Mặc dù bây giờ ai cũng biết clip “Quyền Linh bị bắt” chỉ là hình ảnh “rò rỉ” từ buổi ghi hình một chương trình truyền hình thực tế, nhưng dư luận vẫn dấy lên mối nghi ngờ rằng nhà sản xuất và diễn viên đã bắt tay nhau làm nóng cho chương trình sắp phát sóng. Thật giả lẫn lộn Trong cuộc trò chuyện trưa ngày 29/6, Quyền Linh cho biết anh đã không đọc trước kịch bản chương trình truyền hình Camera giấu kín. Nghe đến đây hẳn không ít người sẽ thấy vô lý. Bởi một nghệ sĩ tên tuổi như anh, vừa đang đắt show truyền hình (nghĩa là rất bận rộn), lại đang được đông đảo khán giả quý mến sẽ không dễ đồng ý tham gia một chương trình mà chưa biết mình sẽ làm gì, sự xuất hiện của mình sẽ như thế nào trong chương trình đó. “Chính tôi cũng thấy lạ, vì đây là chương trình đầu tiên tôi nhận lời mà không ký hợp đồng, không biết nội dung, chỉ quay một lần duy nhất... Nhưng vì người mời là bạn thân nên tôi đã gật đầu”. “Đây cũng là điểm đặc biệt của chương trình này, vì nhà sản xuất mời nghệ sĩ tham gia thông qua một người bạn thân của mình, chỉ có thân thiết và tin tưởng nhau mới dám nhận lời mà không cần biết nội dung”, Quyền Linh nói thêm. Vài ngày sau khi được mời, Quyền Linh lại tiếp tục được người bạn thân này mời sang công ty - đơn vị sản xuất chương trình để bàn bạc thêm. Và trên đường qua công ty thì “vụ án” xảy ra. Quyền Linh chia sẻ, dù biết là mình vừa nhận lời tham gia chương trình, nhưng “tôi cũng không ngờ họ… bụp luôn một cách nhanh chóng và khó đỡ đến vậy”. Khi biết được đặc điểm chương trình là người chơi sẽ không được biết trước về tình huống mình sẽ đối diện, dù tình huống này được ê kíp sản xuất lẫn anh nhận thấy rằng “quá đà”, nhưng “tôi thấy thú vị và đã mời một vài bạn thân tham gia, theo gợi ý của nhà sản xuất”. Anh cho biết đã rủ Phước Sang, nhưng vì Phước Sang quá bận nên từ chối, còn một người thân nữa đã nhận lời nên không tiết lộ được. Hình ảnh được cắt từ đoạn clip gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua.Hỏi Quyền Linh, vì chương trình này mà bao nhiêu người “quay cuồng” cả buổi chiều hôm clip tung ra, thậm chí như anh kể đã có khán giả nhắn tin vào máy “anh làm ơn nghe điện thoại, ngoại em xỉu rồi”, hoặc chính mẹ anh đã không đứng dậy nổi và đòi em trai anh chở bà lên TP.HCM gấp, thì không biết anh thấy “thú vị” ở điểm nào. Anh nói, lâu nay anh biết người xem truyền hình dành nhiều tình cảm cho mình, nhưng sau “vụ án” này, anh mới cảm nhận được thật sự tình cảm đó, những tấm lòng chân thành đó - cùng khóc, cùng cười và cùng… điếng người với những buồn vui của mình. “Họ thương tôi như thương người nhà vậy”. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết, phía sản xuất chương trình từng mời một nam diễn viên nổi tiếng tham gia. Nội dung tình huống đã được thông báo trước với anh này là: anh sẽ vào vũ trường và rơi vào một vụ đánh nhau, những người tham gia trong tình huống này sẽ không bị khán giả hay người thường trong bar phát hiện. Cảnh ẩu đả sẽ diễn ra như thật để đảm bảo tính “thực” của chương trình. Tuy nhiên, do tình huống này dễ khiến nhiều người hiểu nhầm nên nam diễn viên này đã từ chối. Hệ lụy từ chuyện “đùa chút chơi” Trên thế giới, thể loại truyền hình thực tế (Reality TV) được nhiều nước ưa chuộng, đặc biệt là chương trình Just for laughs gaps (JFLG) (tạm dịch: Đùa chút chơi) phát sóng trên kênh CBC và The Comedy Network (Canada) lần đầu vào ngày 26.12.2002, sau đó đến kênh Telemundo, ABC (Mỹ), BBC (Anh)... JFLG được thực hiện bằng cách giấu máy