dẫn đến cụt vốn, nợ nần nên bỏ hoang đầm tôm. Đó là do bệnh ở tôm xuất hiện nhiều, thời tiết luôn diễn biến bất lợi, các giải pháp nuôi tôm bằng quy trình hóa chất, kháng sinh không mang lại hiệu quả ổn định, bền vững.
    Trong bối cảnh như vậy ở xã Vĩnh Trạch Đông nổi lên bác Võ Hồng Ngoạn, một người nuôi tôm bất bại. Năm nào bác cũng trúng mùa thu lãi hàng tỷ đồng. Ở tỉnh Bạc Liêu, nhiều người gọi bác là "vua tôm". Đâu là bí quyết của “ông vua chân đất” này?
    [IMG]
    Vua tôm sạch Sáu Ngoãn
    Bác Sáu Ngoãn chia sẻ: “Vợ tôi làm nghề gom tôm bán cho các đầu nậu nên tôi cũng thử nuôi tôm xem sao. Lúc ban đầu làm quen với con tôm vào năm 2001 thì tôi vẫn nuôi như những hộ nông dân khác. Vẫn thả với mật độ 30 – 40 con/m2. Trong thời gian nuôi 2 – 3 vụ vật lộn với con tôm thì mình đã trải nghiệm, học hỏi những người đi trước, học hỏi kỹ thuật chuyên gia của ngành. Từ chỗ đó đúc kết ra nhiều điều thú vị”.
    Điều đầu tiên bác Võ Hồng Ngoãn đúc kết ra là nuôi tôm theo lối công nghiệp, bán công nghiệp với mục đích tìm kiếm lãi suất cao bằng mọi giá có nhiều sự bất ổn. Chi phí đầu tư cao, nuôi tôm mật độ dày khiến tôm chậm lớn, dễ bị bệnh nên phải dùng nhiều thuốc kháng sinh làm cho tôm thành phẩm kém chất lượng, tỷ lệ tôm chết cao, nước nuôi tôm bị ô nhiễm nặng nên khi thải ra ngoài làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên. Sự thành công của người nuôi tôm bấp bênh, phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố khách quan, giá tôm cũng thấp do kich thước nhỏ.
    Bác Sáu tâm sự với phóng viên Khoa học và Công nghệ: “Người nông dân đa số những ai nuôi tôm đều có lòng tham. Nghĩ rằng đã nuôi thì nuôi cho nhiều. Nuôi với mật độ thật cao thì chi phí nhiều, rủi ro cao. Đầu tư nghề gì có thất thoát thì cũng còn ít vốn. Còn đầu tư nuôi tôm lỡ có thất bại thì cũng như cháy cái nhà, là trắng tay”.\
    Bác Sáu Ngoãn đã tìm ra và áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghiệp bằng quy trình sinh học, sản phẩm đạt kích cỡ lớn nên có sức cạnh tranh cao, từng bước tạo được uy tín, vị thế trên thương trường. Năm 2008, trong điều kiện giá tôm nguyên liệu giảm, cỡ tôm 35 con/kg trên thị trường dao động ở mức 78.000 đến 86.000 đồng/kg, nhưng sản phẩm của bác đạt trọng lượng bình quân 20 con/kg, giá bán đạt tới 120.000 đến 130.000 đồng/kg... Trong các năm tiếp theo do giá tôm trên thị trường ở mức cao, một kg tôm sú bác bán ra đạt từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên tới 250.000 đồng/kg. Bình quân trọng lượng của tôm đạt từ 18 đến 20 con/kg.
    [IMG]
    Tôm sú sạch đạt 20 con/kg
    Bác Võ Hồng Ngoãn cho biết: “Tôi đúc kết ra quy trình nuôi tôm bền vững, nuôi tôm sạch. Nuôi mật độ thưa, hạ thấp mật độ xuống. Thay vì nuôi tôm sú theo mật độ công nghiệp 3 – 4 chục con trên mét vuông, tôi hạ thấp dần dần xuống còn 7 con, 9 con. Nuôi mật độ thấp thì vốn thấp, rủi ro thấp. Con tôm nuôi mật độ thấp rất là to, rất là mau lớn”.
    Tôm của “Vua tôm” có thương hiệu riêng, được đánh giá cao trên thị trường không chỉ vì kích cỡ lớn mà còn vì đó là tôm sạch. Theo lập luận của bác Sáu Ngoãn, nuôi tôm sạch khác với nuôi tôm thường ở hai điểm: Điểm thứ nhất, người nuôi phải hướng về việc bảo về sinh thái chung chứ không chỉ vì cái lợi của riêng mình. Điểm thứ hai là không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh mà dùng thức ăn vi sinh, thức ăn tự nhiên, chữa bệnh cho tôm bằng các loại thảo dược. Nuôi thưa thì không sợ tôm bị thiếu ô xy và chất thải cũng rất ít. Chất thải ít, nước không bị ô nhiễm thì không có dịch bệnh, không có dịch bệnh thì không cần sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh.
    Quy trình nuôi tôm sạch của bác Võ Hồng Ngoãn được đề ra và tuân thủ nghiêm ngặt. Trong khi các hộ nông dân tận dụng gần hết mặt bằng để nuôi tôm thì bác dành ra một nửa diện tích mặt bằng để xây ao lắng liên hoàn, ao lắng phù sa, ao lắng chính, ao lắng phụ, ao thải.
    Sáng kiến xây ao lắng phù sa của bác Sáu đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường tặng Cúp và Bằng khen hai lần. Bác dùng thiên địch của tôm, cua để diệt mầm bệnh trong tôm tạp và các loài giáp xác thay cho việc sử dụng hóa chất. Bác nuôi các loại cá dữ, chẳng hạn như cá chẽm (còn gọi là cá vược), cá chép biển trong ao lắng để chúng ăn các loài tôm tạp, cua còng trung gian mang mầm bệnh. Cách làm này vừa bảo vệ cho tôm nuôi khỏi tiếp xúc với mầm bệnh vừa cho thu nhập từ bán cá. Ao lắng phù sa có hào sâu và lưới cao để tôm tạp và cua không lọt vào ao nuôi tôm. Ao lắng chính có chức năng lọc nước để tránh ấu trùng tôm tạp lọt vào ao nuôi tôm, ao lọc cũng là nơi nuôi sò. Nước được lọc bằng vải.
    Đích thân ”Vua tôm” thường xuyên đo nhiệt độ nước tầng sâu cũng như nồng độ ô xy và các tạp chất trong nước để có sự điều chỉnh kịp thời. Sau một thời gian thả con giống bác bắt tôm lên để kiểm tra kích cỡ, trọng lượng để biết tôm có phát triển bình thường hay không. Bác chủ trương chỉ mỗi năm chỉ nuôi một vụ tôm, dành nhiều thời gian cho việc làm vệ sinh vuông tôm và để ”đất nghỉ ngơi”. Hiệu quả kinh tế từ một vụ tôm chắc ăn lớn hơn nhiều so với việc nuôi tôm 2, 3 vụ nhưng bấp bênh.
    “Vua tôm” không muốn giữ bí quyết cho riêng mình. Bác nhiệt tình trực tiếp hướng dẫn quy trình nuôi tôm sạch, nuôi tôm bền vững cho các hộ nuôi tôm cũng như tham gia các cuộc hội thảo, phát biểu trên báo, đài. Bác không ủng hộ cách thức nuôi tôm công nghiệp “theo phong trào” vừa có hại cho môi trường chung vừa gây lỗ cho người nông dân.
    Mô hình nuôi tôm sạch của “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn đang được tuyên truyền phổ biến không chỉ ở tỉnh Bạc Liêu mà khắp đồng bằng Sông Cửu Long. Mô hình này lẽ ra đã được nhân lên nhanh hơn nếu như không vấp phải sự phản đối của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp cho tôm cũng như các loại thuốc kháng sinh, hóa chất vốn được tiêu thụ rất mạnh theo quy trình nuôi tôm mật độ dày và thiếu bền vững.

    Trần Quang Vinh
  2. Facebook comment - Từ nông dân trở thành “Vua tôm sạch Bạc Liêu”

  3. [IMG]Hình ảnh khu nuôi này hiện nay mình đang nuôi nè( B 6 Ngoãn nhượng lại )
    Administrator thích bài này.
  4. Chúc bác luôn phát tài
    --- Bài viết đã được gộp: May 12, 2013 9:38 PM ---
    Chúc bác luôn phát tài

Chia sẻ trang này