quay rồi làm nhiều trò ngớ ngẩn, thu hút đối tượng tham gia, làm họ không nghi ngờ và nắm bắt phản ứng của từng người. Chương trình JFLG ăn khách tại 140 quốc gia trên thế giới đã xuất hiện trên kênh Today TV tại VN, hiện phát đến số 55. Ở các chương trình truyền hình thực tế nước ngoài, người chơi phải ký hợp đồng với nhà sản xuất chương trình đồng ý không kiện tụng những trường hợp xảy ra trong quá trình tham gia cuộc chơi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi bất ngờ trước tình huống họ bị đẩy vào. Một số bị đặt vào tình thế cực kỳ hoảng loạn khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế ở Mỹ. Như trường hợp của một đôi vợ chồng cứ ngỡ tham gia cuộc chơi ở phim trường nhưng khi bước ra khỏi sân bay về khách sạn, hai người phát hiện một xác chết trong bồn tắm tại căn phòng mà nhà sản xuất đã thuê cho họ. Cả hai chạy xuống tiền sảnh liền bị cảnh sát đến còng tay. Vẻ hoảng hốt, kinh sợ của người tham gia này trở thành tâm điểm cuộc chơi, nhằm lôi kéo sự chú ý của người xem truyền hình. Năm 2007, Deleese Williams (28 tuổi), đến từ bang Texas (Mỹ) đau khổ khi tham dự chương trình truyền hình thực tế Extreme makeover trên kênh ABC, theo báo Los Angeles Times. Kịch bản ghi rõ: người tham gia (Deleese) chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ để có nụ cười tuyệt đẹp như siêu mẫu sau khi bị gia đình, người thân chê cười vì răng hô, hàm lệch. Sau khi bay đến Los Angeles để giải phẫu và ghi hình, phút cuối ban tổ chức Extreme makeover đột ngột thay đổi quyết định, cho rằng ý tưởng chương trình không hay nữa nên hủy chương trình và Deleese buộc phải về lại Texas. Quá đau buồn vì buông lời chọc ghẹo ngoại hình chị gái được ghi hình trước đó, em gái Deleese đã tự tử. Tờ Independent (Anh) từng đăng bài When reality television becomes too brutally real for contestants (tạm dịch Khi truyền hình thực tế thực đến mức tàn nhẫn với thí sinh) đã bình luận: “Rõ ràng mối liên kết giữa truyền hình thực tế và tự tử không chỉ diễn ra ở Mỹ. Năm 2007, thí sinh Jo O’Meara đã tự kết liễu cuộc đời sau khi tham gia chương trình British Celebrity Big Brother (Anh) do người cùng phòng với cô khi tham dự game show gọi Jo là kẻ bắt nạt và phân biệt chủng tộc. Năm 2008, khi tham gia game show Wife swap (Đổi vợ), Simon Foster được tìm thấy đã chết tại Brighton (Anh). Theo kịch bản cuộc chơi, Simon và vợ đồng ý có bạn gái sống chung. Sau đó, hình ảnh Simon được phơi bày trên nhiều tờ báo lá cải ở Anh, trở thành trò cười cho công chúng. Ông bị trầm cảm nặng, trở nên nghiện ngập rượu và mất việc làm. Và khi vợ mang 2 con đến sống hẳn với người đàn bà đồng tính (là cô gái tham gia sống chung với vợ chồng anh trong chương trình), Simon đã tự sát. Nhà sản xuất game show cho biết họ thử nghiệm tâm lý đối tượng tham dự, đảm bảo người tham gia chương trình có thể đối phó với những tình huống giả định nhưng ban tổ chức không chịu trách nhiệm khi xảy ra bi kịch với họ sau khi chương trình kết thúc. Đó là sự tàn nhẫn với người chơi. Rõ ràng, sự thành công hay thất bại của một chương trình truyền hình thực tế phụ thuộc rất nhiều vào phong tục tập quán, tâm lý tiếp nhận tình huống riêng biệt của khán giả mỗi nước. Và “vụ Quyền Linh” là một ví dụ cho thấy sự thận trọng trong việc chọn tình huống để người chơi phải đối diện là luôn luôn cần thiết, trong bối cảnh truyền hình thực tế chưa quá phổ biến nhưng sự lan truyền của thông tin trên mạng lại quá nhanh chóng như ở nước ta hiện nay. Nguồn Zing News